Xuất khẩu gỗ sẽ chinh phục mục tiêu 12 tỉ USD trong bối cảnh COVID-19 vẫn chưa dứt?
Xuất khẩu gỗ lạc quan với những tháng cuối năm
Theo tính toán từ số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 5,04 tỉ USD, tăng 3,6% so với 6 tháng đầu năm 2019.
Riêng sản phẩm gỗ xuất khẩu đạt 3,61 tỉ USD, chiếm 71,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này, tăng 4,7%.
Kim ngạch xuất khẩu khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 6/2020 đạt 946,9 triệu USD, tăng 22,7% so với tháng 5/2020 và tăng 15,6% so với cùng tháng năm 2019.
Mỹ là thị trường lớn nhất tiêu thụ nhóm hàng này của Việt Nam, đạt 2,6 tỉ USD, tăng 15% so với cùng kì năm trước, chiếm 51,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước. Tiếp sau đó là thị trường Trung Quốc 639,73 triệu USD, chiếm 12,7%, tăng 18%.
Chia sẻ với người viết, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Chế biến Mỹ nghệ TP HCM (HAWA) cho biết: "Trong thời gian dịch bệnh, người tiêu dùng tại các thị trường châu Âu, Mỹ ở nhà nhiều hơn nên họ có nhiều thời gian trang trí lại nhà cửa, sắm sửa đồ dùng nội thất.
Do đó, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đến thời điểm nãy vẫn có đủ đơn hàng thực hiện trong những tháng tiếp theo".
Số liệu từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) cũng cho biết doanh nghiệp thuộc 2 nhóm sau có sự khôi phục hoạt động đến thời điểm hiện tại khá tốt.
Cụ thể nhóm sản phẩm ván sàn, gỗ ghép và đồ mộc xây dựng: giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm trên 155 triệu USD, tăng 12% so với cùng kì năm trước và nhóm đồ gỗ xuất khẩu sang EU, Mỹ: đã hoạt động trở lại và sản xuất khôi phục 70% so với thời điểm tháng 4,5.
Ghi nhận của Fox Business cũng cho biết các mặt hàng phục vụ giải trí ngoài trời ở Mỹ đã tăng trưởng tới 360%; còn doanh số bán lẻ trực tuyến của các nhà sản xuất đồ gỗ ngoài trời ở Mỹ tăng trưởng 20% so với cùng thời điểm năm trước.
Bởi khi thế giới và nước Mỹ xác định việc "sống chung" với đại dịch thì các dòng sản phẩm gỗ dùng cho sân vườn gia đình, dòng sản phẩm dùng cho nhà bếp, phòng tắm, phòng ngủ (chiếm 60% đồ gỗ cho gia đình người Mỹ) được ưu tiên số 1 và trở thành sản phẩm có nhu cầu lớn trên thế giới.
Như vậy, kết thúc tháng 6, so với mục tiêu 12,5 tỉ USD đề ra hồi đầu năm, xuất khẩu gỗ đã thực hiện được hơn 40,3% kế hoạch.
Tổng cục Lâm nghiệp và các Hiệp hội dự báo rằng trong quí III/2020, tổng giá trị xuất khẩu sẽ đạt khoảng 3,12 tỉ USD, tăng 10% so với cùng kì năm 2019 và tăng khoảng 43% so với quí II/2020.
Đặc biệt, quí IV/2020 được dự báo sẽ là thời điểm đạt tăng trưởng cao nhất, dự kiến giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản sẽ đạt mức 3,82 tỉ USD, tăng 15% so với cùng kì năm 2019.
"Hiện cơ bản các doanh nghiệp lớn đã ổn định sản xuất trở lại, chỉ doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19….Trên cơ sở tính toán, năm 2020 giá trị xuất khẩu sẽ đạt 11,75 -12 tỉ USD”, ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết tại hội nghị Sơ kết công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Tổng cục Lâm nghiệp.
