|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

'Khó tìm nhà đầu tư tham gia vào tái cơ cấu ngân hàng yếu kém'

17:37 | 06/11/2023
Chia sẻ
Thống đốc cho biết việc tìm kiếm nhà đầu tư tham gia trên cơ sở tự nguyện rất khó khăn, việc xây dựng đề án tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém lại khó, phức tạp và chưa từng có tiền lệ.

Tiếp tục phiên chất vấn nằm trong chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã có những chia sẻ về khó khăn trong việc xử lý ngân hàng yếu kém. Theo đó, Thống đốc cho biết một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chậm trễ cho việc xử lý ngân hàng yếu kém (ngân hàng 0 đồng) là do việc tìm kiếm nhà đầu tư tham gia trên cơ sở tự nguyện rất khó khăn.

Thống đốc thẳng thắn chỉ ra, xây dựng đề án tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém là một việc rất khó. Ở điều kiện bình thường đã khó rồi mà trong điều kiện nền kinh tế chịu tác động của dịch COVID-19 cũng như các biến động của nền kinh tế trong thời gian qua thì việc thực hiện tái cơ cấu các NH yếu kém càng khó hơn.

Việc xây dựng đề án tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém khó, phức tạp và chưa từng có tiền lệ trong khi các cán bộ tham gia xây dựng đề án này lại không có nhiều kinh nghiệm.

"Việc tìm kiếm nhà đầu tư tham gia trên cơ sở tự nguyện rất khó khăn. Cơ chế chính sách, nguồn lực để hỗ trợ cho việc tái cơ cấu cần xin ý kiến của các cơ quan liên quan đến có sự thống nhất", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Thậm chí, NHNN cũng đánh giá những ngân hàng tham gia tích cực vào công tác tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng sẽ có những điểm cộng trong việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Theo bà, hiện quá trình tái cơ cấu ngân hàng yếu kém đã qua giai đoạn xin ý kiến của các cấp có thẩm quyền chủ trương và đang thực hiện các bước tiếp theo của kế hoạch. Ngân hàng Nhà nước sẽ hoàn thiện đề án chi tiết trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và sẽ thực hiện đúng theo phương án này.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Không chỉ các đại biểu Quốc hội mà Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng từng nêu thực trạng về việc chậm xử lý các ngân hàng yếu kém.

"10 năm qua vẫn chưa giải quyết được ngân hàng 0 đồng nào, thậm chí đã có chủ trương cơ cấu lại các ngân hàng 0 không đồng nhưng đến giờ, chúng ta cũng chưa xử lý dứt điểm được cái nào", Chủ tịch nước nói.

Hiện có 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt khác là Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank) và Ngân hàng Đông Á (DongABank), cấp có thẩm quyền đã phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc.

Ngoài 4 nhà băng này, từ tháng 10/2022, NHNN cũng đưa Ngân hàng Sài Gòn (SCB) vào diện kiểm soát đặc biệt sau khi nhiều chi nhánh, phòng giao dịch của nhà băng ghi nhận tình trạng người dân tới rút tiền đồng loạt. NHNN hiện đang tìm nhà đầu tư tham gia cơ cấu lại nhà băng này, để trình Chính phủ phê duyệt chủ trương.

Hạ An

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).