|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng: Đã có chủ trương cơ cấu lại ngân hàng 0 đồng nhưng đến giờ vẫn chưa xử lý dứt điểm

15:02 | 24/10/2023
Chia sẻ
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu thực trạng trong 10 năm qua vẫn chưa giải quyết được ngân hàng 0 đồng nào, thậm chí đã có chủ trương cơ cấu lại các ngân hàng 0 đồng nhưng đến giờ cũng chưa xử lý dứt điểm.

Sáng 24/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng chúng ta cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra và tiếp tục trở thành điểm sáng của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng nêu ra những hạn chế, khó khăn "còn rất nhiều, rất lớn" trong đó, nhiều công việc cần kíp nhưng khả năng giải quyết của các cơ quan Nhà nước chưa đáp ứng được.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Chủ tịch nước đặt câu hỏi: "Chúng ta đã tháo gỡ được dự án nào lớn hay chưa?" hoặc chuyện xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém: "10 năm qua vẫn chưa giải quyết được ngân hàng 0 đồng nào, thậm chí đã có chủ trương cơ cấu lại các ngân hàng 0 không đồng nhưng đến giờ, chúng ta cũng chưa xử lý dứt điểm được cái nào".

Chủ tịch nước cũng dẫn chứng thêm, Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội sau COVID-19 được kỳ vọng rất lớn, Quốc hội thảo luận "rất hào hứng, quyết tâm cao nhưng triển khai rất chậm". Hoặc đầu tư công chậm cho thấy: "Chúng ta tưởng chừng như cái khó là không có tiền để tiêu nhưng có tiền rồi chúng ta vẫn không tiêu được".

"Chúng ta có chủ trương nhiều, kỳ vọng rất lớn nhưng khả năng thì thực hiện chậm? Tại Quốc hội, có đại biểu cũng nói con đường dài nhất là con đường giữa nói và làm. Hoặc trong các kết luận của Đảng vẫn thường nói, tổ chức thực hiện vẫn là một khâu yếu", Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu.

Nguyên nhân tình trạng ì ạch trên, theo Chủ tịch nước trước hết là việc phân cấp, phân quyền đạt kết quả chưa cao, chưa rõ ràng, chưa khích lệ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hệ thống chính trị.

Tình trạng này khiến "cấp dưới phải hỏi cấp trên chuyện của chính mình" và mỗi lần hỏi sẽ: "Mất tối thiểu là 3 tháng, trung bình là 6 tháng và thậm chí có vấn đề mất 9 tháng để nhận được một văn bản trả lời là làm theo quy định của pháp luật".

Sớm khắc phục tình trạng doanh nghiệp phá sản tăng cao

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Tại buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đồng tình với các ý kiến phân tích về bối cảnh quốc tế và trong nước, kết quả đạt được, tồn tại hạn chế, bất cập, nguyên nhân của tồn tại hạn chế.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra cũng đánh giá toàn diện những tồn tại, hạn chế 9 tháng năm 2023, đó là 5/15 chỉ tiêu không đạt, thu ngân sách khó khăn, tăng trưởng không đạt mục tiêu tạo ra áp lực rất lớn cho giai đoạn sau, lạm phát ở mức cao.

Ba động lực của nền kinh tế là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng gặp nhiều khó khăn, giải ngân vốn đầu tư công có cải thiện nhưng chưa đạt kỳ vọng, giải ngân gói hỗ trợ theo Nghị quyết 43 chậm, một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ, số doanh nghiệp phá sản tăng cao.

Trước thực trạng này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị thời gian tới Chính phủ đánh giá làm rõ hơn Chiến lược tăng trưởng trong dài hạn, chiến lược phát triển năng lực nội sinh của nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, làm rõ định hướng dài hạn, bám sát mục tiêu phát triển bền vững, làm rõ số doanh nghiệp thực chất hoạt động và có giải pháp khắc phục tình trạng doanh nghiệp giải thể phá sản cao.

Trong những tháng cuối năm 2023 và năm 2024, Chính phủ tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt cân đối lớn của nền kinh tế, thực hiện chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt, có trọng tâm trọng điểm.

Tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh 3 động lực tăng trưởng, chủ động cập nhật kịch bản tăng trưởng, phấn đấu cả năm tăng trưởng GDP năm 2023 đạt trên 5%, lạm phát khoảng 3%. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra kiểm tra, giám sát đề cao trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức xử lý nghiêm vi phạm nếu có.

Cần tháo gỡ dứt điểm vấn đề của bất động sản, trái phiếu

Lo ngại tình hình kinh tế thế giới năm 2024 còn nhiều khó khăn Đại biểu Phan Đức Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình nhấn mạnh cần khơi thông mọi nguồn lực và tận dụng mọi cơ hội mà chúng ta đã và đang có ở ở trong nền kinh tế nước ta. 

Đại biểu cũng kiến nghị, cần tập trung tháo gỡ dứt điểm khó khăn vướng mắc một số điểm nghẽn liên quan đến thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; tháo gỡ các dự án còn dang dở. Đồng thời, cần quan tâm và phát huy hơn nữa vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế. Theo đó, cần sớm trình rà soát, sửa đổi bổ sung cơ chế hoạt động của doanh nghiệp nhà nước để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình thì cho rằng cần khắc phục tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm và ba Chương trình mục tiêu quốc gia.

Cũng như, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án, kiên quyết loại bỏ những dự án không cần thiết dàn trải kém hiệu quả. Tập trung tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại nhất là các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Ngoài ra, đại biểu cũng lưu ý, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt năm thứ ba liên tiếp, các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài… Đây là những hạn chế cần sớm được khắc phục và có giải pháp mang tính căn cơ, trọng điểm thực hiện trong thời gian tới.

Hạ An