Đồng quan điểm, theo đại diện Vifores, dù tình hình dịch bệnh trên thế giới còn phức tạp nhưng doanh nghiệp Việt đã tham gia sâu vào các sản phẩm cốt lõi, giá trị và được tiêu thụ nhiều trên thế giới.
Do đó, mục tiêu tăng trưởng ngành gỗ năm nay vẫn khả thi và kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng mạnh vào những tháng cuối năm khi tình hình dịch bệnh tại các thị trường xuất khẩu truyền thống của ngành chế biến gỗ sẽ được kiểm soát tốt.
Ngoài ra hơn 4.600 doanh nghiệp sản xuất trên lĩnh vực gỗ của cả nước đang kì vọng tháng 8/2020, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực sẽ giúp cho ngành gỗ có những đột phá trong xuất khẩu vì EU là thị trường lớn với hàng trăm triệu dân và việc cắt giảm thuế quan sẽ thu hút nhiều đơn hàng xuất khẩu từ các nước thành viên.
Vẫn còn nhiều thách thức phải lường
Cũng theo ông Phương: "Với mục tiêu 12,5 tỉ USD, tôi hi vọng là ngành gỗ sẽ giữ tăng trưởng dương và hoàn thành kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, rất khó để dự đoán khi tình hình dịch bệnh tại Việt Nam tưởng đã tốt nhưng hiện tại nó đang có thể tái trở lại".
Thực tế theo các chuyên gia, trong nửa năm còn lại và một thời gian nữa, ngành lâm nghiệp sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp sẽ còn khó khăn trong việc trao đổi, tìm đối tác mới và thị trường mới. Phần lớn các doanh nghiệp đều phải đàm phán trực tuyến với đối tác nước ngoài.
Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương đã phối hợp để mở các đợt đàm phán trực tuyến với các nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ngành gỗ và các ngành khác mở rộng giao thương.
Ngoài ra, HAWA cũng vừa phát triển nền tảng triển lãm trực tuyến đầu tiên phục vụ cho tiếp thị số trong lĩnh vực chế biến gỗ, nội thất của Việt Nam để giải quyết khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng, đơn hàng trực tiếp của doanh nghiệp.
“Với nền tảng này, chúng tôi mong muốn đem lại kênh kết nối, giao thương giữa các nhà sản xuất, phân phối và người tiêu dùng. Không chỉ thúc đẩy xuất khẩu mà còn hướng đến thị trường nội địa.
Đây cũng là bức tranh tương lai của ngành gỗ và không còn việc quá phụ thuộc vào việc mua bán trực tiếp. Một số nhà máy trong thời gian qua đã có đơn hàng trở lại chủ yếu bằng những giao dịch trực tuyến,” ông Nguyễn Thanh Phong, Phó chủ tịch HAWA chia sẻ.
Tuy nhiên, ngoài khó khăn về thị trường do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thực hiện giãn cách xã hội, điểm đáng chú ý là một số sản phẩm của ngành lâm nghiệp đã phải chịu rào cản thương mại, đối mặt những vụ kiện về chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế.
Đến nay, một số nước đã có kết luận, một số thị trường lớn đang tiếp tục điều tra, vì thế, các chuyên gia đánh giá về chế biến, xuất khẩu lâm sản năm nay sẽ không đơn thuần như những năm trước.
Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư kí Vifores, nếu không chứng minh được nguồn gốc gỗ dán xuất khẩu, gỗ dán Việt Nam có thể phải đối mặt với mức thuế chống lẩn tránh tương đương với mức thuế mà Mỹ đang áp lên gỗ dán của Trung Quốc.
Đặc biệt chỉ cần một vài doanh nghiệp làm ăn bất chính, vì cái lợi trước mắt có thể khiến cả ngành hàng chế biến xuất khẩu gỗ Việt Nam phải trả giá đắt và không tận dụng được cơ hội tăng trưởng từ thị trường nhiều dư địa phát triển.