Xuất khẩu gạo giảm vì dự báo sai thị trường?
Doanh nghiệp xuất khẩu không hoàn thành chỉ tiêu
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, xuất khẩu (XK) gạo Việt Nam năm 2016 giảm kỷ lục trong gần 10 năm qua. Khối lượng xuất khẩu gạo 11 tháng của Việt Nam ước đạt 4,54 triệu tấn, giảm tới 25% về khối lượng và giảm hơn 20% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu (NK) gạo của Việt Nam. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay XK gạo sang thị trường này cũng chỉ đạt hơn 1,5 triệu tấn, giảm trên 35% về khối lượng so với cùng kỳ năm trước. Một số thị trường khác cũng có giá trị XK gạo giảm mạnh như Philippines (61,6%), Malaysia (51,5%), Singapore (34,1%), Bờ Biển Ngà (29,1%), Mỹ (28,3%), Hồng Kông (Trung Quốc) là 7,7%… XK gạo ít có các hợp đồng mới mà chủ yếu là các hợp đồng từ năm 2015.
Nếu nhìn từ năm 2009 đến nay, chưa năm nào xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam lại lao dốc như hiện nay. So với cùng kỳ, cả khối lượng và giá trị đã giảm hơn 45%. Hiện, hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu đều không hoàn thành chỉ tiêu đề ra và lượng gạo tồn kho khá lớn.
Đáng chú ý, lần đầu tiên trong vòng 8 năm qua, VFA đã phải điều chỉnh giảm chỉ tiêu XK xuống còn 5,7 triệu tấn, tức giảm khoảng 800 ngàn tấn so với kế hoạch. Tuy nhiên, với tình hình khó khăn như hiện nay, và với lượng gạo tồn kho lớn thì chỉ tiêu trên được nhận định chưa chắc đạt.
Khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong 11 tháng năm 2016 ước đạt 4,54 triệu tấn |
Năm 2017 vẫn tiếp tục gặp khó?
Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Đình Bích - chuyên gia Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, nguyên nhân dẫn đến XK sụt giảm trong năm nay là do việc dự báo không chính xác. Theo vị này, đầu năm do tình trạng hạn hán, chúng ta nghĩ khi mất mùa nguồn cung sẽ giảm thì giá sẽ tăng lên. Do nhận định như vậy, sau đó chúng ta đã đẩy giá gạo XK lên.
“Tôi con nhớ, có thời điểm thương lái phải bỏ cọc để mua được lúa hè thu. Nhưng thực tế sau đó cho thấy, nguồn cung gạo cho thế giới vẫn rất dồi dào, cung có thể đáp ứng cầu nên giá có xu hướng đi xuống, chứ không phải lên như dự báo của ta. Vì thế, khi ta đẩy giá lên thì chúng ta đi ngược chiều với xu thế chung nên khách hàng họ quay lưng lại là điều đương nhiên”- chuyên gia Bích lý giải.
Ngoài một số thị trường lớn giảm nhu cầu NK trong năm nay, “yếu tố” Thái Lan cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng XK sụt giảm kỷ lục. Theo ông Bích, Thái Lan tuyên bố bán 11 triệu tấn gạo dự trữ, lúc đó có rất nhiều ý kiến đánh giá gạo Thái cũ, chất lượng kém sẽ không ảnh hưởng gì nhiều tới gạo Việt Nam. Nhưng thực tế không phải vậy. Khi người Thái đẩy gạo cũ ra thị trường họ kéo giá xuống và họ cũng kéo luôn cả giá gạo mới xuống. Giá tốt hơn mình họ đã hút được khách hàng, và khách hàng của Việt Nam thì dần mất đi.
Ngoài ra, Trung Quốc và Thái Lan có dự án đường sắt nối với nhau và người Thái muốn Trung Quốc mua gạo của họ. Theo thông tin ông Bích nắm được, đến bây giờ, Thái Lan và Trung Quốc đang thực hiện hợp đồng 1 triệu tấn gạo lần thứ 3.
“Trung Quốc đã hạn chế NK gạo từ Việt Nam mà gia tăng NK gạo từ người Thái. Đây là lý do phần nào lý giải XK sang thị trường Trung Quốc sụt giảm tới giảm trên 35% về khối lượng trong năm nay. Trong bối cảnh 4 thị trường NK gạo lớn của Việt Nam bị hạn chế như vậy chúng ta lại dự báo thị trường từ đầu năm không chính xác nữa nên dẫn đến tình trạng sụt giảm là hiển nhiên”- ông Bích nói.
Trong khi XK gặp khó khăn, việc Bộ NN&PTNT tăng sản xuất lúa vụ 3 lên với mục đích là để bù thiệt hại do hạn hán từ đầu năm theo chuyên gia Bích cũng là một quyết tính không phù hợp. Theo ông, trong điều kiện XK khó như hiện nay đáng lẽ phải giảm sản lượng đi mới phải, nhưng đằng này Bộ NN&PTNT lại tăng lên. Điều này sẽ làm cho lượng gạo tồn kho tiếp tục tăng lên.
“Tôi có trao đổi với lãnh đạo VFA thì không nhận được sự đồng thuận. Họ cho rằng, nếu không làm lúa vụ 3 nhiều sợ rằng sẽ thiếu gạo để XK, vì các anh ấy lúc đó nghĩ cuối năm Indonesia sẽ NK gạo nhưng thực tế là nước nay đã không NK như dự báo. Theo tôi, lần đẩy giá lên, và lần tăng diện tích lúa vụ 3 lên là không đúng với xu thế thị trường....”, ông Bích nêu quan điểm.
Một số chuyên gia am tường lĩnh vực lúa gạo cho hay, thị trường này vẫn đang vận động theo xu thế đi xuống. Năm 2017, XK gạo của Việt Nam ra thế giới được dự báo vẫn sẽ tiếp tục gặp khó khăn.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/