|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xem xét khả năng ngừng nhập thịt từ Brazil

14:04 | 22/03/2017
Chia sẻ
Trước vụ bê bối thịt bẩn tại Brazil, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xem xét khả năng tạm dừng nhập khẩu thịt từ quốc gia này, mặc dù lượng nhập khẩu các sản phẩm thịt từ Brazil vào Việt Nam mỗi năm chiếm tỷ lệ thấp.
xem xet kha nang ngung nhap thit tu brazil
Người tiêu dùng mua sản phẩm bò nhập khẩu tại một siêu thị ở TPHCM - Ảnh: TL

Theo văn bản trả lời báo chí của Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) ngày 22-3, từ đầu năm 2017 đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 3.000 tấn thịt và sản phẩm thịt từ Brazil. Như vậy, lượng thịt nhập khẩu từ nước này vào Việt Nam là rất nhỏ so với tổng số gần 6 triệu tấn thịt từ Brazil xuất khẩu hằng năm tới các nước trên thế giới.

Tất cả các lô hàng thịt nhập khẩu từ Brazil vào Việt Nam đều được lưu giữ tại khu vực cảng nhập, sau đó các cơ quan thú y cửa khẩu tổ chức kiểm soát, lấy mẫu xét nghiệm lô hàng. Nếu kết quả xét nghiệm bảo đảm an toàn thực phẩm thì được phép nhập khẩu.

Bên cạnh đó, theo Thông tư số 25 ngày 08/4/2010 của Bộ NNPTNT, các nhà máy sản xuất thịt của Brazil phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thẩm định, kiểm tra, đánh giá từng cơ sở giết mổ và chế biến thịt. Nếu đạt yêu cầu thì mới được đưa vào danh sách các nhà máy được phép xuất khẩu vào Việt Nam.

Theo Cục Thú y, sau khi có thông tin về việc phát hiện một số nhà máy sản xuất thịt của Brazil sử dụng chất có nguy cơ mất an toàn thực phẩm, Cục Thú y đã ban hành công văn chỉ đạo các đơn vị liên quan, nhất là các cơ quan thú y cửa khẩu tổ chức kiểm soát chặt chẽ thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu từ Brazil vào Việt Nam. Nếu phát hiện sản phẩm của nhà máy giết mổ, chế biến thịt JBS và BRF của Brazil thì tạm dừng kiểm dịch nhập khẩu.

Bên cạnh đó, hiện tại đã có một số nước đã hạn chế hoặc tạm dừng nhập khẩu thịt từ một số nhà máy giết mổ, chế biến thịt từ Brazil như Hàn Quốc, EU, Chile… Do đó, Cục Thú y đang đề nghị Bộ NNPTNT xem xét tạm ngừng nhập khẩu thịt từ Brazil có nguồn gốc từ các nhà máy có nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Ngành thịt Brazil điêu đứng

Theo trang Agrimoney, cổ phiếu của các doanh nghiệp chế biến thịt Brazil giảm mạnh sau khi Trung Quốc, nhà nhập khẩu thịt chính của Brazil, tham gia vào làn sóng đóng cửa và hạn chế nhập khẩu thịt từ Brazil.

Các lệnh hạn chế thương mại này được đưa ra sau khi cảnh sát Brazil hoàn tất cuộc điều tra có tên gọi “Operation Weak Flesh” bằng việc thâm nhập vào các nhà máy chế biến thịt của Brazil để điều tra cáo buộc các quan chức đã nhận hối lộ để làm ngơ trước hoạt động chế biến thịt thối.

Trung Quốc, nước nhập khẩu tới 30% thịt bò của Brazil trong tổng số 580.000 tấn thịt bò mà nước này nhập khẩu trong năm 2016, đã tạm thời cấm nhập khẩu thịt bò từ Brazil. Trong khi đó, đã có tin đồn rằng Trung quốc sẽ tiếp tục hạn chế nhập khẩu thịt gà từ quốc gia này nhưng thông tin vẫn chưa được xác minh.

Hàn Quốc, nơi nhập khẩu 80% lượng thịt gà từ Brazil trong tổng số gần 110.000 tấn nhập khẩu năm 2016, cho biết sẽ cấm bán các sản phẩm thịt gà do BRF, nhà cung cấp lớn nhất từ Brazil và thắt chặt thương mại các mặt hàng thịt đến từ quốc gia Nam Mỹ này.

