|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Xếp hàng mua ngân hàng 0 đồng

14:50 | 10/04/2019
Chia sẻ
Nhà đầu tư ngoại đang tìm kiếm tài sản “xấu”. Nhưng các ngân hàng 0 đồng Việt có thực sự hấp dẫn?
Xếp hàng mua ngân hàng 0 đồng - Ảnh 1.


Hàng loạt các tổ chức ngoại xếp hàng chờ mua ngân hàng 0 đồng, nhưng nhiều năm thị trường vẫn chờ đợi một thương vụ mang tính bản lề và tạo tiền lệ.

Định giá ngân hàng 0 đồng

Thêm thông tin tích cực trên thị trường ngân hàng khi có thêm một nhà đầu tư Nhật muốn tham gia tái cấu trúc một ngân hàng yếu kém. Theo đó, tập đoàn tài chính Nhật J Trust bày tỏ quan tâm tham gia cơ cấu lại Ngân hàng Xây dựng (CB). Trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, ông Nobiru Adachi, Giám đốc Điều hành cấp cao của J Trust, cho biết, tập đoàn này sẽ không chỉ tham gia góp vốn, mà sẽ hỗ trợ CB về mặt công nghệ, nghiệp vụ tài chính.

Mặc dù mới chỉ là những thông tin bước đầu, để thương vụ tái cấu trúc trở thành hiện thực thì lại là một câu chuyện dài khác. Tuy nhiên, thông tin này khơi mào lại những “ngân hàng 0 đồng”, tưởng chừng như rơi vào quên lãng. Những hy vọng mới không chỉ đến với CB, mà còn được kỳ vọng sẽ là cú hích cho các ngân hàng 0 đồng khác trên thị trường.

Xếp hàng mua ngân hàng 0 đồng - Ảnh 2.

Các quy định khắt khe trong việc bán vốn đã làm chậm chân các nhà đầu tư. Ảnh: QH.

Năm 2015, CB là ngân hàng đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước mua bắt buộc. Hầu như báo cáo tại thời điểm đó, các ngân hàng này liên tục đối diện với nguy cơ mất thanh khoản, và các hoạt động kinh doanh hầu như bị đóng băng.

Ở thời điểm mua lại, những khoản nợ xấu là rất cao, như tỉ lệ nợ xấu CB lên đến hơn chiếm 95% dư nợ, hay như GPBank tính đến năm 2016 đã âm vốn chủ sở hữu 10.363 tỉ đồng, con số này của OceanBank là 11.625 tỉ đồng. Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về thực trạng tài chính của các ngân hàng 0 đồng, phần lớn các khoản nợ này được đánh giá là khó thu hồi do không có tài sản đảm bảo, hoặc tài sản đảm bảo chưa đầy đủ tính pháp lý hoặc khách hàng không hợp tác. Trên thực tế, những thông tin về cổ đông ngoại tham gia tái cơ cấu ngân hàng luôn được quan tâm, xuất hiện nhiều tại các diễn đàn đầu tư. Năm 2017, đã có thông tin những nhà đầu tư nước ngoài đang soát xét, đánh giá lại toàn diện OceanBank, nhưng cuối cùng cũng chưa có thêm thông tin gì cụ thể.

Trước đó nữa, vào giai đoạn năm 2013, khi các ngân hàng đang phải tái cấu trúc mạnh mẽ, thì thông tin UOB để mắt đến GPBank cũng từng xuất hiện trong nhiều năm. Nhưng sau cuộc ngã giá không thành công này, Ngân hàng Nhà nước đã phải quyết định mua luôn GPBank với giá 0 đồng. Rõ ràng, bản thân ngân hàng 0 đồng cũng có sức hấp dẫn ít nhiều với các nhà đầu tư ngoại, nhưng các thương vụ không thành công minh chứng một điều rằng các ông chủ vẫn chưa chấp thuận giá trị thực tế mà nhà đầu tư đánh giá về bản thân mình.

