|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Xu thế chủ đạo logistics Việt Nam: Bùng nổ logistics trong thương mại điện tử, tăng cường M&A ngành

17:56 | 28/12/2018
Chia sẻ
Hai xu thế chủ đạo của ngành logistics trong giai đoạn 2018 - 2019 bao gồm bùng nổ logistics trong thương mại điện tử - bán lẻ; ngoài ra chủ trương huy động vốn từ khu vực tư nhân để đầu tư hạ tầng thông qua phương thức chuyển nhượng quyền khai thác một số hạ tầng (logistics, sân bay, cảng biển…), thu hút nhiều nhà đầu tư lớn với các thương vụ được dự tính sẽ có quy mô hàng tỉ USD.

Tăng trưởng logistics 2018 từ 12 - 14%

Hoạt động vận tải và logistics Việt Nam đang trên đà phát triển cùng với sự gia tăng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Theo công bố mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang xếp ở vị trí 39 với điểm số LPI (Logistics performance index - chỉ số năng lực quốc gia về logistics) được cải thiện đáng kể: 3.27, xếp thứ 3 trong khối ASEAN (sau Singapore vị trí 7 và Thái Lan vị trí 32) bảng xếp hạng hoạt động logistics 2018, được đánh giá là có hiệu suất dịch vụ logistics tốt hơn hẳn các thị trường có mức thu nhập tương đương.

xu the chu dao logistics viet nam bung no logistics trong thuong mai dien tu tang cuong ma nganh
Việt Nam là một trong những thị trường có hiệu suất dịch vụ logistics tốt hơn hẳn các thị trường có mức thu nhập tương đương (Nguồn: WB)

Việt Nam hiện đang có nhiều lợi thế để phát triển ngành vận tải và logistics:

(1) Trao đổi thương mại toàn cầu gia tăng cùng với việc hội nhập kinh tế quốc tế và việc ký kết thành công các Hiệp định tự do thương mại; (2) Vị trí địa lý thích hợp để xây dựng các trung tâm trung chuyển của khu vực Đông Nam Á; (3) Cơ sở hạ tầng: kho bãi, đường cao tốc, cảng biển, cảng hàng không… được cải thiện.

Bộ Công thương đánh giá năm 2018 ngành logistics có mức độ tăng khoảng 12-14%. Số lượng các doanh nghiệp vận tải và logistics hiện nay là 3.000 doanh nghiệp, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không...

Sự phát triển của ngành vận tải và logistics đồng thời sẽ tạo điều kiện để Việt Nam nhanh chóng trở thành một trung tâm sản xuất mới trong khu vực có khả năng cạnh tranh với Trung Quốc.

Các doanh nghiệp trong ngành cũng thể hiện niềm tin tăng trưởng khi có đến hơn 73% doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report cho rằng, toàn ngành vận tải và logistics Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng trên hai con số, gần 27% dự đoán đạt mức dưới 10% trong năm 2019, và không doanh nghiệp nào dự báo "không thay đổi" hay "xấu hơn năm 2018".

xu the chu dao logistics viet nam bung no logistics trong thuong mai dien tu tang cuong ma nganh
Bức tranh ngành logistics (Ảnh minh họa)

Hai xu thế chủ đạo: Bùng nổ Logistics thương mại điện tử - bán lẻ và M&A trong ngành

Bùng nổ logistics trong thương mại điện tử - bán lẻ

Đa số các chuyên gia được Vietnam Report hỏi đều cho rằng năm 2018 - 2019 sẽ chứng kiến sự bùng nổ của vận tải và logistics trong thương mại điện tử Việt Nam.

Sự gia tăng lưu lượng hàng hóa giao dịch qua các kênh trực tuyến khiến nhu cầu vận tải và logistics, đặc biệt là dịch vụ giao hàng nhanh tăng cao. Quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2017 đạt 6,2 tỉ USD, tăng trưởng 24%, số lượng đơn hàng qua công ty giao hàng nhanh tăng trưởng trung bình 45% giai đoạn 2015 – 2020 và có thể đạt 530 triệu đơn hàng vào năm 2020.

Nhiều doanh nghiệp ngành bán lẻ như Vincommerce, Thế giới di động, FPT, Lotte, Aeon… đang định hướng phát triển E-commerce, hay việc các ông lớn ngành thương mại điện tử như Alibaba, Amazon… gia nhập vào Việt Nam đã làm thị trường logistics sôi động hơn, đi kèm theo đó là yêu cầu phải có sự đầu tư công nghệ và độ kỹ lưỡng trong dịch vụ vận tải và logistics.

Xu thế M&A ngành logistics

Việt Nam hiện đang có chủ trương huy động vốn từ khu vực tư nhân để đầu tư hạ tầng thông qua phương thức chuyển nhượng quyền khai thác một số hạ tầng (logistics, sân bay, cảng biển…), thu hút nhiều nhà đầu tư lớn với các thương vụ được dự tính sẽ có quy mô hàng tỉ USD.

