Xuất khẩu nông sản nhiều kỷ lục song vẫn hi vọng khởi sắc hơn trong năm tới
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ước tính, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính trong 11 tháng đầu năm tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm trước, lên 13,7 tỷ USD. Một số mặt hàng như cà phê, hạt điều, rau quả, gạo đem về kim ngạch trên 2 tỷ USD.
Rau quả bứt phá
Năm 2016 là năm xuất khẩu ngành nông sản đạt nhiều kỷ lục mới. Minh chứng đầu tiên là sự bứt phá của mặt hàng rau quả với kim ngạch vươn lên vị trí thứ 3 chỉ sau kim ngạch xuất khẩu của cà phê và hạt điều.
Theo thống kê Hải Quan, kim ngạch xuất khẩu rau thu về được hơn 2,3 tỷ USD tính từ đầu năm đến giữa tháng 12 năm nay. Đáng chú ý là nhiều mặt hàng trái cây tươi đã dần dần chinh phục thị trường khó tính.
Cụ thể, trái vải Việt Nam đã thâm nhập vào nội địa Úc và thanh long đang chờ hoàn tất thủ tục chuẩn bị xuất khẩu trong thời gian tới. Riêng những tháng đầu năm nay, thanh long chiếm gần 70% lượng trái cây tươi Việt Nam xuất sang các thị trường như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, New Zealand.
Ngoài ra, nhiều mặt hàng trái cây là măng cụt và vải đã được nhận vào thị trường Mỹ, Úc. Các lô hàng được chấp nhận vào các thị trường lớn như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc gồm thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, và măng cụt đã tăng lên.
Cụ thể, Văn phòng An toàn về Thực phẩm và Thú y Liên bang Thụy Sĩ cho biết, 53% các loại rau nhập khẩu từ Việt Nam và Campuchia không vượt qua việc kiểm tra tiêu chuẩn về thuốc trừ sâu của nước này.
Tiềm năng xuất khẩu trái cây của Việt Nam còn rất lớn, nếu kiểm soát tốt chất lượng đầu vào kim ngạch xuất khẩu rau và trái cây của Việt Nam còn tiếp tục tăng mạnh trong các năm tới. Bộ Công thương dự báo, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong năm nay đạt 2,5 - 2,6 tỉ USD, vượt xa so với kế hoạch 2 tỉ USD được đặt ra từ đầu năm.
Mặc dù tăng trưởng nhanh nhưng tương lai ngành rau quả cũng phải đối mặt với nhiều rào cản vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu. Gần đây, Bộ Công thương phát đi cảnh báo "về hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật quá mức cho phép" đối với các nhà xuất khẩu rau và đồ gia vị Việt Nam sang thị trường Thụy Sĩ.
Xuất khẩu nông sản trong năm qua đạt nhiều kỷ lục mới (Nguồn: IT) |
Giá điều khô ở mức kỷ lục sau nhiều năm
Hạt điều cũng là một mặt hàng nông sản chủ lực có sự tăng trưởng mạnh về sản lượng xuất khẩu. Thống kê từ hải quan cho thấy, xuất khẩu điều trong 11 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước tăng hơn 6% lên 320 nghìn tấn và tăng hơn 18% lên 2,6 tỷ USD.
Bên cạnh đó, giá thu mua hạt điều khô trong nước chạm mốc kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây, có thời điểm lên cao nhất là 60.000 đồng/kg.
Theo Hiệp Hội điều Việt Nam (VinaCas), liên tiếp 10 năm qua, Việt Nam luôn đứng đầu trong các nước xuất khẩu hạt điều, chiếm tới 50% tổng sản lượng điều nhân toàn cầu. Hiện nay đã có đến 80 nước nhập khẩu hạt điều sơ chế của Việt Nam, nhiều nhất là Mỹ chiếm 30%, một số nước châu Âu (25%) và Trung Quốc (18%).
Vina Cas dự báo, ngành điều chế biến được khoảng 1,4 tấn hạt điều, xuất khẩu trên 300 nghìn tấn, doanh thu có thể cán mức 3 tỷ USD trong năm nay. Trong đó, nhân điều sơ chế đạt khoảng 2,8 tỷ USD, điều chế biến sâu và dầu vỏ điều 2 tỷ USD, đứng sau kim ngạch xuất khẩu cà phê và trước kim ngạch xuất khẩu gạo.
Cà phê vui trở lại
Năm nay cũng đón nhận niềm vui trở lại của ngành cà phê khi cùng thời điểm tháng 11 năm 2015, kim ngạch xuất khẩu cà phê chỉ đạt 2,08 tỉ đô la Mỹ, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2014. Sang tới năm 2016, kim ngạch xuất khẩu đã lên tới 3 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2015.
Tại hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2015-2016, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VIFOCA) cho biết, niên vụ 2015 - 2016, Việt nam xuất khẩu được gần 1,75 triệu tấn, tương đương với 3,16 tỷ USD, tăng 35% về lượng và tăng 17% về kim ngạch so với niên vụ trước.
Đây là niên vụ có khối lượng xuất khẩu cao nhất trong 3 năm qua. Theo đó, xuất khẩu cà phê dự kiến có thể đạt gần 3,5 tỷ USD, với khoảng 1,8 triệu tấn tính đến hết năm nay.