Giai đoạn 2013-2015 được xem là giai đoạn khó khăn nhất của thị trường ngân hàng với những khoản nợ xấu chưa tìm được hướng xử lý. Đến năm 2015, Ngân hàng Nhà nước quyết định lần lượt mua lại 3 ngân hàng 0 đồng, sau đó còn đặt Ngân hàng Đông Á vào vòng kiểm soát đặc biệt.

Xếp hàng mua ngân hàng 0 đồng - Ảnh 3.

 

Ngược lại, đến giai đoạn này tình hình thanh khoản trên thị trường ngân hàng đã dịu lại, ổn định hơn, những băn khoăn về hệ thống ngân hàng cũng đã được xoa dịu, chứ không còn như trước kia. Do đó, có vẻ như đây là thời điểm phù hợp để “tân trang” cho đẹp hơn và rồi kiếm người mua chịu chi hơn. Mặc dù những thuận lợi hơn về phía thị trường đã có, nhưng việc đánh giá một tài sản của tổ chức tín dụng quả thật phức tạp đến nỗi đã qua 4 năm thông tin xử lý các ngân hàng 0 đồng vẫn còn hiếm hoi. J Trust là một gương mặt mới, được kỳ vọng sẽ tạo thương vụ tiền lệ trên thị trường ngân hàng.

Nhà đầu tư Nhật có tổng tài sản 657 tỉ yen này được giới thiệu có kinh nghiệm trong việc hỗ trợ các tổ chức tài chính đang gặp khó khăn, với hàng loạt dấu ấn thành công ở các ngân hàng yếu kém tại Hàn Quốc và Indonesia. Điển hình như thương vụ mua lại 99% cổ phần Ngân hàng Mutiara (Indonesia) vào năm 2014. Ở thời điểm cuối năm 2013, Mutiara có tổng tài sản 131 tỉ yen, nhưng lợi nhuận sau thuế lại âm đến 10 tỉ yen. Quy định của Indonesia khi đó nhà đầu tư ngoại chỉ được sở hữu tối đa 40% cổ phần, nhưng cuối cùng J Trust đã bỏ ra 40 tỉ yen để mua lại.

Xếp hàng mua ngân hàng 0 đồng - Ảnh 4.

Nói vậy để thấy được rằng các nhà đầu tư ngoại thật sự nghiêm túc trong cuộc chơi tìm kiếm tài sản “xấu” ở những quốc gia. Nhưng ở góc độ khác, các ngân hàng 0 đồng Việt có thực sự hấp dẫn hay không? Sau khi mua lại những ngân hàng yếu kém có khả năng gây đổ vỡ, cơ quan quản lý bắt đầu cử người của Vietcombank và VietinBank vào hỗ trợ, đổi tên, đổi nhận diện thương hiệu và bắt đầu nới dần các hoạt động kinh doanh để ngân hàng tự tìm đường sống sót.

Số liệu mới nhất mà CB cung cấp cho thấy, đến cuối năm 2018, huy động vốn từ thị trường 1 của Ngân hàng tăng hơn 3.000 tỉ đồng so với cùng kỳ, lên mức gần 29.000 tỉ đồng. Dư nợ tín dụng cũng tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ. Điều đáng chú ý là có hơn 5.000 tỉ đồng nợ xấu được thu hồi. Bản án mới đây cũng cho biết, CB có quyền thu hồi khoản nợ gần 40.000 tỉ đồng với các nhóm nợ lớn đã có phán quyết.

Những điểm tích cực ở các ngân hàng yếu kém trong giai đoạn này giúp tô điểm thêm nét hấp dẫn, nhưng hiện có quá nhiều “hàng” để mua bán trên thị trường, nên những tài sản xấu thực sự khó bán dù có lắm mối tìm hiểu. Chấp nhận mức giá thấp hơn thì theo kiểu “của đau con xót”, nên người trong nhà đành giữ lại để làm “của để dành”, chờ tái cấu trúc đẹp hơn rồi sau này bán có giá hơn. Đó là chưa bàn đến chất lượng tài sản và sự minh bạch thông tin từ phía ban quản trị.

