|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu hàng hóa tháng 8 phục hồi nhưng chưa thể lạc quan

20:05 | 08/09/2022
Chia sẻ
Xuất khẩu hàng hóa tháng 8 tăng trở lại chủ yếu là do mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái và Samsung đẩy mạnh bán ra các dòng sản phẩm mới. Trong khi đó, nhiều ngành hàng đang ghi nhận các đơn hàng sụt giảm trong những tháng cuối năm nay.

Tăng trưởng xuất khẩu tháng 8 chủ yếu đến từ sản phẩm mới của Samsung

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sau khi ghi nhận sự sụt giảm vào tháng 7, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 8 đã tăng trở lại với kim ngạch ước đạt 33,3 tỷ USD, tăng 9,1% (tương ứng 2,8 tỷ USD) so với tháng trước và tăng 22,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đà tăng trưởng này một phần là do mức nền thấp của cùng kỳ năm 2021 khi nhiều doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ do làn sóng thứ 4 của dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, việc Samsung cho ra mắt dòng sản phẩm mới Galaxy Z Fold 4 và Flip 4, cùng với mẫu đồng hồ thông minh Galaxy Watch 5 và tai nghe không dây Galaxy Buds 2 Pro đã thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện, mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Trong tháng 8, điện thoại các loại và linh kiện chiếm 17% tổng kim ngạch xuất khẩu với 5,7 tỷ USD, tăng vọt 30,6% (1,3 tỷ USD) so với tháng trước và chiếm gần một nửa giá trị tăng thêm trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung. Việt Nam hiện đang là nơi sản xuất điện thoại lớn nhất của Samsung, chiếm tới 60% tổng lượng điện thoại bán ra của Tập đoàn này trên toàn cầu.  

Điện thoại các loại và linh kiện đóng góp gần một nửa vào tăng trưởng xuất khẩu tháng 8 so với tháng 7. (Số liệu từ: Tổng cục Thống kê; Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Ngoài điện thoại các loại và linh kiện, trong tháng 8 kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng khác như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; hàng dệt may; gỗ và sản phẩm gỗ... cũng tăng so với tháng trước.

Tuy nhiên, trong tháng 8 cũng ghi nhận sự sụt giảm so với tháng trước về kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực trong nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo, như: Phân bón các loại giảm 22,4%; sắt thép các loại giảm 28,3%.

Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu ghi nhận sự sụt giảm so với tháng trước ở một số mặt hàng nông, thuỷ sản như: Thuỷ sản giảm 5,3%, cà phê giảm 1,8%, rau quả giảm 2,8%, hạt tiêu giảm 10,1%...

Tính chung 8 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 497,6 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 13,6%. Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu gần 4 tỷ USD. Riêng tháng 8, cán cân thương mại hàng hóa ước xuất siêu 2,4 tỷ USD.

Nguy cơ giảm tốc trong quý IV

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong quý III được cho là sẽ tiếp tục tăng trưởng trên mức nền thấp của cùng kỳ. Tuy nhiên, nhiều dự báo cho rằng xuất khẩu sẽ chậm lại kể từ quý IV trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái.

Cuối tháng 7 vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 xuống 3,2%, so với mức dự báo 3,6% vào hồi tháng 4. Trước đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đồng loạt hạ dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu trước tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Trong tháng 7, lạm phát của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng lên mức cao kỷ lục 8,9%, còn tại Mỹ là 8,5% và dự kiến sẽ còn ở mức cao trong thời gian tới do cuộc khủng hoảng về giá năng lượng và lương thực. Lạm phát cao có thể khiến tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu nhập khẩu chịu ảnh hưởng, làm sụt giảm cầu hàng hóa nhập khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam.

Trong khi đó, Trung Quốc thị trường cung cấp nguyên liệu sản xuất số một và cũng là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ hai của Việt Nam vẫn đang phải vật lộn với sự suy giảm kinh tế do dịch bệnh và nắng nóng kéo dài dẫn đến tình trạng thiếu điện và gián đoạn sản xuất. 

Ngoài ra, biến động tỷ giá giữa các đồng tiền trên thế giới cũng gây áp lực lên hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Ngày 5/9, đồng Euro giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2002, trong khi đồng Won Hàn Quốc và đồng Yen Nhật cũng chạm mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Ngược lại đồng USD lại tiếp tục tăng cao. 