Về tình hình giá cà phê nội địa, VIFOCA cũng cho biết, nếu như trong nửa đầu năm nay, giá cà phê chỉ dừng ở mức 30.000 - 32.000 đồng/kg thì đến cuối vụ giá cà phê đã tăng vọt, có thời điểm lên đến trên 45.000 đồng/kg.
Ngành cà phê tiếp tục khẳng định vị thế mặt hàng chủ lực trong bài toàn xuất khẩu nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn kỹ vào ngành hàng vẫn có thể thấy một số khó khăn ở phía trước.
VIFOCA cho hay, do tác động tiêu cực của hiện tượng El-Nino, sản lượng cà phê trong niên vụ mới 2016 - 2017 dự báo sẽ sụt giảm 20 - 25% so với vụ trước, chỉ đạt khoảng 1,3 triệu tấn.
Trong khi đó, vào thời điểm thu hoạch cà phê năm nay, khu vực Gia Lai lại liên tục mưa nhiều kèm theo sương mùa sương mù dày đặc khiến nông dân không thu hoạch được cà phê đúng vụ, chất lượng cà phê cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng cà phê xuất khẩu trong thời gian tới.
Báo động nhất hiện nay trong ngành cà phê là tình trạng chặt phá cà phê để trồng những cây có lợi nhuận cao hơn như tiêu hoặc xen canh cây ăn quả khiến diện tích cà phê giảm mạnh. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát triển cây cà phê bền vững trong tương lai.
Một năm thắng lợi của hồ tiêu
Năm 2016 là một năm xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam có nhiều thuận lợi. Nhu cầu các thị trường toàn cầu đối với mặt hàng gia vị này phần lớn đều tăng.
Theo thống kê Hải quan, tổng lượng hồ tiêu các loại xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm đạt hơn 170 nghìn tấn, bao gồm 151 nghìn tấn tiêu đen và 19 tấn tiêu trắng. Theo đó, giá trị xuất khẩu thu về 1,4 tỷ USD, trong đó tiêu đen đạt hơn 1,1 tỷ USD và tiêu trắng đạt 212 triệu USD.
So với cùng kỳ trước, lượng xuất khẩu tăng 35% tương đương 44 nghìn tấn, giá trị tăng 14% tương đương 166 triệu USD.
Bà Nguyễn Mai Oanh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VPA cho biết: "Năm 2016 là năm đạt thắng lợi của ngành hồ tiêu khi sản lượng và giá trị xuất khẩu đều đạt cao nhất từ trước tới nay. Đáng chú là năm qua, một doanh nghiệp của Việt Nam đã xuất khẩu hồ tiêu vượt doanh nghiệp vốn có cả trăm năm kinh doanh nông sản trên toàn cầu. Năm 2017 tiếp tục là năm nhiều triển vọng cho hồ tiêu Việt Nam, xuất khẩu có khả năng cao bằng năm nay nhờ nhiều doanh nghiệp đã đầu tư trang thiết bị xử lý và chế biến hiện đại, cũng như thực hiện được chế biến và sản xuất tiêu theo chuỗi".
Bà Oanh cũng cho biết thêm, mặc dù xuất khẩu có triển vọng song sản xuất hồ tiêu vẫn chưa ổn khi diện tích tăng quá nhanh khiến guồn cung dư thừa dẫn đến giá giảm, đặc biệt có diện tích tiêu bị nhiễm thuốc BVTV cao do nông dân canh tác không đúng khiến cho giá xuất khẩu không được cao.
Đã có chứng nhận “Cao su Việt Nam”
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), năm 2016 là năm đánh dấu cột mốc quan trọng của ngành cao su Việt Nam. Lần đầu tiên, nhãn hiệu chứng nhận "Cao su Việt Nam" (Viet Nam Rubber) được công bố chính thức sau hai năm thực hiện các thủ tục cấp phép và xây dựng hồ sơ pháp lý liên quan. Theo đó, VRA là chủ sở hữu hợp pháp với nhãn hiệu chứng nhận "Cao su Việt Nam".
Theo thống kê Hải quan, xuất khẩu cao su cũng không chịu thua kém về mặt tăng sản lượng khi tính đến hết tháng 11 năm nay đạt hơn 1,1 tấn thu về hơn 1,4 tỷ USD.
Bộ NN&PTNT cũng ước tính, tổng kim ngạch xuất khẩu cao su thiên nhiên của cả năm nay đạt 1,66 tỷ US. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ cao su như lốp xe, linh kiện cao su, băng tải đạt 1,5 tỷ USD và các sản phẩm từ gỗ cao su là 1,2 tỷ USD.
Buồn và lo nhất ở ngành hàng gạo
Ngành gạo tuy có thể tự hào với kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm nay nhưng lại không thể vui bởi xuất khẩu giảm mạnh cả lượng lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Theo thống kê Hải quan, xuất khẩu gạo trong 11 tháng đầu năm nay so với với cùng kỳ năm trước, giảm 26% xuống 4,5 triệu tấn và giảm 22% xuống 2 tỷ USD.
Theo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2016 giảm kỷ lục trong gần 10 năm qua, xuống mức thấp nhất từ năm 2009 đến nay, và hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều không hoàn thành chỉ tiêu đề ra.