|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Xuất khẩu châu Á có thể chững lại vì cơn sốt iPhone hạ nhiệt

21:29 | 28/09/2017
Chia sẻ
Mức độ hào hứng của người tiêu dùng đối với phiên bản iPhone 8 có thể khiến tăng trưởng xuất khẩu của châu Á chững lại trong vài tháng tới.

Số lượng đơn đặt hàng iPhone 8 thấp tới mức khó tin, cho thấy cơn sốt iPhone mới nhất của hãng Apple đang giảm mạnh.

Thực trạng đó khiến giá cổ phiếu của những doanh nghiệp châu Á cung cấp linh kiện cho tập đoàn Apple lao dốc. Do những cải tiến đối với điện thoại thông minh làm tăng nhu cầu đối với linh kiện điện tử tại những quốc gia chuyên cung cấp linh kiện như Hàn Quốc, Nhật Bản và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), hiện tượng người tiêu dùng bớt hào hứng với điện thoại mới sẽ gây nên những hiệu ứng kinh tế vĩ mô xấu.

xuat khau chau a co the chung lai vi con sot iphone ha nhiet
Người dân không còn hào hứng với iPhone 8 như các phiên bản trước, cho thấy cơn sốt iPhone đang giảm. Ảnh: Business Insider.

Xu hướng mua điện thoại mới hạ nhiệt không phải là lý do duy nhất khiến các nhà kinh tế cảm nhận đà tăng trưởng mậu dịch mạnh ở châu Á sắp đến giai đoạn lao dốc. Những mối nguy khác bao gồm dự báo về việc nền kinh tế Trung Quốc đang tiếp tục chững lại và chính sách chấm dứt nới lỏng tiền tệ trong nhiều năm của một số nước giàu.

“Tôi cảm thấy châu Á đang tiến tới điểm cuối cùng trong giai đoạn tăng trưởng xuất khẩu do tốc độ tăng trưởng ở Trung Quốc, một động lực chính đối với hoạt động xuất khẩu của châu Á, đang chậm hơn”, Rob Subbaraman, chuyên gia kinh tế cấp cao của Nomura Holdings tại Singapore, nhận định.

Phong trào mua điện thoại thông minh vào cuối năm và sự tăng trưởng mạnh hơn của Trung Quốc trong vài tháng trước là yếu tố giúp kim ngạch xuất khẩu từ mỹ phẩm tới linh kiện bán dẫn ở châu Á tăng. Trong khoảng thời gian từ tháng 8 tới nay, kim ngạch xuất khẩu ở châu Á tăng mạnh nhất kể từ năm 2011, theo các nhà kinh tế của Morgan Stanley.

Không ai có thể tính toán chính xác tác động của của hoạt động sản xuất điện thoại di động đối với mậu dịch châu Á, song các nhà kinh tế nhận định tác động đó khá lớn. Chẳng hạn, kim ngạch xuất khẩu linh kiện bán dẫn của Hàn Quốc tăng 57% trong tháng 8 đạt 8,8 tỷ USD do Samsung và các hãng điện thoại tung ra sản phẩm mới và khả năng hoạt động tốt hơn của DRAM (bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động). Kim ngạch linh kiện bán dẫn chiêm 18,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng 8.

Những dấu hiệu đáng lo ngại

Nhiều dấu hiệu cho thấy đà phục hồi mậu dịch ở châu Á đang bắt đầu chững lại. Hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc giảm từ 7,6% xuống 5,6% trong tháng 8, còn hoạt động nhập khẩu có dấu hiệu tăng. Một số nhà phân tích nói tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng của Hàn Quốc có thể giảm trong vài tháng tới.

Lượng hàng giảm ở nhiều cảng lớn ở châu Á, bao gồm Busan và Thâm Quyến, cũng là những dấu hiệu cho thấy có thể thương mại toàn cầu đã đạt đỉnh và bắt đầu đi xuống, theo các nhà kinh tế của Bloomberg Intelligence.

Một báo cáo của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cũng cho thấy đà tăng xuất khẩu của châu Á giảm trong tháng 8, đồng thời hiện tượng giảm xảy ra đối với nhiều nhóm hàng hóa, trừ linh kiện bán dẫn. Kim ngạch nhập khẩu cũng giảm.

Các nhân tố khác

Klaus Baader, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của tập đoàn tài chính Société Générale SA (Pháp) nhận định, sự phục hồi của thương mại châu Á sẽ không chỉ phụ thuộc vào điện thoại thông minh và Trung Quốc. Theo ông, các nhân tố mới sẽ bao gồm sự tăng tốc đầu tư, đặc biệt trong mảng phần mềm và hàng điện tử. “Xu hướng này sẽ gây tác động xấu đối với các nhà sản xuất châu Á”, Baader giải thích.

Hiroaki Muto, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế của Trung tâm Nghiên cứu Tokai Tokyo (Nhật Bản) dự đoán, hoạt động xuất khẩu ở Nhật Bản vẫn diễn ra mạnh mẽ trong ít nhất 6 tháng tới, song đà tăng trưởng kinh tế của nước này giảm do lãi suất toàn cầu bắt đầu tăng. “Nửa cuối năm sau có thể là giai đoạn tệ hơn một chút đối với Nhật Bản”, Muto bình luận.

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự đoán đà tăng trưởng mậu dịch toàn cầu sẽ giảm bởi chính sách thắt chặt tiền tệ ở Mỹ, châu Âu cùng chủ trương kiềm chế tăng trưởng tín dụng của Trung Quốc. Những hiểm họa địa chính trị, như căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên hay tranh chấp thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn cũng sẽ tác động xấu tới mậu dịch châu Á.

“Những yếu tố đó khiến chúng ta có lý do để thận trọng”, Subbaraman bình luận.

Chí Phong/Bloomberg