Xi măng Xuân Thành của em trai 'bầu' Thuỵ huy động 500 tỷ qua trái phiếu để nâng công suất
Theo tin từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), CTCP Xi măng Xuân Thành đã huy động 111,5 tỷ đồng trái phiếu từ ngày 26/3 đến ngày 23/6 trong tổng số 430 tỷ trái phiếu dự kiến huy động. Trái phiếu sẽ đáo hạn vào ngày 6/2/2036.
Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo và được bảo lãnh thanh toán, không phải nợ thứ cấp của công ty.
Lãi suất áp dụng cho 4 kì tính lãi đầu tiên tính từ ngày phát hành là 10,5%/năm. Sau đó, lãi suất sẽ bằng lãi suất tham chiếu (bình quân lãi suất huy động 2 năm của MBBank, TPBank) của kỳ tính lãi đó cộng với biên độ lãi suất (3,5%/năm hoặc tối thiểu 4,5%/năm).
Toàn bộ số tiền thu được sẽ dùng để tài trợ chi phí xây dựng, lắp đặt và mua sắm máy móc, thiết bị dây chuyền sản xuất clinker thuộc dự án đầu tư xây dựng dây chuyền số 3, giai đoạn 1 nhà máy xi măng Xuân Thành với công suất 4,5 triệu tấn/năm tại tỉnh Hà Nam.
Một nhà đầu tư tổ chức đã mua trọn lô trái phiếu trên. Tổ chức tư vấn và đại lý phát hành là CTCP Chứng khoán MB.
Trước đó, ngày 23/3, Xi măng Xuân Thành cũng đã phát hành 390 tỷ đồng trái phiếu cho một tổ chức tín dụng để phục vụ dự án xi măng ở Hà Nam.
Em trai 8x của "bầu" Thuỵ làm Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc
CTCP Xi măng Xuân Thành được thành lập từ tháng 2/2012. Gần cuối tháng 11/2020, công ty tăng vốn điều lệ từ 4.517 tỷ lên 6.168 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Xuân Thuỷ (1988) đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc và người đại diện pháp luật của Xi măng Xuân Thành. Ông Thuỷ chính là em trai của ông Nguyễn Đức Thuỵ ("bầu" Thuỵ), Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietPostBank - Mã: LPB).
Ông Thuỷ chỉ nắm khoảng 3,76% cổ phần tại Xi măng Xuân Thành hết năm 2019 theo nguồn tin riêng của chúng tôi.
Xi măng Xuân Thành nằm trong hệ sinh thái của Xuân Thành Group (gồm ba nhà máy xi măng tại Quảng Nam, Hà Nam, Bình Phước).
Thông tin trên website doanh nghiệp cho biết nhà máy xi măng Xuân Thành Hà Nam có công suất 5,5 triệu tấn xi măng/năm/hai dây chuyền.
Trong đó, dây chuyền 2 nhà máy xi măng Xuân Thành được đưa vào vận hành từ năm 2017 với tổng mức đầu tư 10.500 tỷ đồng. Dây chuyền đạt công suất 12.500 tấn clinker/ngày, tương đương 4,5 triệu tấn xi măng/năm.
Về dây chuyền số 3 đang được doanh nghiệp huy động vốn qua trái phiếu, dự án được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030 cuối năm 2016.
Sau khi dây chuyền số 2 đi vào hoạt động năm 2017 thì doanh thu của Xi măng Xuân Thành liên tục tăng trưởng.
Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, năm 2019 doanh thu của Xi măng Xuân Thành đạt 7.748 tỷ đồng, gấp 3,66 lần năm 2017. Lợi nhuận năm 2019 đạt 479 tỷ trong khi năm 2017 lỗ 113 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp năm 2019 trên 24% còn biên lãi ròng khoảng 6,1%.
Quy mô tổng tài sản của Xi măng Xuân Thành cuối năm 2019 là 15.953 tỷ đồng với 4.347 tỷ đồng vốn chủ sở hữu.