Ủy ban châu Âu cũng cho biết sẽ giám sát hoạt động nhập khẩu thịt từ Brazil, cho biết thêm khối này sẽ đảm bảo bất kỳ lô hàng nào có dấu hiệu gian lận sẽ bị giữ lại. Chile cũng đã cấm nhập khẩu thịt bò từ quốc gia này.

Vụ bê bối này là một cú đánh mạnh vào ngành chế biến thịt Brazil, vốn đã dành hàng thập kỷ xây dựng uy tín và trở thành nhà cung cấp thịt hàng đầu thế giới, với cột mốc JBS thâu tóm Tyson Foods có trụ sở tại Mỹ để trở thành nhà chế biến thịt số một toàn cầu.

Trong tuần vừa qua, Tổng thống Brazil, ông Michel Temer đã gặp gỡ các lãnh đạo ngành thịt và các đại diện từ các nước đối tác trong một nỗ lực giải cứu ngành thịt, cho biết chính phủ sẽ nỗ lực cứu vớt lòng tin về chất lượng sản phẩm thịt quốc gia, vốn đã có uy tín đối với người tiêu dùng và được nhiều thị trường phát triển nhất chấp nhận.

Tuy nhiên, Tobin Gorey chuyên gia hàng hóa tại Commonwealth Bank của Úc, cho rằng các báo cáo về thịt ngâm hóa chất và thịt thối được bán trên cả thị trường nội địa và xuất khẩu là cơn ác mộng đối với hoạt động truyền thông. “Vụ bê bối này có thể gây ra thiệt hại uy tín sâu rộng và lâu dài đối với nước xuất khẩu thịt bò và thịt gia cầm lớn nhất thế giới này... Rõ ràng, ngành thịt Brazil có giá trị lên tới 12 tỉ đô la Mỹ xuất khẩu đang rơi vào một giai đoạn không chắc chắn”.

Hiện tại, Brazil xuất khẩu thịt gia súc, gia cầm tới 150 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2016, Brazil là nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu thịt bò với sản lượng khoảng 1,8 triệu tấn, đồng thời cũng là nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu thịt gà với sản lượng xuất khẩu trên 4 triệu tấn. Thị trường xuất khẩu thịt từ Brazil sang các nước chủ yếu là các nước châu Âu, Liên bang Nga, Nhật Bản, Hồng Kông, Trung Quốc, Singapore...

Thịt nhập từ Brazil chủ yếu bán vào nhà hàng, quán ăn

Đại diện một số công ty chuyên nhập khẩu tại TPHCM cho biết, các sản phẩm thịt bò, thịt heo và thịt gà nhập khẩu từ Brazil chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn.

Trao đổi qua điện thoại, ông C., nhân viên kinh doanh của một công ty chuyên nhập khẩu thịt có văn phòng tại quận Bình Thạnh, cho biết hiện tại công ty đang cung ứng bắp bò, vai heo và đùi heo có nguồn gốc từ Brazil. Giá bắp bò là 220.000 đồng/kg, vai heo 110.000 đồng/kg và đùi là 120.000 đồng/kg.

Ông C. cho biết các sản phẩm trên đa phần được bán cho các nhà hàng, quán ăn và một số siêu thị. Ngoài ra, sản phẩm này cũng được cung cấp sỉ cho các đầu mối, sau đó thịt đem đi tiêu thụ ở đâu thì ông không rõ. Mỗi tháng, số lượng thịt các loại công ty này cung ứng khoảng hai container, mỗi container khoảng 20 tấn.

Một đại diện của một công ty ở quận Tân Phú cũng cho biết, trước đây công ty thường xuyên nhập thịt heo từ Brazil, sau đó ngưng vì nhu cầu thị trường không nhiều. Hiện nay, công ty vẫn nhập và cung ứng ra thị trường bắp bò và cánh gà. Vị này cho biết thêm, các nhà hàng tầm trung, quán ăn cao cấp rất ưa chuộng bắp bò và cánh gà Brazil, một phần là vì giá cả. Một ký bắp bò Brazil có giá rẻ hơn nhiều so với bắp bò Mỹ.

Đại diện một số hệ thống siêu thị và cửa hàng thực phẩm tiện lợi như Big C, Lotte Mart, Co.opmart, Satrafoods cho biết họ không cung cấp các sản phẩm thịt từ Brazil, mà chủ yếu là thịt nhập từ Mỹ, Úc.

Vũ Yến

Thùy Dung

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.