Xuất khẩu cá ngừ lao dốc ở các thị trường chính
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) là kết quả trong dự tính sau khi nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, các nhà máy đóng cửa hoặc giảm tối đa công suất để thực hiện "3 tại chỗ".
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong tháng 8 đạt gần 49,4 triệu USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2020.
Riêng với thị trường Mỹ, trong tháng 8 giá trị xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ đột ngột giảm gần 26% so với cùng kỳ năm 2020.
Hiện khối lượng cá ngừ đóng hộp nhập khẩu vào Mỹ đã ổn định sau khi nhu cầu tăng bất thường trong thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch COVID-19 hồi năm ngoái.
Trong khi đó lượng tồn kho cá ngừ đóng hộp và loin cá ngừ hấp đông lạnh tại Mỹ trong những tháng đầu năm 2021 ở mức cao, điều này đã tác động tới nhập nhóm sản phẩm này của Mỹ trong giai đoạn này.
Bên cạnh đó, cá ngừ đóng hộp thường được bán theo giá FOB cho các nhà nhập khẩu Mỹ, có nghĩa là người mua phải chịu trách nhiệm từ thời điểm hàng được xếp lên tàu vận chuyển tại cảng của nước xuất khẩu.
Do đó, các nhà nhập khẩu Mỹ phải tự trả chi phí vận chuyển hiện đang leo thang cộng với chi phí cho mỗi tấn sản phẩm đang ở mức cao, điều này đã làm giảm nhu cầu của họ và tác động tới nhập khẩu cá ngừ chế biến và đóng hộp của Việt Nam.
Còn tại EU sau một thời gian tăng trưởng ổn định đã sụt giảm trong tháng 8, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2020. Cũng giống như Mỹ, lượng tồn kho cá đóng hộp và loin cá ngừ hấp đông lạnh tại các nước EU ở mức cao đã làm sụt giảm nhu cầu nhập khẩu của các nước này.
Bên cạnh đó, giá cước vận chuyển cao kỷ lục buộc các nhà sản xuất đồ hộp phải trì hoãn các hợp đồng và các lô hàng bán theo giá CFR càng nhiều càng tốt cho đến quý III/2021 với hy vọng giá cước sẽ bình thường hoá trở lại. Những người mua hàng theo giá FOB cũng làm điều tương tự.