Xuất khẩu gỗ có thể vượt mục tiêu năm 2021?
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ vượt mục tiêu đề ra
Đại dịch COVID-19 bùng phát, gây ảnh hưởng mạnh đến hàng loạt chuỗi cung ứng hàng hóa trên thị trường thế giới, trong đó có ngành chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam. Tuy nhiên, bất chấp diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và đồ gỗ Việt Nam vẫn rất khả quan.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 5 đạt trên 1,41 tỷ USD, tăng nhẹ 1,2% so với tháng 4 nhưng tăng mạnh trên 82% so với tháng 5/2020. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu nhóm hàng này đạt 6,63 tỷ USD, tăng mạnh 62% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, đơn hàng cho các tháng còn lại của năm 2021 tiếp tục tăng, phần lớn doanh nghiệp ngành gỗ đã nhận được các đơn hàng cho tới cuối năm 2021, ước tính đơn hàng tăng 30% so với năm 2020.
Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm, chiếm gần 85% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Chia sẻ với người viết, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ TP HCM (Hawa) cho biết: "Tốc độ tăng trưởng những tháng qua của ngành gỗ phụ thuộc khá lớn vào nhu cầu của thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU phục hồi đã góp phần cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành hàng".
Theo phân tích của Bộ Công Thương nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tại thị trường Mỹ tiếp tục tăng cao và có xu hướng tiêu dùng thay đổi để thích ứng với tình hình mới.
Nhu cầu các sản phẩm nội thất sẽ tăng để đáp ứng yêu cầu làm việc tại nhà. Cùng với đó là việc thị trường nhà ở Mỹ đang có xu hướng phát triển mạnh khi Chính phủ cho vay lãi suất thấp.
Bên cạnh đó, lợi thế từ Hiệp định EVFTA giúp ngành gỗ Việt Nam gia tăng sức cạnh tranh về giá so với các sản phẩm cùng loại với các đối thủ cạnh tranh tại thị trường EU.
Đồng thời xuất khẩu gỗ sang thị trường Canada cũng đang tiếp tục tận dụng tốt cơ hội từ Hiệp định CPTPP, đặc biệt là đối với nhóm mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ.
"Sản phẩm gỗ của Việt Nam đã tạo dựng được chỗ đứng khá vững chắc tại nhiều thị trường trên thế giới, được đánh giá cao về năng lực sản xuất, mẫu mã, công nghệ.
Đặc biệt, trải qua cú sốc đứt gãy chuỗi cung ứng do COVID-19, các nhà phân phối hàng đầu thế giới có xu hướng đa dạng hóa và tìm kiếm nguồn cung an toàn hơn và Việt Nam cần tận dụng tốt cơ hội này để thúc đẩy xuất khẩu", Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Với nhiều tín hiệu lạc quan kim ngạch xuất khẩu gỗ được dự báo có nhiều cơ hội tăng trưởng nhanh trong thời gian tới. Bộ Công Thương dự kiến với việc đơn hàng tăng khoảng 30%, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả năm ước đạt khoảng 15-16 tỷ USD.
Đây cũng là nhận định của Hawa khi cho biết: "Đầu năm ngành hàng dự kiến kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 14-14,5 tỷ USD thì với đà tăng hiện tại có thể đạt khoảng 15-16 tỷ USD trong năm nay".
Kỳ vọng trên dựa trên nhiều căn cứ, trong đó căn cứ lớn nhất là kết quả xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 5 tháng đầu năm 2021, đạt hơn 6,6 tỷ USD, bình quân một tháng đạt hơn 1,3 tỷ USD.
Như vậy, nếu những tháng còn lại của năm 2021 cũng đạt mức bình quân này thì cả năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ vượt mốc 15 tỷ USD và không khó chạm mốc 16 tỷ USD, tăng hơn 21% so với năm trước.
Vẫn còn nhiều thách thức
Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, đại diện Bộ Công Thuơng cũng chỉ rõ tăng trưởng nhanh kim ngạch xuất khẩu đi liền với nguy cơ bị điều tra và áp đặt thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và cả chống lẩn tránh.
Hồi tháng 6/2020, Bộ Thương mại Mỹ đã khởi xướng điều tra sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam vì cho rằng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc gian lận xuất xứ Việt Nam để lẩn tránh thuế. Các doanh nghiệp đã giải trình theo yêu cầu của phía Mỹ.
Tháng 3/2021, Bộ Thương mại Mỹ đã yêu cầu trên 60 doanh nghiệp gỗ dán của Việt Nam giải trình nhiều câu hỏi liên quan đến xuất khẩu gỗ dán vào thị trường nước này. Các doanh nghiệp sản xuất tủ bếp, tủ buồng tắm và nhiều loại đồ gỗ nội, ngoại thất của Việt Nam cũng có thể sẽ phải đối diện với nguy cơ tương tự tại thị trường Mỹ.
Bên cạnh đó, ngành gỗ đang thiếu trầm trọng về nguồn nhân lực, đặc biệt là công nhân kỹ thuật trong khi hệ thống các trường đào tạo nghề, trường đại học tuyển sinh viên rất khó khăn.
Theo thống kê của Hiệp hỗi Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ngành gỗ tạo việc làm trên 500.000 lao động nhưng gần 80% nhân lực trong ngành gỗ là lao động phổ thông, lao động qua đào tạo chỉ chiếm 20%, khoảng 1-2% còn lại là nhà thiết kế. Điều này dẫn tới năng suất lao động của ngành gỗ thấp, chỉ bằng 40% so với Trung Quốc và 20% so với EU.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Chánh Phương ngành gỗ Việt Nam đã chủ động được khoảng 60% nên với các đơn hàng giá trung bình và giá thấp thì hàng Việt Nam có thể cạnh tranh tốt với các nước khác.
"Tuy nhiên, giá nguyên liệu và giá logistics vẫn còn rất cao sẽ gây tác động bất lợi tới xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ", ông Phương lưu ý.