Mới đây, CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định triển vọng xuất khẩu sẽ khó khăn hơn vào những tháng cuối năm.

"BVSC đánh giá triển vọng xuất khẩu của Việt Nam trong các tháng cuối năm sẽ gặp khó khăn hơn khi lạm phát ở các đối tác xuất khẩu chính vẫn – Mỹ và EU đang ở mức rất cao và chưa có dấu hiệu lập đỉnh. Hiện tại, nền kinh tế Mỹ - đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam cũng đã rơi vào suy thoái kỹ thuật khi có quý thứ 2 liên tiếp chứng kiến GDP suy giảm. Diễn biến này sẽ tác động tiêu cực tới cầu tiêu dùng, qua đó ảnh hưởng tới triển vọng xuất khẩu của Việt Nam".

Số liệu từ Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thống kê. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Tại Hội thảo chuyên đề “Cập nhật tình hình kinh tế, thị trường dệt may và giới thiệu Luật chuỗi cung ứng của Đức”,  ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết hiện nay do tình trạng lạm phát tại các nước trên thế giới đang tăng cao dẫn đến sức mua giảm và hàng thời trang tồn kho của các hãng ngày càng tăng. Điều này dẫn đến tình trạng số đơn đặt hàng mới giảm, giãn tiến độ các đơn đặt hàng đã đặt.

Đại diện Vinatex nhận định “Thị trường may có thể khó khăn từ quý IV/2022 đến hết năm 2023, tuy nhiên từ năm 2024 thị trường có thể quay lại đà tăng trưởng. Vì vậy các doanh nghiệp trong ngành cần đánh giá tổng thể thị trường, không chỉ có gam tối để có phương án tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp”.

Còn với ngành gỗ, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho biết theo thông lệ nửa cuối năm xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thường cao hơn so với đầu năm do nhu cầu hoàn thiện, sửa sang, trang trí lại nội thất tăng cao vào cuối năm tại nhiều thị trường xuất khẩu chính.

Tuy nhiên, tình trạng lạm phát đang gia tăng mạnh tại các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam là Mỹ và các nước EU, khiến cho người dân ở các quốc gia này có xu hướng thắt chặt hơn chi tiêu, đặc biệt là đối với các mặt hàng không thiết yếu, dẫn tới nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm.

Cùng với đó, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt, đẩy giá xăng dầu tăng cao trong nửa đầu năm và chưa có dấu hiệu dừng lại. Do đó, chi phí của doanh nghiệp có thể sẽ tiếp tục tăng lên, ảnh hưởng đến giá bán và sức cạnh tranh của sản phẩm.

Cục Xuất nhập khẩu dự báo xuất khẩu của ngành gỗ trong nửa cuối năm vẫn còn nhiều thách thức và khó hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 16,5 tỷ USD trong năm 2022.

Tương tự với ngành thủy sản, bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông VASEP cho biết nhu cầu thủy sản toàn cầu đã đạt đỉnh và sẽ giảm trong nửa cuối 2022. Nguyên nhân là đồng USD tăng giá làm giảm nhu cầu ở nhiều thị trường; trong đó có EU, Nhật Bản. Cùng với đó, lượng tồn kho tăng khiến nhà nhập khẩu hạn chế mua hàng và tìm cách hạ giá nhập khẩu.

Tình hình lạm phát gia tăng làm giảm chi tiêu cho thủy sản, người tiêu dùng cũng sẽ ưu tiên cho các loài có giá vừa phải phù hợp với thu nhập đang bị sụt giảm. Tôm nhỏ, cá tra, chả cá, surimi, cá biển nhỏ vẫn có nhu cầu cao nhưng giá sẽ giảm so với nửa đầu năm.

Trước những xu hướng này của thị trường thế giới, đại diện của VASEP cho rằng trường hợp xấu nhất, giá trị xuất khẩu nửa cuối năm nay của Việt Nam sẽ tương đương với nửa cuối năm trước, ở mức 4,8-5 tỷ USD. Theo đó, xuất khẩu thủy sản Việt Nam cả năm có kim ngạch khoảng 10,5-10,7 tỷ USD.  

Sau khi duy trì ở mức trên 1 tỷ USD liên tiếp từ tháng 3 tới tháng 6, sang tháng 7, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã hạ nhiệt xuống dưới 1 tỷ USD và tiếp tục chiều hướng này trong tháng 8 với doanh số 917 triệu USD. 


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hoàng Hiệp

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.