Bên cạnh đó, quá trình thỏa thuận quá chậm chạp cũng là một trong những nguyên nhân thúc đẩy Nhà nước phải mua lại những ngân hàng này. Đây cũng được xem là điểm trừ trong công tác quản lý vốn nhà nước tại các ngân hàng hiện nay. Mới đây, để các ngân hàng trở nên hấp dẫn hơn, Chính phủ cũng chấp thuận cho các nhà đầu tư ngoại mua đến 100% cổ phần ở những đơn vị yếu kém.

Trên thực tế, để xử lý những trục trặc trong hệ thống ngân hàng Việt thời gian qua, các chuyên gia hầu như đều cho rằng chỉ có nguồn vốn thực đi vào mới giải quyết được vấn đề. Thế nhưng, trong bối cảnh nguồn tiền là hạn hữu, thì việc xử lý ngân hàng 0 đồng vốn khó chồng thêm khó khi nhiều ngân hàng khác cũng buộc phải tăng vốn đồng loạt.

Khát vốn trước cửa Basel II

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết sắp tới đây, Chính phủ rất hạn chế hoặc không cấp phép ngân hàng 100% vốn nước ngoài nhưng sẽ mở cửa cho nước ngoài mua ngân hàng Việt Nam. Đồng thời sẽ bán và chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém đã mua trước đó như OceanBank, CB và GPBank.

Xếp hàng mua ngân hàng 0 đồng - Ảnh 5.

Trước đó, trả lời trước cử tri về việc tăng vốn của 3 ngân hàng 0 đồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết phương án tăng vốn điều lệ là phương án nhanh nhất giúp 3 ngân hàng này phục hồi hoạt động, nhưng lại cần nguồn lực lớn từ Nhà nước nên chưa thể thực hiện khi ngân sách còn gặp nhiều khó khăn.

Chính vì thế, theo Thống đốc Lê Minh Hưng, Ngân hàng Nhà nước ưu tiên phương án bán cho nhà đầu tư mới hoặc sáp nhập, hợp nhất thông qua việc yêu cầu 3 ngân hàng này tìm kiếm đối tác có tài chính tốt, có kinh nghiệm quản trị, điều hành tham gia cơ cấu lại. Một cách để xử lý các tổ chức tín dụng trục trặc nữa là ghép với các ngân hàng lớn trong ngành. Điển hình như Vietcombank thì gánh CB, hay VietinBank gánh OceanBank. Mặc dù vậy, bản thân những ngân hàng lớn này chỉ có thể hỗ trợ một phần nào đó chứ khó có thể nhận sáp nhập về, bởi dù sao cũng là những ngân hàng đã niêm yết, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tài sản hiện có nếu nhận về những ngân hàng 0 đồng này.

Cũng không phải chỉ có các ngân hàng yếu kém mới gặp khó trong việc bán vốn với các nhà đầu tư ngoại. Điển hình như thương vụ Quỹ Đầu tư quốc gia của Singapore (GIC) thỏa thuận mua cổ phần Vietcombank từ năm 2016, nhưng mãi đến cuối năm 2018, ngân hàng này mới chỉ hoàn tất phát hành thêm để bán vốn được 3%, vẫn còn khoản 7% nữa chưa hoàn thành. BIDV tìm đối tác nước ngoài từ năm 2014, nhưng mãi gần đây, Ngân hàng mới xin cổ đông thông qua việc bán 15% cổ phần sau phát hành cho Keb Hana (Hàn Quốc). VietinBank dường như gặp khó sau nhiều kế hoạch không thành công, như sáp nhập với PG Bank. Ngân hàng này cũng đã hết “room” tỉ lệ sở hữu khối ngoại.

