|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Xi măng La Hiên: dấu hỏi trong công tác đấu thầu và giao dịch với bên liên quan

08:36 | 06/04/2019
Chia sẻ
Xi măng La Hiên nổi tiếng với biên lợi nhuận gộp cao nhất ngành xi măng, tuy nhiên trong năm 2018 bất ngờ sụt giảm đi ngược với xu thế chung.

Sáng ngày 5/4, CTCP Xi măng La Hiên (Mã: CLH) tiến hành tổ chức đại hội thường niên 2019.

Trước thềm đại hội, nhóm cổ đông đại diện cho hơn 10% vốn điều lệ công ty gửi đến hội đồng quản trị (HĐQT) bộ câu hỏi yêu cầu giải trình nội dung xoay quanh việc hiệu quả hoạt động sụt giảm, quá trình tái cơ cấu lao động chậm và vấn đề trong giao dịch với các bên liên quan.

Xi măng La Hiên: dấu hỏi trong công tác đấu thầu và giao dịch với bên liên quan - Ảnh 1.

Đại hội đồng cổ đông Xi măng La Hiên hôm 5/4 (Ảnh: BM)

Hiệu quả hoạt động Xi măng La Hiên bất ngờ sụt giảm, đi ngược xu thế ngành xi măng

Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, năm 2018 là năm thành công của ngành xi măng, sản lượng tiêu thụ xi măng đạt gần 97 triệu tấn, trên tổng công suất thiết kế 82 dây chuyền 90 triệu tấn.

Như vậy hầu hết nhà máy xi măng đều chạy đầy công suất và Xi măng La Hiên không ngoại lệ. Sản lượng tiêu thụ của công ty đạt gần 807.000 tấn, vượt kế hoạch 19%; doanh thu đạt 724 tỉ đồng, vượt 26% kế hoạch.

Tuy vậy, biên lợi nhuận gộp giảm sút từ 13,8% xuống còn 12,1%; biên lợi nhuận hoạt động giảm từ 8,1% xuống còn 6,9%. Xi măng La Hiên nhiều năm nay nổi tiếng với biên lãi gộp cao nhất ngành xi măng, sở hữu mỏ đá chất lượng và có thương hiệu tại thị trường Thái Nguyên. Việc hiệu quả hoạt động bất ngờ sụt giảm đi ngược xu thế chung khiến cho cổ đông công ty không khỏi thắc mắc.

Theo giải trình từ phía ban điều hành công ty, năm vừa qua công ty chịu tác động của giá nhiên liệu tăng nhất là giá điện và giá xăng dầu, bên cạnh đó dây chuyền cũ khiến cho công ty tốn chi phí sửa chữa… chính điều này làm tăng giá vốn, giảm các chỉ tiêu về lợi nhuận gộp.

Cụ thể theo báo cáo của Xi măng La Hiên, chi phí nguyên vật liệu/đơn vị sản lượng tiêu thụ tăng 5%; chi phí mua ngoài 15,6 tỉ đồng (gấp đôi năm 2017) chủ yếu là các khoản sửa chữa; ngoài ra chi phí cho bao bì cũng gia tăng đáng kể…

Mua sắm chủ yếu dưới hình thức "chào giá", dấu hỏi trong công tác đấu thầu

Tại đại hội, nhóm cổ đông đại diện 10% vốn điều lệ yêu cầu HĐQT cung cấp danh sách các hợp đồng giao dịch trọng yếu mà đặc biệt là với các bên liên quan ký kết từ năm 2017.

Đáng chú ý, trong danh sách 54 hợp đồng được lãnh đạo Xi măng La Hiên công bố, hầu hết được mua sắm dưới hình thức chào giá rộng rãi hay chào giá rút gọn, số ít được thực hiện theo hình thức đấu thầu.

Theo đại diện công ty giải thích, Xi măng La Hiên thực hiện quá trình mua sắm theo luật đấu thầu và quy chế riêng của doanh nghiệp. Công ty sẽ thực hiện chào giá rộng rãi với các gói thầu trên 2 tỉ đồng, chào giá rút gọn với các gói thầu từ 200 triệu đồng đến dưới 2 tỉ đồng… Phương thức chào giá rộng rãi có thể được đăng trên trang tin đấu thầu của Vinacomin, còn chào giá rút gọn thì không.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cụm từ "chào giá cạnh tranh" hay "chào giá rút gọn" là cụm từ lạ không thấy xuất hiện trong luật Đấu thầu.

