Xuất khẩu gạo Việt nên chú trọng vào chất lượng
Đây là nhận định của TS Nguyễn Quốc Vọng làm việc tại Bộ Nông nghiệp bang New South Wales (Úc) tại Hội thảo "Phát triển thị trường cho gạo Việt sạch và nông sản hữu cơ", diễn ra ngày 7/10.
"Hiên nay, có 500.000 người Việt Nam và cả triệu người Châu Á ở Úc vẫn ăn gạo, nhưng người ta chỉ ăn gạo Thái. Ngay cả siêu thị bán đồ cho người Việt Nam cũng bán gạo Thái, không thấy chỗ nào có Made in Việt Nam. Tuy nhiên, cũng trong những bao gạo Thái tôi thấy có nhiều giống gạo Việt Nam. Nước họ đã mua gạo của chúng ta và đóng bao, ghi nhãn gạo Thái để xuất khẩu. Như vậy là gạo Việt có chất lượng nhưng chưa có thương hiệu. Cho đến lúc này trên thị trường nước ngoài, tôi chưa thấy một sản phẩm nào có thương hiệu, đặt biệt gạo càng không".
Cũng theo ông Vọng, xây dựng thương hiệu là cả quá trình lâu dài trong đó phải chứng tỏ cho khách hàng thấy rằng thương hiệu này môt tổ chức, một sản phẩm lúc nào cũng an toàn và thỏa mãn yêu cầu của người tiêu dùng.
Các đại biểu bàn về giải pháp phát triển cho thị trường gạo sạch (Ảnh: Hồng Vũ) |
Chia sẻ với Vietnambiz, ông Vọng cho biết :"Người tiêu dùng ở thị trường nào cũng đều quan tâm đến 3 yếu tố: giá, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Việt Nam đang đứng trước cơ hội tiếp cận nhiều thị trường mới, nhất là khi tham gia TPP. Như vậy, càng không bao giờ được bỏ quên 3 yếu tố trên, nếu không sản phẩm gạo không bao giờ có cơ hội sang tới các thị trường lớn.
Trên nguyên tắc gạo an toàn VietGap là phải có giá rẻ hơn giá thị trường. Khi một sản phẩm nông nghiệp được đưa vào thị trường là phải sạch, không an toàn là không bán được, là bị thải loại. Doanh nghiệp, nhà sản xuất không thể lấy lý do vì ứng dụng Vietgap mà được quyền bán giá cao hơn".
GS. Võ Tòng Xuân, chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp Việt Nam và quốc tế cho hay, nông sản Việt Nam rất phong phú nhưng nông dân vẫn cực nhọc sản xuất mà lợi nhuận luôn thấp hơn so với các lao động khác. Giá lúa luôn thấp và giá gạo xuất khẩu luôn luôn bị thương lái quốc tế mua thấp hơn gạo các nước khác. Thậm chí người tiêu dùng Việt Nam cũng không tin tưởng gạo Việt Nam.
Nguyên nhân chính là do Việt Nam sản xuất khối lượng lớn với giá thành cao nhưng chất lượng kém, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, kỹ thuật tụt hậu, lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp. Môi trường kinh doanh manh mún, không tập hợp được liên minh sản xuất theo chuỗi.
Ông đánh giá, mặt hàng gạo bán lẻ cho người tiêu dùng Việt Nam phần lớn không nhãn mác không rõ nguồn gốc, trong khi đó, gạo có bao bì có nhãn hiệu chủ yếu là của Thái Lan, Campuchia, Nhật. Gạo Việt xuất khẩu chủ yếu theo hình thức qua hợp đồng chính phủ mang nhãn hiệu của khách hàng, vài doanh nghiệp tư nhân có xuất khẩu riêng nhưng sản lượng còn khiêm tốn.
Cùng ý kiến, bà Lê Thị Tú Anh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Nông nghiệp GAP - cho biết, gạo Việt đang mất điểm trên thị trường thế giới. Còn tại thị trường nội địa, gạo Việt cũng không có chỗ đứng, người có tiền đi mua gạo Thái Lan, Campuchia về ăn. Một năm, Việt Nam xuất khẩu 10-20% tổng lượng gạo cả nước sản xuất ra, còn lại là tiêu dùng trong nước.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lượng gạo xuất khẩu 9 tháng đầu năm ước đạt 3,76 triệu tấn, trị giá 1,69 tỷ USD, giảm 16,4% về khối lượng và giảm 12,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Nếu không có đột phá về thị trường, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm nay thì từ kế hoạch 6,5 triệu tấn sẽ giảm mạnh còn khoảng 5,7 triệu tấn theo đường chính ngạch.
Vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thu mua, tiêu thụ lúa gạo hàng hóa trong hoàn cảnh xuất khẩu gạo 9 tháng đầu năm còn gặp nhiều khó khăn, kết quả thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, việc thu mua, tiêu thụ lúa gạo hàng hóa chậm và giá lúa gạo có xu hướng giảm.
Theo TS Vọng, đến nay mặt hàng xuất nhập khẩu trên thế giới không phải quan trọng nhất là lúa gạo. Theo yêu cầu nhập khẩu của thế giới, tỷ lệ lúa gạo nhập khẩu hiện nay chỉ 16 đến 17 tỷ USD. Đến năm 2020, yêu cầu tăng lên khoảng 47 triệu tấn, tương đương khoảng 20 tỷ USD. Còn rau quả, 2014 giao dịch đã là 230 tỷ, ước tính 2020 lên là 334 tỷ USD.
Bởi vậy, giờ ở Úc người ta đang làm lúa mùa cho năng suất trung bình lên đến 12 tấn/ha, thậm chí có hộ còn đạt năng suất lúa 15-16 tấn/ha. Năng suất lúa ở Úc cao như vậy vì họ chỉ làm một vụ trong năm, thời gian còn lại họ trồng hoa màu, ngũ cốc xen canh.
Xuất khẩu rau quả là tiềm năng của Việt Nam nên càng phải quan tâm đến công nghệ, chế biến và bảo quản. Nói chung, dù gạo hay nông sản cũng phải quan tâm đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.