Xu hướng giảm phát và dòng vốn của Trung Quốc có dấu hiệu đổi chiều
Các dấu hiệu cho thấy Phố Wall đang hụt hơi và dữ liệu lạm phát mới nhất của Trung Quốc sẽ tác động đến tâm lý của nhà đầu tư khi thị trường chứng khoán châu Á mở cửa vào ngày 11/3.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) được kỳ vọng sẽ thông báo sự thay đổi chính sách lớn trong tháng 3. Diễn biến này có thể sẽ kéo đồng yen và chỉ số Nikkei 225 lên cao hơn.
Hôm 9/3, số liệu do Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố cho thấy lạm phát giá tiêu dùng tại nền kinh tế tỷ dân đã tăng cao hơn dự kiến vào tháng 2, nhưng tình trạng giảm phát giá sản xuất vẫn chưa chấm dứt.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc đi lên 0,7% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức tăng cao nhất trong vòng một năm. Đây là dấu hiệu cho thấy cuộc chiến chống giảm phát đang diễn biến theo hướng có lợi cho các nhà hoạch định chính sách.
Nếu không tính giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, CPI lõi đi lên 1,2% so với một năm trước, mức cao nhất trong hơn hai năm.
Tuy nhiên, chỉ số giá giản xuất (PPI) lại sụt 2,7% so với một năm trước, mạnh hơn dự kiến. Đây là tháng thứ 17 liên tiếp giá sản xuất ở Trung Quốc đi xuống so với cùng kỳ. Tờ Reuters cho biết lạm phát giá sản xuất trong thời gian tới khó có thể đảo chiều.
Giảm phát là một trong các mối lo hàng đầu của nhà đầu tư về thị trường Trung Quốc. Lo ngại khác là căng thẳng địa chính trị.
Hôm 8/3, Bloomberg đưa tin Mỹ đang cân nhắc trừng phạt một số công ty công nghệ Trung Quốc, bao gồm nhà sản xuất chip ChangXin Memory Technologies, nhằm cản trở năng lực phát triển chip bán dẫn tiên tiến của Bắc Kinh.
Dòng vốn ngoại đã tháo chạy khỏi Trung Quốc trong một thời gian, nhưng các nhà phân tích tại Viện Tài chính Quốc tế cho biết làn sóng này có thể đang thay đổi. Cổ phiếu Trung Quốc hút 9,6 tỷ USD trong tháng 2 - đánh dấu dòng tiền dương đầu tiên trong 6 tháng và là mức cao nhất trong hơn một năm.
Chỉ số chứng khoán blue-chip CSI 300 của Trung Quốc rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm vào đầu tháng 2. Sự kiện này khiến các nhà đầu tư đặt cược rằng khủng hoảng bất động sản và rắc rối nợ địa phương sẽ buộc các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc bơm thêm hỗ trợ cho nền kinh tế.
- TIN LIÊN QUAN
-
Lạm phát Trung Quốc tăng trở lại chỉ là hiện tượng nhất thời? 12/03/2024 - 07:51
Tại một thị trường châu Á lớn khác là Nhật Bản, các giao dịch liên quan tới đồng yen đang trở nên sôi động trong bối cảnh cuộc họp chính sách ngày 18/3 của BoJ đến gần. Các nhà đầu tư đang đồn đoán rằng BoJ sẽ chấm dứt chính sách tiền tệ siêu lỏng và lãi suất âm.
Ở Mỹ và châu Âu, giới đầu tư kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 6 - kịch bản tích cực với cổ phiếu. Nhưng mặt khác, một số dấu hiệu cho thấy đà tăng đáng nể của chứng khoán Mỹ đang chững lại.
Chỉ số S&P 500 và Nasdaq đều giảm điểm trong tuần trước, bất chấp sự sụt giảm đáng kể của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và mức giảm lớn nhất trong tuần của đồng USD. Nhưng tính trong khoảng thời gian 19 tuần, cả hai chỉ số này mới chỉ trải qua ba tuần tiêu cực.