Năm 2017 - 2018 chứng kiến nhiều vụ M&A lớn như Gemadept chuyển nhượng vốn cho CJ Logistics, Samsung SDS hợp tác với Minh Phương Logistics…

Với đặc thù là ngành có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ yếu cung cấp các dịch vụ 1PL và 2PL, sự tham gia của các tên tuổi lớn nước ngoài được kỳ vọng sẽ "vá lỗ hổng" về vốn, nhân sự, công nghệ… cho các doanh nghiệp trong nước.

Ba thách thức tăng trưởng: cơ sở hạ tầng, quy mô vốn,

thuế phí

Theo khảo sát của Vietnam Report, 3 thách thức lớn nhất của ngành vận tải và logistics Việt Nam hiện nay bao gồm: (1) Cơ sở hạ tầng như hệ thống cảng biến, kho bãi, kết nối… còn hạn chế, bất cập; (2) Hạn chế về quy mô vốn, trình độ quản lý, trình độ chuyên môn chưa cao; (3) Các loại thuế, phí cầu đường và phụ phí cao.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp trong ngành, cơ sở hạ tầng mặc dù đã được cải thiện so với trước đây nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Tuyến trục vận tải Nam - Bắc vẫn phụ thuộc rất lớn vào đường bộ, rất cần sự tham gia hơn nữa của ngành đường sắt.

Sự phát triển bất cân đối của hệ thống cảng biến Việt Nam khi hơn 92% lưu lượng container phía Nam tập trung ở Cảng Cát Lái dẫn đến tình trạng quá tải, kẹt cảng… gây ra sự lãng phí rất lớn.

Vốn và nhân lực là nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Đa số trên 70% doanh nghiệp vận tải và logistics đang hoạt động hiện nay có quy mô vốn vừa và nhỏ, 7% có vốn trên 1.000 tỉ đồng, trong đó chủ yếu nhóm vốn lớn là các doanh nghiệp đa quốc gia.

Ngoài ra, là ngành có liên quan nhiều nhất đến hoạt động xuất nhập khẩu, nhân sự ngành vận tải và logistics đòi hỏi phải có kiến thức nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ và kinh nghiệm làm việc tốt. Đây chính là yếu điểm của các doanh nghiệp trong nước hiện nay.

Về vấn đề chi phí logistics, chi phí vận tải tại Việt Nam hiện đang ở mức cao (gấp 3 lần so với các nước trong khu vực và thế giới) và không đồng đều ở các khu vực, nguyên nhân chủ yếu do các loại thuế, phí cầu đường và phụ phí hiện khá cao, gián tiếp làm giảm khả năng cạnh tranh so với các nước khác.

xu the chu dao logistics viet nam bung no logistics trong thuong mai dien tu tang cuong ma nganh

Chi phí logistics phân bổ theo hạng mục (Nguồn: Vietnam Report)

Khuyến nghị ưu tiên: Hành lang pháp lý, cơ sở hạ tầng và ứng dụng IT

Khảo sát doanh nghiệp ngành vận tải và logistics của Vietnam Report cho thấy, họ rất kỳ vọng hành lang pháp lý, cơ sở hạ tầng và ứng dụng IT sẽ được ưu tiên cải thiện để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu quả dịch vụ vận tải và logistics tại Việt Nam trong năm 2019 tới đây.

Cùng với xu hướng phát triển của thương mại điện tử, sự gia nhập thị trường Việt Nam của các ông lớn bán lẻ nước ngoài làm gia tăng nguy cơ thâu tóm các kênh logistics địa phương khiến các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều bất lợi. Theo Vietnam Report, các cơ quan quản lý cần nhìn rõ vấn đề này, bổ sung hành lang pháp lý cần thiết (như quy định về giới hạn tỉ lệ sở hữu nước ngoài trong các doanh nghiệp thương mại điện tử, logistics…), điều chỉnh phù hợp các quy định về thuế để tránh tình trạng chuyển giá, trốn thuế…, từ đó tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp logistics.

Hiện nay chi phí logistics đang chiếm tỉ trọng lớn trong chi phí doanh nghiệp, vô hình chung trở thành rào cản lớn nhất đối với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Để giảm chi phí logistics, hầu hết các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành đều cho rằng cần phải đồng bộ hạ tầng giao thông, kết nối giữa các phương thức vận tải, đồng thời phát triển sàn giao dịch vận tải nhằm kết nối tốt nhất các chủ hàng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, tạo cơ sở cho doanh nghiệp logistics Việt Nam tham gia vào nhiều hơn vào chuỗi cung ứng, tránh tình trạng vận chuyển một chiều.

Ngành vận tải và logistics Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển. Đối với các doanh nghiệp, ngoài việc chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, thì việc xây dựng uy tín thương hiệu cũng quan trọng. Với các doanh nghiệp sản xuất nước ngoài khi đặt chân vào Việt Nam, tìm kiếm và hợp tác với doanh nghiệp logistics uy tín là cầu nối trung gian kết nối vận chuyển an toàn hàng hóa tới tay đối tác và khách hàng, góp phần hoàn thiện chuỗi sản xuất - phân phối, tác động ngược trở lại giúp các doanh nghiệp vận tải và logistics Việt Nam tham gia sâu hơn, định vị tốt hơn trên bản đồ logistics toàn cầu.

Xem thêm


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Đông A

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.