Xử lý tồn dư tro xỉ nhà máy nhiệt điện: Cần cơ chế cụ thể
Vừa làm vừa nghe ngóng…
Tại hội thảo Quản lý, vận chuyển, xử lý và tiêu thụ tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện một cách bền vững và thân thiện với môi trường, do Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) tổ chức mới đây, các chuyên gia cho rằng, việc sử dụng tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện than cho sản xuất vật liệu xây dựng, phụ gia phối trộn thời gian qua đã được chú trọng.
Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc về quy chế nên lĩnh vực này đến nay vẫn còn chậm phát triển, gây khó khăn cho các nhà máy nhiệt điện cũng như các doanh nghiệp phụ trợ. Lượng tro xỉ tồn dư từ các nhà máy nhiệt điện ngày càng lớn đang ảnh hưởng xấu tới môi trường.
Theo ông Phạm Trọng Thự, Phó cục trưởng Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương), dù Chính phủ, các Bộ, ngành đã có chỉ đạo việc xử dụng tro xỉ nhà máy nhiệt điện để sản xuất xi măng, vật liệu không nung và phối liệu với các nguyên liệu khác sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng, song do nhiều vướng mắc nên hầu hết lượng tro xỉ không được sử dụng, cơ bản vẫn đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp.
Xưởng sản xuất gạch, ngói không nung từ vật liệu tro, xỉ của nhà máy nhiệt điện than tại Quảng Ninh. |
Ông Thực cho hay, trong năm 2017 việc tiêu thụ tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện trong cả nước chỉ đạt gần 4 triệu tấn, chiếm khoảng 30% tổng lượng tro, xỉ phát sinh của tất cả các nhà máy nhiệt điện than. Nguyên nhân chính dẫn đến hạn chế này chính là do quan niệm nguyên liệu này là nguồn chất thải nguy hại, từ đó dẫn đến hạn chế trong quá trình chế biến các sản phẩm phục vụ cho ngành xây dựng, giao thông.
Từ thực tế xử lý tro xỉ của nhà máy nhiệt điện vừa qua, ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó Giám đốc Công ty nhiệt điện Đông Triều thuộc TKV (Đơn vị chủ quản nhà máy nhiệt điện Mạo Khê) cho biết, mỗi năm nhà máy nhiệt điện Mạo Khê thải ra khoảng 650.000 tấn tro, xỉ. Nhưng hiện tại, chỉ có khoảng 17% lượng tro xỉ của nhà máy này được sử dụng để sản xuất vật liệu xây dựng không nung và phụ gia xi măng.
Theo các chuyên gia, khó khăn trong việc tái chế, sử dụng tro, xỉ chính là hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong sản xuất vật liệu xây dựng. Trong khi đó, thị trường quen sử dụng vật liệu xây dựng truyền thống cũng như thiếu các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng từ tro xỉ đã khiến quá trình này trở nên chậm trễ.
Tro xỉ không là vật liệu nguy hại
Theo ông Trần Văn Lượng, để giải quyết nguồn tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện, ngày 7/3 vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đĩnh Dũng đã làm việc với các Bộ Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ bàn giải pháp xử lý, chế biến tro xỉ và tháo gỡ khó khăn theo hướng tạo điều kiện thông thoáng hơn trong quá trình quản lý, sử dụng và tiêu thụ tro, xỉ.
Trên cơ sở này, ông Lượng đề nghị Nhà nước cần sớm sửa đổi Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng loại bỏ giấy phép “Giấy xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường” để các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng từ tro, xỉ; dễ dàng tiếp cận và tái chế tro, xỉ của nhà máy điện than. Đồng thời, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với tro, xỉ làm vật liệu xây dựng, vật liệu san nền…
Trong khi đó, đại diện Viện Nghiên cứu và ứng dụng vật liệu xây dựng nhiệt đới, PGS. TS. Bạch Đình Thiên khẳng định, nếu xử lý tốt nguồn tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than, mỗi năm đất nước có thể tiết kiệm hàng chục triệu tấn khoáng sản phục vụ ngành xây dựng, giao thông; xử lý tốt lượng tồn dư tro, xỉ nhiệt điện than sẽ tiết kiệm hàng trăm ha diện tích làm bãi chứa tro, xỉ, tránh được việc xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường.
Là một trong những doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm gạch, ngói không nung từ nguồn nguyên liệu tro, xỉ than của các nhà máy nhiệt điện, ông Vũ Thanh Tuyền, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thanh Tuyền Group (Thôn Xuân Bình, xã Bình Khê, Thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) cho rằng, ngoài một số rào cản pháp lý, khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải là công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng từ tro xỉ vẫn chủ yếu của Trung Quốc nên còn nhiều hạn chế.
Trong khi công nghệ của các nước tiên tiến khác đồi hỏi chi phí đầu tư rất lớn. Việc đưa sản phẩm gạch ngói không nung ra thị trường cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu các chứng nhận chất lượng của các cơ quan nhà nước.
“Để thu hút các doanh nghiệp đầu tư tái chế, xử dụng tro, xỉ của nhà máy nhiệt điện than để sản xuất vật liệu xây dựng không nung, cần có cơ chế rõ ràng, cụ thể và khả thi trong thực tiến thì mới có thể giải quyết được bài toán nan giản này”, ông Tuyền nói.