|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xem xét tính khả thi của dự án tổ hợp lọc hóa dầu và kho dự trữ dầu quốc gia quy mô 19 tỷ USD

07:40 | 03/03/2023
Chia sẻ
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phối hợp, tiếp thu ý kiến các bộ, cơ quan để đánh giá về tính khả thi của dự án tại Khu công nghiệp dầu khí Long Sơn.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa có ý kiến chỉ đạo Bộ Công Thương về việc đầu tư Tổ hợp Lọc hóa dầu và Kho dự trữ quốc gia dầu thô, sản phẩm xăng dầu quy mô 19 tỷ USD tại Khu công nghiệp dầu khí Long Sơn, theo báo Công Thương.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu các nội dung liên quan đến Dự án trong quá trình hoàn thiện, trình phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia; Quy hoạch tổng thể về hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng, dầu, khí đốt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch liên quan theo đúng quy định của pháp luật.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) phối hợp, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các bộ, cơ quan để đánh giá cụ thể về tính khả thi, hiệu quả của Dự án theo quy định của pháp luật.

Trước đó vào khoảng tháng 8/2022, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đề xuất Chính phủ đầu tư Tổ hợp lọc hóa dầu và Kho dự trữ quốc gia dầu thô, sản phẩm xăng dầu tại KCN dầu khí Long Sơn, xã Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Tổ hợp có quy mô 19 tỷ USD cho cả 2 giai đoạn, được chia làm 2 phần là Dự án Lọc hóa dầu và Dự án kho dự trữ quốc gia dầu thô, sản phẩm xăng dầu.

Trong đó, dự án lọc hóa dầu giai đoạn 1 với công suất 12 - 13 triệu tấn dầu thô/năm; 0,66 triệu tấn condensate, LPG và Ethane mỗi năm. Sản phẩm của nhà máy sẽ là 7 - 9 triệu tấn xăng dầu và 2 - 3 triệu tấn hóa dầu/năm.

Giai đoạn 2 của dự án lọc hóa dầu sẽ đầu tư bổ sung, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng sản phẩm hóa dầu lên thêm 3 - 5 triệu tấn xăng dầu và 5,5 - 7,5 triệu tấn hóa dầu/năm. Còn dự án kho dự trữ quốc gia dầu thô, sản phẩm xăng dầu sẽ có quy mô 1 triệu tấn dầu thô và 500.000 m3 sản phẩm xăng dầu/năm.

Petrovietnam cũng dự kiến thời điểm đủ điều kiện hồ sơ để đề nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư là tháng 1/2023. Tiếp đó là lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ tháng 6 - 12/2023 và tới quý I/2024 sẽ có phê duyệt quyết định đầu tư. Sau đó sẽ tiến hành lựa chọn nhà thầu EPC và xây dựng trong thời gian từ tháng 1/2024 đến tháng 12/2027.

Theo Petrovietnam, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của thị trường trong nước năm 2020 là 18 triệu tấn và sẽ đạt khoảng 25 triệu tấn vào năm 2025 rồi lên tới 33 triệu tấn vào năm 2030 và tiếp tục tăng trong thời gian tiếp theo. 

Trong khi đó, nguồn cung xăng dầu trong nước hiện tại khoảng 12,2 triệu tấn. Như vậy, khả năng sản xuất trong nước hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 70% cho nhu cầu sản phẩm xăng dầu ở thời điểm hiện nay và giảm xuống chỉ còn 40% vào năm 2030 và 20% vào năm 2045. Bên cạnh đó, dự trữ xăng dầu trong nước hiện nay mới đáp ứng được chưa tới 10 ngày tiêu dùng nên phụ thuộc vào sự ổn định sản xuất và cung cấp xăng dầu từ nguồn nhập khẩu.

Đối với hóa dầu, năm 2020, mức tiêu thụ sản phẩm hóa dầu chính và phổ biến trong nước là 9,2 triệu tấn, dự báo sẽ tăng lên 11,9 triệu tấn vào năm 2025 và tới năm 2045 là 32,9 triệu tấn.

Như vậy, năng lực sản xuất các sản phẩm xăng dầu của Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với nhu cầu tiêu thụ; hàng năm, Việt Nam vẫn phải chi hàng tỷ USD để nhập khẩu các sản phẩm lọc hóa dầu, phục vụ nhu cầu trong nước. Petrovietnam cho rằng việc xây dựng Tổ hợp Lọc hóa dầu và Kho dự trữ dầu thô, sản phẩm xăng dầu tiếp theo của Việt Nam tại khu vực miền Nam là hợp lý và tối ưu.

Hoàng Anh