Giá xăng giảm đợt thứ hai liên tiếp
Chiều 1/3, Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều hành giá xăng dầu. Theo đó, sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng quỹ Bình ổn, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:
Xăng/dầu |
Thay đổi |
Giá không cao hơn |
Xăng RON95-III |
- 118 đồng/lít |
23.325 đồng/lít |
Xăng E5RON92 |
- 121 đồng/lít |
22.421 đồng/lít |
Dầu diesel 0.05S |
- 551 đồng/lít |
20.255 đồng/lít |
Dầu hỏa |
- 372 đồng/lít |
20.474 đồng/lít |
Dầu mazut 180CST 3.5S |
+ 304 đồng/kg |
14.555 đồng/kg |
Mức giá này có hiệu lực từ 15h00 ngày 1/3/2023. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, giá xăng đã có 7 đợt điều chỉnh, trong đó có 4 đợt tăng, hai đợt giảm và một lần giữ nguyên.
Ở kỳ điều hành lần này, Liên Bộ Công Thương - Tài chính thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) đối với mặt hàng như sau:
TRÍCH LẬP QUỸ BOG |
||
Xăng/dầu |
Kỳ trước (21/2) |
Kỳ này (1/3) |
Xăng E5RON92 |
0 đồng/lít |
250 đồng/lít |
Xăng RON95-III |
0 đồng/lít |
200 đồng/lít |
Dầu diesel 0.05S |
600 đồng/lít |
500 đồng/lít |
Dầu hỏa |
200 đồng/lít |
300 đồng/lít |
Dầu mazut 180CST 3.5S |
0 đồng/kg |
0 đồng/kg |
Tại phiên giải trình trước Ủy ban Kinh tế Quốc hội về tình hình về thị trường xăng dầu ngày 28/2, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết Bộ đã xây dựng phương án nâng mức dự trữ quốc gia về xăng dầu, 4 lần trình Thủ tướng phê duyệt.
Trong phương án trình lần thứ 4, Bộ Công Thương đề xuất từ năm 2023 - 2025, nâng mức dự trữ xăng dầu quốc gia từ 9 ngày nhập ròng hiện nay lên 15 ngày và trong giai đoạn 2026-2030 tiếp tục nâng lên 30 ngày nhập ròng.
Để thực hiện phương án này, ngân sách nhà nước cần bố trí tối thiểu 4.100 tỷ đồng/năm để mua xăng dầu dự trữ. Tuy nhiên theo báo cáo của Bộ Tài chính, mức kinh phí trên vượt quá khả năng cân đối ngân sách nhà nước, hiện ngân sách mới bố trí được khoảng 1.500 tỷ đồng/năm để mua hàng cho toàn ngành dự trữ quốc gia.
Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã họp, rà soát và thống nhất tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cho nâng dần mức dự trữ xăng dầu quốc gia theo khả năng cân đối của ngân sách nhà nước hàng năm và phù hợp với khả năng cho thuê kho dự trữ bảo quản của các doanh nghiệp.
Trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép thì mỗi năm ngân sách nhà nước sẽ bố trí mua tăng thêm 1.000 - 2.000 tỷ đồng (tương đương 1-2 ngày nhập ròng) để nâng Tổng mức xăng dầu dự trữ quốc gia đến năm 2025 đạt mức tối đa.
“Việc thực hiện nhiệm vụ này đang gặp nhiều khó khăn do hiện nay Nhà nước chưa có kho dự trữ quốc gia xăng dầu nên phải đi thuê của các doanh nghiệp, trong khi định mức phí bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia hiện rất thấp, không phù hợp với thực tế.
Bộ đã tổ chức đấu thầu, lựa chọn doanh nghiệp bảo quản riêng xăng dầu dự trữ quốc gia nhưng không có đơn vị tham gia”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.
Giải pháp trước mắt, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tiếp tục ký hợp đồng với các doanh nghiệp như trước đây để bảo quản xăng dầu dự trữ xăng dầu chung với hàng kinh doanh của doanh nghiệp.
Đối với mức phí trả cho doanh nghiệp bảo quản, Bộ Công Thương đề xuất tạm thời tiếp tục áp dụng mức phí tại Quyết định số 65 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đồng thời đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành Quy chuẩn kỹ thuật về xăng dầu dự trữ quốc gia để làm căn cứ cho Bộ Công Thương xây dựng lại định mức phí bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia, phù hợp với thực tế, sau đó sẽ gửi Bộ Tài chính thẩm định, ban hành để tổ chức lựa chọn đơn vị bảo quản riêng.
Bộ Công Thương cho rằng cần tiếp tục đánh giá ưu điểm, nhược điểm của từng phương thức bảo quản (để chung hoặc để riêng) và xây dựng mức phí bảo quản theo từng phương thức để so sánh, từ đó kiến nghị Chính phủ quyết định phương án bảo quản phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước và doanh nghiệp.