|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Trang mới cho tái cơ cấu ngân hàng

06:33 | 28/10/2022
Chia sẻ
Các ngân hàng 0 đồng dường như đã dần tìm được bến đỗ mới, gánh nặng tái cơ cấu đang được san lên vai những cái tên lớn trên thị trường.

Ảnh minh hoạ: Alex Chu.

Hai trong số ba ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại với giá “0 đồng” đã tìm được phương án xử lý, thông tin được cho biết tại báo cáo Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của Chính phủ.

OceanBank đang có bước hợp tác chiến lược với Ngân hàng Quân đội (MB) trong khi CBBank nhiều khả năng sẽ được nhận chuyển giao về với Vietcombank. Phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém đều đã được thông qua tại đại hội đồng cổ đông thường niên của cả hai ngân hàng.

Có mặt tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2022 của OceanBank, ông Lưu Trung Thái, Tổng Giám đốc MB, cho biết việc hợp tác với OceanBank vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là cơ hội của MB.

Trong phương án nhận chuyển nhượng bắt buộc này, MB sẽ không phải bỏ tiền để mua lại và có ba phương án để xử lý sau đó. Một là sáp nhập vào MB, hai là IPO và ba là bán đứt đi như bán một khoản đầu tư của MB. "Trả lại thì không được nhưng chúng ta có quyền bán đi hoặc IPO tổ chức này", ông Lưu Trung Thái chia sẻ.

Còn tại phương án nhận chuyển giao bắt buộc của Vietcombank, TCTD được chuyển giao sẽ hoạt động dưới hình thức một pháp nhân độc lập là ngân hàng TNHH MTV do Vietcombank sở hữu 100% vốn điều lệ.

Phía Vietcombank cho biết sẽ không góp vốn vào TCTD trong thời gian TCTD này còn lỗ luỹ kế. Đồng thời, không chịu trách nhiệm về thanh khoản và các nghĩa vụ tài chính của TCTD trong thời gian thực hiện phương án chuyển giao. Báo cáo tài chính của TCTD cũng sẽ không thực hiện hợp nhất với Vietcombank.

Không riêng gì những cái tên trên, mới đây Hội đồng Quản trị của Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) cho hay đang xem xét phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng. 

Khác với việc không góp vốn trực tiếp của Vietcombank và MB, phương án của HDBank là sẽ góp vốn điều lệ không quá 9.000 tỷ đồng vào ngân hàng mục tiêu tại thời điểm chuyển giao bắt buộc.

Báo cáo mới đây của CTCP Chứng khoán SSI cho rằng dù thông tin về ngân hàng mục tiêu vẫn chưa được tiết lộ, nhưng việc HDBank dự kiến góp trước 9.000 tỷ đồng và tích cực huy động vốn trên thị trường vốn trong vài năm qua, cho thấy ngân hàng có thể đang đàm phán các điều khoản (lợi ích) tốt hơn của thương vụ này.

Một giả thiết được đặt ra là ngân hàng có khả năng nhận chuyển nhượng của HDBank có tình hình tài chính hoặc mạng lưới chi nhánh/tiền gửi khách hàng tốt hơn so với ba ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt còn lại.

Hay tại một ngân hàng “0 đồng” khác là GPBank, loạt thay đổi trong dàn nhân sự cấp cao cũng khiến cho thị trường kỳ vọng một sự “đổi thay” tại đây. Ông Phạm Huy Thông được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên GPBank và ông Hồ Hữu Minh làm Tổng Giám đốc ngân hàng. Hai gương mặt này đều từng là “người cũ” của VietinBank được điều động tiếp quản GPBank sau khi GPBank được NHNN mua lại vào tháng 7/2015.

Sự tự tin của những “ông lớn”

Mặc dù có nhiều dữ liệu để thị trường có thể phỏng đoán được những mảnh ghép còn thiếu trong các thương vụ chuyển giao bắt buộc, những thông tin được xem là công bố chính thức nhất vẫn chưa được đưa ra thị trường.

Tuy nhiên có thể nhận thấy được sự quyết tâm cao và tính toán kỹ lưỡng của các ngân hàng tham gia nhận chuyển nhượng bắt buộc. 

MB ước tính rằng thương vụ này sẽ tạo ra cơ hội để ngân hàng đạt được mức tăng trưởng cao về quy mô (tiếp nhận khoảng 401 điểm giao dịch), gấp 1,5 – 2 lần thị trường trong dài hạn, cải thiện thứ hạng cạnh tranh và có nhiều không gian tăng trưởng mới.

Phía Vietcombank cho hay đang triển khai tất cả những yếu tố cần thiết để thực hiện phương án chuyển giao. Chủ tịch HĐQT Phạm Quang Dũng cũng tự tin cho rằng trên cơ sở đánh giá tổng thể và những chính sách hỗ trợ đề ra, thời gian xử lý TCTD yếu kém có lẽ sẽ không quá 8 - 10 năm để có thể trở thành một tổ chức tài chính lành mạnh.

Tham gia phương án, Vietcombank kỳ vọng sẽ nhận được các chính sách hỗ trợ đặc biệt như không giới hạn tăng trưởng tín dụng hàng năm, được phép trả cổ tức bằng cổ phiếu từ toàn bộ lợi nhuận giữ lại,được ưu tiên cho vay vượt 15%/25% vốn tự có với khách hàng và nhóm khách hàng liên quan,... 

Nhận định về thời điểm tái cấu trúc hiện tại, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng Khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng đây là thời điểm phù hợp để thực hiện các phương án chuyển giao khi nền kinh tế đang tăng trưởng cao, các yếu tố vĩ mô ổn định và Việt Nam đang có đủ các công cụ để kiểm soát rủi ro.

“Về cơ bản, thời điểm khó khăn nhất của hệ thống ngân hàng đã qua đi và hiện nay hệ thống đang rất khoẻ”, ông Minh nhận định.

Hiện nay, ngân hàng đã được củng cố mạnh về vốn, áp dụng chuẩn Basel II, thậm chí nhiều ngân hàng đang chuẩn bị cho Basel III. Đó là điều kiện cần để chặng đường tái cấu trúc hệ thống có thể thành công.

Trích Đặc san "Người Tiên Phong" - Số tháng 10/2022 - Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam

Phương Nga