Xếp hàng mua ngân hàng 0 đồng - Ảnh 6.

Các quy định khắt khe trong việc bán vốn đã làm chậm chân các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia, trên thực tế dòng vốn ngoại vào ngân hàng không phải ít, nhưng vì giới hạn tỉ lệ sở hữu, không được tham gia điều hành nên ít có nhà đầu tư nào mặn mà. Với các ngân hàng quốc doanh, việc giảm tỉ lệ sở hữu nhà nước cũng được đề xuất nhiều lần trong vài năm trở lại đây. Theo Chiến lược Phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 8.2018, tỉ lệ sở hữu của Nhà nước thậm chí có thể giảm còn 51%.

Trên thực tế, ngân hàng có vốn nhà nước lại phải tuân thủ nhiều hơn các quy định quản lý so với các ngân hàng tư nhân, như quy định về giá bán tối thiểu, hay phân chia lợi nhuận. Nhiều năm qua, các ngân hàng lớn như BIDV hay VietinBank đã nhiều lần xin để lại cổ tức để tăng vốn, số tiền ít cũng phải lên đến cả ngàn tỉ đồng.

Tuy nhiên, không chỉ các ngân hàng 0 đồng khát vốn để tái cấu trúc, mà hầu như ngân hàng nào cũng phải tăng vốn để đáp ứng cho tiêu chí an toàn mới trong năm sau. Nhiều ngân hàng đưa ra kế hoạch tăng vốn trong các kỳ đại hội cổ đông trong 3 năm gần đây, nhưng có ngân hàng thực hiện được và cũng không thiếu ngân hàng phải ngậm ngùi.

Xếp hàng mua ngân hàng 0 đồng - Ảnh 7.

Theo tính toán của Fitch Ratings vào cuối quý III vừa qua, hệ thống ngân hàng Việt Nam cần tới 20 tỉ USD, tương đương 9% GDP để đáp ứng việc triển khai Basel II. Các ngân hàng có thể tăng vốn từ lợi nhuận để lại (lãi thực chứ không phải lợi nhuận sổ sách), phát hành thêm cổ phiếu cho nhà đầu tư nội hoặc nhà đầu tư ngoại. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, tình hình tăng vốn ở nhiều ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Ngược lại, dòng vốn ngoại dù mạnh mẽ và sẵn sàng nhảy vào bất kỳ lúc nào, nhưng cũng tỏ ra thận trọng trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn tái cơ cấu hệ thống.

Năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước đã trình Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, tạo hành lang pháp lý tốt hơn trong việc xử lý các khoản nợ xấu và các ngân hàng yếu kém. Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” được đưa ra với văn bản hướng dẫn các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu với hạn chót đến năm 2020. Đây cũng là thời điểm mà các ngân hàng phải kết thúc quá trình thí điểm Basel II (đã lùi lại so với trước kia).

Thị trường ngân hàng gần đây cũng đã có những thuận lợi hơn so với trước kia. Tỉ lệ nợ xấu đã giảm hằng năm kể từ mức đỉnh vào năm 2012, nhờ sự hỗ trợ của VAMC và những cải thiện về mặt quy định pháp lý, mang lại cơ hội cho các ngân hàng thu hồi tài sản từ nợ xấu. Chất lượng tài sản các ngân hàng cũng được cải thiện khi tình hình kinh tế vĩ mô lạc quan hơn trước và chính sách giảm cho vay những lĩnh vực nhiều rủi ro. Bất động sản ấm lên cũng là cơ hội để các ngân hàng xử lý những khoản nợ đa phần được đảm bảo bằng đất đai. Các chuyên gia nhận định, lĩnh vực ngân hàng đang được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, nếu sớm tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình bán vốn thì thị trường sẽ trở nên “ấm” hơn nhiều.

Dũng Nguyễn