|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Xiaomi mất 76 giây để xuất xưởng một chiếc ô tô điện

13:38 | 08/05/2024
Chia sẻ
Sau hơn một tháng mở bán, mẫu SU7 của Xiaomi đã xuất xưởng 10.000 chiếc.

Nhà sản xuất Xiaomi đã công bố thông tin chi tiết về những cải tiến mà họ đang sử dụng như một phần trong quy trình sản xuất xe điện của hãng. Phương pháp gigacasting của Tesla đã được Xiaomi ứng dụng trong quá trình sản xuất mẫu xe điện đầu tiên của hãng - SU7 .

Theo Car News China, Xiaomi tuyên bố là nhà sản xuất ô tô Trung Quốc duy nhất sử dụng cả hai công nghệ, gồm phát triển vật liệu hợp kim đúc khuôn và hệ thống cụm thiết bị đúc khuôn lớn. Đáng chú ý, đây là các giải pháp được Xiaomi tự phát triển.

Xiaomi đã phát triển toàn bộ hệ thống nhóm máy đúc khuôn bao gồm 60 thiết bị và 433 quy trình, trong đó Xiaomi Super Die Casting 9100T chỉ là một trong số đó. Đội ngũ R&D của Xiaomi đã đưa ra 11 cải tiến về thiết kế sáng chế và cải tiến đối với công nghệ đúc khuôn hiện có của ngành, kể cả hệ thống tối ưu hóa hoạt động phun chủ động thông qua AI.

Nhà máy sản xuất xe Xiaomi có mức độ tự động hóa cao và khi đạt công suất tối đa sẽ có thể sản xuất 40 xe mỗi giờ, tương đương cứ 76 giây sẽ có một xe được lắp ráp. Nhà máy có hơn 700 robot và 181 robot di động tự động (AMR) vận chuyển các bộ phận dập.

Mỗi AMR sử dụng Lidar (Light Detection and Ranging - công nghệ viễn thám sử dụng tia laser để đo khoảng cách đến mục tiêu) để di chuyển xung quanh nhà máy. Máy móc cũng được sử dụng để kiểm tra chất lượng, hệ thống kiểm tra X-Eye có độ chính xác 99,9% khi chỉ ra các khuyết điểm thay cho mắt người.

 Cụm máy dập khuôn 9100t của Xiaomi trong nhà máy. (Ảnh chụp màn hình).

 Hệ thống giám sát X-Eye kiểm soát các chi tiết lỗi trong quá trình sản xuất. (Ảnh chụp màn hình).

Tesla là người đi tiên phong trong việc sử dụng công nghệ đúc khuôn lớn, có thể tạo ra một khối trong chỉ một lần đúc duy nhất. Phương pháp này thay thế việc lắp ráp nhiều bộ phận riêng lẻ thành một khối.

Về mặt sản xuất, điều này có nghĩa là nhà máy cần ít diện tích sàn hơn, trong khi đối với xe hơi thì độ an toàn được cải thiện vì xe giờ đây đã gia tăng độ cứng, vững chắc hơn. Hơn nữa, các bộ phận đúc khuôn thường nhẹ hơn giúp tăng phạm vi hoạt động của xe. Một số nhà sản xuất Trung Quốc như XPeng và Nio cũng đã bắt đầu sử dụng công nghệ đúc khuôn.

Hệ thống của Xiaomi được tự phát triển phối hợp với Haitian - một công ty hàng đầu thế giới về công nghệ ép, có trụ sở tại Trung Quốc.

Cỗ máy đúc khuông được đánh dấu với tên 9100t - con số biểu thị cho lực kẹp của máy, chiếm diện tích bằng khoảng hai sân bóng rổ. Máy tạo ra cụm sàn sau của Xiaomi SU7 và giảm 72 bộ phận - trước đây cần dập và hàn, xuống chỉ còn một bộ phận đúc.

Và bộ phận đúc nguyên khối này có thể sản xuất trong 100 giây. Thông qua quy trình này, nhà sản xuất đã tiết giảm hơn 840 điểm hàn và giảm 45% thời gian sản xuất. Và phương pháp mới cũng giúp bộ phận của xe nhẹ hơn 17%, đồng thời giảm 2 dBtiếng ồn đường bộ. dB là đơn vị đo cường độ âm thanh, thể hiện mức độ mạnh yếu của âm thanh phát ra. Số dB càng lớn thì tức là âm thanh càng mạnh.

Hơn nữa, bộ phận đúc cũng làm tăng tuổi thọ của tấm sàn tích hợp, có nghĩa là nó có thể dễ dàng đạt được quãng đường trên 2 triệu km, gấp hơn 10 lần tuổi thọ của tấm sàn truyền thống.

Một trong những chỉ trích quen thuộc đối với công nghệ này là chi phí thay thế bộ phận nếu gặp sự cố và cần phải sửa chữa. Tuy nhiên, Xiaomi được cho là đã triển khai thiết kế chống va chạm ba giai đoạn. Như vậy, trong trường hợp va chạm ở tốc độ thấp đến trung bình, xe chỉ cần thay thế dầm chống va chạm và vùng biến dạng.

Ra mắt hồi cuối tháng 3 và sau hơn 30 ngày ra mắt, Xiaomi đã xuất xưởng chiếc thứ 10.000 của mẫu SU7. Trong ngày mở bán đầu tiên, hãng nhận được 88.898 đơn hàng cho SU7.Nhà máy Xiaomi xây dựng tại Bắc Kinh trong giai đoạn đầu chỉ sản xuất được 150.000 xe/năm. Tuy vậy, khi hoàn thiện, cơ sở này có thể cho ra sản lượng hàng năm tối đa 300.000 xe/năm.

Video nhà máy sản xuất xe điện của Xiaomi: 

Thành Vũ