|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Xu hướng Tết 'xê dịch': Nghỉ dưỡng cao cấp lên ngôi, phòng hạng sang đặt trước gần kín chỗ

07:17 | 05/01/2023
Chia sẻ
Theo chia sẻ của các đại lý bán tour, các địa điểm nổi tiếng như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Lạt, Sapa đã gần kín phòng cao cấp trong dịp Tết Nguyên đán.

Du lịch nghỉ dưỡng trong những ngày Tết

Sau hơn hai năm im ắng vì dịch COVID-19, thị trường tour du lịch Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 được dự đoán sẽ sôi động trở lại. Anh Hà Duy Huỳnh, đại lý bán tour du lịch trên mạng xã hội chia sẻ, sức mua tour dịp Tết 2023 cao hơn năm ngoái khi nhiều đơn vị đã “cháy” vé từ sớm.

Tương tự miền Nam, nhiều người miền Bắc đang có xu hướng du lịch trọn vẹn dịp Tết. Nắm bắt tâm lý này, các công ty du lịch đã tung ra nhiều combo hấp dẫn cùng chương trình ưu đãi nhằm kích thích khách hàng "chốt" lịch. Theo chia sẻ của các đại lý bán tour, các địa điểm nổi tiếng như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Lạt, Sapa đã gần kín phòng cao cấp.

Thị trường du lịch dịp Tết 2023 có sự sôi động trở lại. (Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường)

Thị trường năm nay cũng ghi nhận sự lên ngôi của du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT Lux Group cho hay, thời điểm hiện tại, xu hướng đi du thuyền trải nghiệm, chi tiền cho các dịch vụ cao cấp tại Hạ Long, Cát Bà, Nha Trang… đang gia tăng nhanh chóng.

Nếu như trước kia, du thuyền thường là lựa chọn của du khách nước ngoài thì hiện nay, ngày càng nhiều khách nội địa sẵn sàng chi tiền để sử dụng trọn gói dịch vụ cao cấp trên du thuyền. Đến nay, Lux Group gần như hoàn thành toàn bộ kế hoạch tour Tết do lượng khách đặt tăng đáng kể.

Thời gian qua, lượng khách nội địa vẫn là nguồn thu chính của các công ty lữ hành. Theo nhận định của ông Hoàng Bình Minh, Giám đốc CTCP Dịch vụ Ninh Bình, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023 được cho là “cơ hội vàng” để các công ty gia tăng doanh thu.

“Sau hai năm bị bó chân vì các lệnh giãn cách và cách ly, kỳ nghỉ cuối năm nay là dịp để nhiều người đi du lịch trải nghiệm. Xu hướng khách đến Ninh Bình có sự thay đổi khi thường đi theo nhóm nhỏ thay vì đoàn lớn, chọn homestay và quần thể sinh thái nhiều hơn so với khách sạn truyền thống”, ông Hoàng Bình Minh cho biết.

Áp lực đối với các công ty lữ hành

Báo cáo Vietnam Report công bố vào cuối năm 2022 cho thấy, có tới 86% doanh nghiệp ngành du lịch - vận tải ổn định và hồi phục sau đại dịch. Sau hai năm gần như đóng băng hoàn toàn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành du lịch nước ta đã có những dấu hiệu khởi sắc. 

Dù vậy, ngành du lịch – vận tải hành khách đang đối mặt với ba thách thức lớn để duy trì sự phục hồi bền vững: Chất lượng nhân sự trong ngành yếu, nguồn cung lao động thiếu và thiếu sản phẩm du lịch. Việc thiếu sản phẩm du lịch đa dạng và các điểm đến du lịch mới đang gây ra áp lực đáng kể cho những điểm đến vốn đã phổ biến, làm tăng rủi ro quá tải.

Đồng tình với báo cáo trên, ông Hoàng Bình Minh, Giám đốc CTCP Dịch vụ Ninh Bình cho rằng, lượng khách du lịch gia tăng tuy có thể thúc đẩy tăng trưởng ngành du lịch, song cũng trở thành áp lực với các công ty lữ hành trong việc phân bổ nhân sự, cung cấp dịch vụ.

Trong khi đó, ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT Lux Group nhìn nhận, nhiều đơn vị lữ hành vừa và nhỏ chưa thể khởi động lại sau hai năm dịch bệnh do gặp khó khăn về tài chính, nhân sự. Không ít doanh nghiệp chưa thể nắm bắt xu hướng chuyển đổi số để cập nhật và tích hợp công nghệ mới vào hệ thống quản trị vận hành. Để thị trường có sự bứt phát, rất cần đến những chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp như bơm vốn, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực…

Cơ hội sau Tết Nguyên đán từ nguồn khách Trung Quốc

Ngành du lịch tuy có sự phục hồi nhưng vẫn phải xác định tâm thế đối diện với khó khăn. Nhất là khi thực trạng suy thoái kinh tế và những bất ổn do cuộc khủng hoảng do Nga – Ukaine gây ra có thể tác động không nhỏ đến nhu cầu du lịch của du khách quốc tế. So với lượng khách từ châu Âu, chúng ta có thể kỳ vọng nhiều hơn vào thị trường châu Á, cụ thể là Trung Quốc khi chính quyền nước này dự kiến mở cửa biên giới vào ngày 8/1.

Liên tục trong nhiều năm, Trung Quốc giữ vị trí số một thế giới về tổng mức chi tiêu cho đi du lịch nước ngoài. Những năm qua, Trung Quốc cũng là thị trường khách lớn của Việt Nam.

Trung Quốc là dòng khách du lịch lớn đối với Việt Nam. (Ảnh: Báo Xây dựng)

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, đối với nước ta, thị trường khách Trung Quốc luôn chiếm tỉ lệ 28-30% trong tổng lượng khách quốc tế đến. Giai đoạn 2015-2019, khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng 3,3 lần, tăng bình quân 34,4% mỗi năm. Năm 2019, Trung Quốc là dòng khách du lịch lớn nhất với 5,8 triệu lượt. 

Trong bối cảnh các quốc gia đang chuẩn bị đón khách Trung Quốc trở lại, nhiều đơn vị lữ hành, địa phương cũng không đứng ngoài xu thế khi nhanh chóng triển khai kế hoạch đón khách Trung Quốc, khai thác tiềm năng từ thị trường này. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, toàn ngành du lịch đang vui mừng bởi đây là tín hiệu giúp ổn định dòng khách quốc tế.

Thời gian tới, chính sách chung của Hiệp hội và Sở du lịch các tỉnh/thành là tạo ra nhiều chương trình liên kết giữa các địa phương trong khu vực để chia sẻ và luân chuyển lượng khách với nhau, tạo ra cú hích giúp ngành du lịch gia tăng sự bứt phá.

Diễm Ly