Có thể lấy ví dụ, ba hợp đồng vỏ bao xi măng được công ty ký kết trong năm 2018 giá trị tới 70 tỉ đồng đều theo hình thức chào giá. Lãnh đạo công ty cho biết thêm, thực tế chi phí vỏ bao cấu thành 11,5% tổng giá vốn; giá trị các hợp đồng phụ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm.

Hai đại lý có liên quan đến Kế toán trưởng chậm thanh toán nợ vay 

Nhóm cổ đông 10% cũng tập trung hỏi đáp xung quanh hai đơn vị liên quan của công ty, cụ thể là Công ty TNHH Thảo Quỳnh Anh và HTX Sản xuất và Kinh doanh Dịch vụ Hoàng Thịnh Phát (đều là các công ty của người thân kế toán trưởng Lê Thị Thu Hiền).

Đây là hai đại lý đã bán hàng cho Xi măng La Hiên trong nhiều năm, tổng sản lượng bán hàng trong năm 2018 cho công ty là trên 45.000 tấn.

Mặc dù cho biết hai đơn vị nói trên không nhận được ưu đãi gì từ phía công ty, nhưng qua màn hỏi đáp căng thẳng với phía cổ đông, lãnh đạo Xi măng La Hiên thừa nhận việc có thời điểm dư nợ tại Thảo Quỳnh Anh và Hoàng Thịnh Phát không đảm bảo (tức hai đại lý này chậm thanh toán nợ).

Trong khi đó, báo cáo lưu chuyển tiền tệ của Xi măng La Hiên sau kiểm toán cho thấy, năm 2018 công ty thu gần 550 tỉ đồng tiền từ đi vay, ngược lại trả nợ tới 619 tỉ đồng.

Dư nợ vay cuối kỳ 64 tỉ đồng ngắn hạn và 30 tỉ đồng dài hạn; đáng chú ý có khoản vay giá trị trên 29 tỉ đồng từ các cá nhân được thực hiện trong giai đoạn 2015 – 2018, thời hạn vay đều trong vòng 3 năm.

Như vậy, trong khi Xi măng La Hiên vẫn phải vay tiền phục vụ cho hoạt động kinh doanh, thì hai công ty có liên quan đến Kế toán trưởng, người phụ trách dòng tiền lại chậm thanh toán nợ. Nhóm cổ đông phê bình HĐQT, ban Tổng giám đốc chưa sát sao, đặc biệt yêu cầu Kế toán trưởng rút kinh nghiệm.

Nhóm cổ đông cũng yêu cầu HĐQT cung cấp văn bản các hợp đồng đã ký với bên liên quan trong năm 2018, nhất là hợp đồng với Hoàng Thịnh Phát và Thảo Quỳnh Anh trong vòng 15 ngày tính từ ngày tổ chức đại hội. Chủ tịch HĐQT đồng ý.

Nhóm cổ đông cũng tỏ ra không hài lòng với ban lãnh đạo công ty về kế hoạch kinh doanh 2019 đề ra có phần khiêm tốn; doanh thu 633 tỉ đồng và lãi trước thuế 35 tỉ đồng, giảm so với năm 2018 trong hoàn cảnh thị trường xi măng đang thuận lợi.

Cổ đông góp ý lãnh đạo công ty nên xây dựng lộ trình cơ cấu lao động cụ thể hơn cho từng năm, một số điểm sai sót trong điều lệ công ty và cung cấp đầy đủ thông tin với các bên liên quan theo luật định…

Đại hội kết thúc sau 6 giờ làm việc, trong đó thời gian tranh luận ba tiếng đồng hồ.

Xi măng La Hiên là thuộc hệ thống của Tổng công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc – Vinacomin, công ty mẹ hiện sở hữu trên 51% vốn điều lệ còn lại thuộc về cổ đông khác. Đặc điểm của xi măng La Hiên là được bán rất chạy tại thị trường tỉnh Thái Nguyên với giá trị hàng tồn kho gần như bằng không.

Bạch Mộc