|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Xuất khẩu khởi sắc, có doanh nghiệp kín đơn hàng đến cả đầu năm 2025

09:26 | 15/10/2024
Chia sẻ
Theo ông Hoàng Hữu Yên, Tổng Giám đốc Intech Group, khi nền kinh tế sôi động trở lại, cộng đồng doanh nghiệp đã đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị phục vụ cao điểm sản xuất kinh doanh. Hiện tại, doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết năm và đang tiếp tục đàm phát cho đơn hàng năm 2025.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, từ lâu hầu hết doanh nghiệp dệt may đã kín đơn hàng xuất khẩu đến hết năm. Dự báo, trị giá xuất khẩu dệt may cả năm nay chắc chắn sẽ đạt mục tiêu đề ra là 44 tỷ USD. Hiện, các doanh nghiệp dệt may đã và đang rất tích cực đàm phán đơn hàng xuất khẩu cho quý I/2025. 

Kín đơn hàng đến cuối năm

Thay vì phải đi tìm kiếm đơn hàng hàng tuần, hàng tháng như năm trước, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng Công ty Cổ phần May 10 cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, đơn hàng từ các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), …liên tục đổ về. Đến nay, doanh nghiệp đã kín đơn hàng đến cuối năm, thậm chí có những mặt hàng có đơn hàng đến kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán năm 2025.

“Hết tháng 9, doanh thu của doanh nghiệp đã tăng trên 8% so với cùng kỳ năm trước và các khoản đóng góp về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế đất …cho nhà nước lên tới 44 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái”, ông Việt thông tin.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng Công ty Cổ phần May 10. (Nguồn: Nguyễn Ngọc).

Tương tự, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày -Túi xách Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, ngành da giày Việt Nam tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa thị trường, đồng thời chú trọng duy trì thị trường truyền thống như Mỹ, EU do sức mua và dung lượng thị trường lớn, đặc biệt, đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường có các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA).

"Dự báo kim ngạch xuất khẩu ngành năm 2024 sẽ đạt khoảng 26 - 27 tỷ USD. Để đáp ứng các đơn hàng, các doanh nghiệp đang liên tục tuyển dụng lao động để đẩy nhanh tiến độ sản xuất sau giai đoạn phải cắt giảm năm ngoái”, bà Xuân thông tin.

Còn theo ông Hoàng Hữu Yên, Tổng Giám đốc Intech Group, dù kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong 9 tháng đầu năm tăng 30% so với năm ngoái, song doanh nghiệp vẫn kỳ vọng kết quả này sẽ bứt phá vào tháng cuối năm – là thời điểm nhiều đơn vị, nhà máy đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị phục vụ cao điểm sản xuất kinh doanh.

“Năm ngoái do nền kinh tế chưa phục hồi thì khi đầu tư cho nhà máy các doanh nghiệp phải cân đối rất nhiều dựa trên tình hình sản xuất của mình. Đến nay, khi nền kinh tế sôi động trở lại, cộng đồng doanh nghiệp đã đầu tư cho nhà máy quyết liệt hơn. Hiện tại, chúng tôi đã có đơn hàng đến hết năm và đang tiếp tục đàm phát cho đơn hàng năm 2025", ông Yên cho hay.

Ông Hoàng Hữu Yên, Tổng Giám đốc Intech Group. (Nguồn: Nguyễn Ngọc). 

Kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh hàng quý của Tổng cục Thống kê cho thấy, số lượng doanh nghiệp dự báo khả quan về tình hình đơn hàng xuất khẩu quý IV tăng lên.

Các doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý IV khả quan hơn với 83,6% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên so với quý III (360% tăng, 47,6% giữ nguyên); 16,4% doanh nghiệp dự báo giảm.

Cùng đó, dự báo sử dụng lao động quý IV cũng tích cực hơn quý III với 90% số doanh nghiệp dự kiến số lao động tăng và giữ nguyên (17,1% tăng, 72,9% giữ nguyên); 10% doanh nghiệp dự kiến lao động giảm.

Các ngành hàng chủ lực đối mặt với nhiều thách thức  

Mặc dù thị trường xuất khẩu đang phục hồi với nhiều đơn đặt hàng, song bà Đinh Thị Thúy Phương, Vụ trưởng vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, Tổng cục Thống kê chỉ ra rằng, còn nhiều thách thức với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như: Tình trạng thiếu nhân công, chi phí sản xuất tăng cao, cùng các yêu cầu khắt khe và các biện pháp phòng vệ thương mại của các thị trường xuất khẩu.

Vì vậy, để nâng cao hơn nữa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam, đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, thời gian tới cần nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt chú trọng việc truy suất nguồn gốc sản phẩm, giảm giá thành sản phẩm hàng hóa xuất khẩu, nâng cao tính cạnh tranh về giá và chất lượng sản phẩm trên thị trường thế giới, đặc biệt đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

“Cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến và chính sách xuất, nhập khẩu của các thị trường; nắm bắt xu hướng phát triển xanh, bền vững trong các ngành công nghiệp, các quy định mới về thẩm định chuỗi cung ứng của EU đối với các ngành hàng xuất khẩu để kịp thời thông tin tới các hiệp hội, doanh nghiệp…", bà Phương nêu rõ. 

Về kiến nghị, ông Việt cho rằng, nhiều lĩnh vực ngành nghề hiện đang gặp khó khăn trong tuyển dụng và phải đối diện với tình trạng thiếu hụt nguồn lao động...Nguyên nhân là do chưa có sự phân bổ đào tạo nguồn nhân lực đối với ngành công nghệ cao, dịch vụ, sản xuất, ... một cách hợp lý.  

Vì vậy, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực trong từng ngành nghề để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và quy mô của các doanh nghiệp trong 5-10 năm tới.

"Tới đây, thay vì khuyến khích xuất khẩu lao động thì nhà nước cần có chính sách thu hút lao động trong nước và nhập khẩu lao động từ nước ngoài", ông Việt nêu rõ. 

Còn theo ông Yên, để có thể cạnh tranh và phát triển trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay, công tác nghiên cứu đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, đưa doanh nghiệp phát triển bền vững.

Vì vậy, doanh nghiệp đã thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) để tập trung vào việc nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tại đây, đơn vị chế tạo thử và chạy thử, kiểm nghiệm độ bền và tuổi thọ sản phẩm và khách hàng cũng có thể đánh giá, kiểm tra doanh nghiệp, từ đó, tạo niềm tin cho khách hàng.

“Chúng tôi đang tiến hành tối ưu hóa hệ thống quản trị, tiếp tục đầu tư máy móc thiết bị, hiện đại hóa quá trình sản xuất, để giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường”, ông Yên cho biết thêm.

Ngọc Bảo