Xuất khẩu gạo chưa có tin mừng
Xuất khẩu giảm
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, tổng lượng gạo đã xuất khẩu trong tháng 2 năm nay đạt khoảng 407.000 tấn, tương đương 171 triệu USD. Tính lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 738 nghìn tấn, tương đương kim ngạch giảm 25% xuống 314 triệu USD.
Trong các thị trường xuất khẩu, Trung Quốc và Philippines tiếp tục thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu gạo sang Trung Quốc tăng tới 51% lên 113 triệu USD. Tương tự, kim ngạch xuất sang Philippines tăng 37% lên 78 triệu USD.
Tuy nhiên, mức tăng này không bù đắp được sự sụt giảm tại các thị trường khác, trong đó xuất khẩu gạo sang Gana giảm tới 82%, sang Hồng Kông giảm 55%, sang Malaysia giảm 52%, sang Singapore giảm 49% và sang Bờ Biển Ngà 13%.
Gặp khó về thị trường
Theo đại diện Hiệp hội Lương thực (VFA), nguyên nhân khiến xuất khẩu gạo sụt giảm là, nhiều nước nhập khẩu gạo trên thế giới đang có xu hướng tự túc lương thực, hạn chế nhập khẩu. Trong khi đó, một số nước lại phát triển cây lương thực nhằm thay thế lúa với giá rẻ hơn đã đe dọa đến ngành xuất gạo của Việt Nam.
Gần đây nhất, VFA dự báo việc Thái Lan xả kho gạo sẽ khiến xuất khẩu gạo năm nay của Việt Nam tiếp tục giảm; đồng thời, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu phải cạnh tranh gay gắt để có được thị trường xuất khẩu.
Cuối tháng 2, Thông tấn xã Việt Nam cũng đưa tin, trong năm 2017 Indonesia sẽ nỗ lực bình ổn giá gạo và phân bổ một cách hợp lý để không phải nhập khẩu gạo, đồng thời vẫn đảm bảo ứng phó trong các tình huống khẩn cấp.
(Ảnh: Reuters). |
Ngoài ra, các nước xuất khẩu gạo mới nổi trong đó có Ấn Độ đang đẩy mạnh sản xuất, chế biến và xuất khẩu gạo. Trước đó, Bộ Công Thương dẫn lời Bộ Thương mại Ấn Độ cho biết, nước này chắc chắn sẽ sản xuất đạt kỉ lục 108,86 triệu tấn gạo trong niên vụ 2016 - 2017. Riêng trong năm 2016, Ấn Độ chủ yếu xuất khẩu gạo phi basmati sang các nước châu Phi và gạo basmati chất lượng cao sang Trung Đông. Với tốc độ phát triển ngành gạo của Ấn Độ, trong tương lai nước này đủ sức để cạnh tranh thị trường xuất khẩu với gạo Việt Nam.
Trước áp lực của thị trường, VFA dự báo Việt Nam có thể chỉ xuất khẩu được hơn 5 triệu tấn gạo trong năm 2017. Trước đó năm 2016, Thống kê từ Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, xuất khẩu gạo cũng giảm 27% xuống 4,8 triệu tấn, tương đương giảm 22% xuống 2,2 tỷ USD.
Cảnh báo chất lượng gạo xuất khẩu
Đáng chú ý, chất lượng gạo không đạt tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu cũng là nguyên nhân khiến xuất khẩu gạo sụt giảm.
Mới đây, Bộ Công Thương dẫn lời Hiệp hội các nhà xay xát gạo châu Âu cho biết, Ủy ban châu Âu đang chuẩn bị ban hành Quyết định hạ thấp MRL chất tricyclazole có trong gạo nhập khẩu xuống 0,01mg/kg, từ mức hiện hành 1mg/kg. Quyết định chính thức có thể được đăng công báo vào tháng 7 tới và chính thức hiệu lực 20 ngày sau đó.
Trao đổi với phóng viên, GS Võ Tòng Xuân - Chuyên gia nông nghiệp Việt Nam cho biết, EU là thị trường có nhu cầu về gạo cao cấp với yêu cầu rất khắt khe từ chất lượng sản phẩm tới các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, uy tín của doanh nghiệp, quy trình sản xuất... Vì vậy, muốn xâm nhập thị trường này, cần phải có những hiểu biết về thị trường để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Báo Công thương dẫn số liệu của VFA cho biết, trong năm 2015, Việt Nam đã xuất khẩu 18.000 tấn gạo vào EU. Khi FTA Việt Nam - EU có hiệu lực, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu vào EU được kỳ vọng sẽ tăng lên khi thuế suất lùi về 0% giúp gạo Việt tăng sức cạnh tranh. |