|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu cá tra: Hai thái cực đối lập giữa thị trường Mỹ và Trung Quốc

13:03 | 25/11/2021
Chia sẻ
Trong tháng 10, giá trị xuất khẩu cá tra đạt 136 triệu USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, xuất khẩu cá trang sang Mỹ tăng gấp đôi trong khi giảm 61% ở thị trường Trung Quốc - Hong Kong.

Hai thái cực xuất khẩu cá tra

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) trong tháng 10, giá trị xuất khẩu cá tra đạt 136 triệu USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2020.

Tính đến hết tháng 10, tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt 1,2 tỷ USD, tương đương với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản phẩm cá tra chế biến xuất khẩu giảm hơn 50%.

Đáng chú ý, Mỹ là mảng sáng nhất trong bức tranh xuất khẩu cá tra Việt Nam trong năm nay. Chỉ riêng tháng 10, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 42 triệu USD, mức cao nhất trong top 10 thị trường nhập khẩu cá tra của Việt Nam và tăng gấp đôi so với tháng 9.

Lũy kế 10 tháng, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 290 triệu USD, tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở kịch bản tươi sáng, xuất khẩu cá tra sang Mỹ vẫn giữ được phong độ trong quý IV thì khả năng Mỹ sẽ trở lại vị trí nhà nhập khẩu cá tra lớn nhất tra của Việt Nam.

VASEP nhận định nhu cầu nhập khẩu sản phẩm cá thịt trắng, trong đó có cá tra từ Việt Nam của khách hàng Mỹ vẫn khá tốt.

Giá xuất khẩu trung bình sản phẩm cá tra phile đông lạnh sang Mỹ tăng liên tục kể từ quý II tới nay. Tới cuối tháng 10, giá xuất khẩu cá tra đông lạnh trung bình sang Mỹ đạt mức 3,78 USD/kg, tăng 0,55 - 0,58 USD/kg so với tháng 6.

Xuất khẩu cá tra: Hai thái cực đối lập giữa thị trường Mỹ và Trung Quốc - Ảnh 1.

Tháng 10, xuất khẩu cá trang sang Mỹ tăng gấp đôi trong khi giảm 61% ở thị trường Trung Quốc - Hong Kong. (Ảnh: Limawaktu.id)

Trái ngược với những tín hiệu tích cực ở thị trường Mỹ, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc – Hong Kong vẫn xám xịt.

Cụ thể, trong tháng 10, giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc - Hong Kong đạt 31 triệu USD, giảm 61% so với tháng trước.

Lũy kế 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 310 triệu USD, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước.

VASEP cho rằng năm 2021 Trung Quốc nâng hàng rào thương mại đối với các sản phẩm thủy sản nhập khẩu khiến hàng hóa bị ách tắc ở cảng, bao gồm cá tra Việt Nam, cá minh thái của Nga, cá hồi Na Uy.

Thời gian vừa qua, các doanh nghiệp phải chịu ảnh hưởng kép từ dịch bệnh COVID-19, nhà máy giảm công suất, đóng cửa, lại thêm những rào cản của thị trường Trung Quốc khiến xuất khẩu cá tra sang thị trường này giảm mạnh.

Những miền đất hứa cho doanh nghiệp cá tra

Bên cạnh những thị trường trọng điểm như Mỹ, EU, Trung Quốc, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang cố gắng mở rộng thị trường, tìm kiếm cơ hội ở thị trường CPTPP, Thái Lan, Nga...

Sau khi hiệp định CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang khối thị trường này tăng trưởng khả quan, tăng 3% trong năm 2019.

Sang năm 2020 và 2021, xuất khẩu thuỷ sản sang khối CPTPP sụt giảm 2% chủ yếu do tác động của dịch COVID-19, nhu cầu nhập khẩu giảm.

Ví dụ, 10 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu cá tra sang khối CPTPP đạt 161 triệu USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, VASEP cho rằng xuất khẩu cá tra sang một số thị trường trong khối thị trường này vẫn tăng trưởng tốt và có nhiều tiềm năng.

Đơn cử như Mexico, lũy kế 10 tháng, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Mexico đạt 55 triệu USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Canada, Singapore bắt đầu tăng trưởng trở lại sau hơn một năm bị chững lại hoặc gián đoạn do COVID-19.

Ngoài ba thị trường trên, Brazil, Thái Lan, Colombia, Nga, Ai Cập là những "miền đất hứa" cho doanh nghiệp cá tra tìm đến và khai thác thị trường.

VASEP nhận định từ đầu năm đến nay, dịch bệnh COVID-19 khiến chuỗi cung ứng từ nuôi trồng, vận chuyển, chế biến, xuất khẩu của các doanh nghiệp cá tra bị đứt gãy, gây tổn thất nặng nề.

Kể từ cuối tháng 7, dịch bệnh đã đi sâu vào các nhà máy chế biến cá tra tại miền Tây khiến cho nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, "3 tại chỗ" hoặc giảm tối đa công suất.

Dù nhu cầu nhập khẩu của nhiều thị trường tương đối tốt nhưng thiếu công nhân, công suất không đáp ứng được các đơn hàng.

Hiện nay, các doanh nghiệp chế biến thủy sản, trong đó có doanh nghiệp cá tra đang loay hoay chống dịch nên hoạt động sản xuất và xuất khẩu bị ảnh hưởng. Do đó, việc phủ sóng hai mũi vắc xin phòng COVID-19 là giải pháp tối ưu giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, ổn định tâm lý cho người lao động.

Hoàng Anh