|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Đề nghị làm rõ đề xuất xây biệt thự ven hồ Than Thở, Đà Lạt

13:39 | 22/11/2024
Chia sẻ
Bộ Xây dựng vừa đề nghị tỉnh Lâm Đồng làm rõ đề xuất xây biệt thự nghỉ dưỡng bên hồ Than Thở, TP Đà Lạt để bán, cho thuê.

Đề nghị trên được Bộ Xây dựng nêu trong văn bản nêu ý kiến gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hồ sơ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Nâng cấp, phục hồi cảnh quan khu du lịch hồ Than Thở, phường 12, TP Đà Lạt.

Trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về đề nghị chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này. Dự án do Công ty TNHH Thùy Dương làm chủ đầu tư. Được thành lập từ năm 1994, doanh nghiệp này có ngành nghề chính là đại lý du lịch, kinh doanh bất động sản.

Dự án Nâng cấp, phục hồi cảnh quan khu du lịch hồ Than Thở có quy mô 118 ha, trong đó gần 32 ha là khu vực bảo vệ di tích, còn lại là khu vực nâng cấp, tôn tạo và khai thác. Tổng vốn đầu tư gần 30 tỷ đồng, tiến độ triển khai trong 3 năm. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ trở thành một khu vực du lịch tầm quốc tế và khu vực, đầu tư khu đô thị nghỉ dưỡng, tham quan giải trí và tổ hợp khách sạn 5 sao.

Theo hồ sơ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, công ty Thuỳ Dương đề xuất tăng vốn đầu tư lên hơn 4.500 tỷ đồng, kéo dài thời gian thực hiện dự án, tiến độ thực hiện dự án được đề xuất tách thành hai giai đoạn (từ 2024 đến 2027). Doanh nghiệp cũng đề nghị bổ sung đầu tư khu đô thị nghỉ dưỡng, tham quan giải trí và tổ hợp khách sạn.

Trong văn bản nêu ý kiến gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng cho rằng dự án có mục tiêu nâng cấp, phục hồi cảnh quan hồ nhưng lại lồng ghép xây dựng biệt thự nghỉ dưỡng, khu liền kề nghỉ dưỡng, khách sạn.

Bởi theo giấy chứng nhận đầu tư năm 2010, khu vực quy hoạch dự án khoảng 118 ha không bao gồm việc xây dựng các công trình trên đất đô thị hỗn hợp, dịch vụ, đất lưu trú và nghỉ dưỡng (công trình nghỉ dưỡng thấp tầng, khách sạn...).

Hiện nay, trong 118 ha đất thuộc dự án có khoảng 39 ha đã có quy hoạch chi tiết 1/500 được UBND TP Đà Lạt phê duyệt cũng không quy hoạch các công trình trên đất đô thị hỗn hợp, dịch vụ, đất lưu trú và nghỉ dưỡng... Với phần diện tích còn lại (ngoài 39 ha) không có thông tin về quy hoạch chi tiết được phê duyệt.

Bộ cho biết "chưa đủ cơ sở đánh giá" mức độ phù hợp của việc điều chỉnh mục tiêu, quy mô dự án, trong đó có việc bổ sung xây dựng các công trình đất đô thị hỗn hợp, dịch vụ, đất lưu trú và nghỉ dưỡng gồm nhà thấp tầng và khách sạn, so với mục tiêu, định hướng phát triển đô thị tại khu vực.

Cơ quan này cũng đề nghị làm rõ cơ cấu, số lượng sản phẩm, xác định phương án, hình thức kinh doanh đối với các công trình nghỉ dưỡng thấp tầng, khách sạn kinh doanh du lịch hoặc để bán, cho thuê.

Một góc hồ Than Thở nhìn từ trên cao. Ảnh: Quỳnh Trần

Liên quan đề xuất nâng tổng mức đầu tư dự án từ gần 30 tỷ đồng lên hơn 4.500 tỷ đồng, Bộ đề nghị rà soát hồ sơ đề xuất điều chỉnh dự án để đảm bảo chủ đầu tư có đủ vốn chủ sở hữu. Bởi theo quy định, nhà đầu tư phải có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư với dự án có quy mô từ 20 ha trở lên. Theo báo cáo tài chính của công ty Thuỳ Dương, hiện vốn chủ sở hữu tại ngày 30/4/2024 đạt gần 689 tỷ đồng.

Công ty Thuỳ Dương được yêu cầu bổ sung tài liệu khảo sát hiện trạng để có cơ sở đánh giá sự cần thiết với việc nâng cấp, phục hồi cảnh quan khu du lịch hồ Than Thở tại khu vực 1 và 2, đồng thời cần làm rõ hạng mục công trình đầu tư xây dựng mới và hạng mục xây dựng tu bổ, tôn tạo.

Bộ cũng nêu việc đầu tư xây dựng các hạng mục công trình thuộc giai đoạn 2 (hơn 22 ha đất cho lưu trú, nghỉ dưỡng) cần có văn bản ý kiến chấp thuận của chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Luật Di sản văn hóa.

Hồ Than Thở nằm giữa khu rừng thông hoang sơ, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 6 km về phía Đông, theo trục đường Quang Trung - Hồ Xuân Hương. Trước kia, khu vực này có một cái ao gọi là Tơ Nô Pang Đòng.

Vào năm 1917, người Pháp đắp đập, xây dựng hồ chứa nước rộng 8,5 ha, cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đà Lạt, tạo thành hồ như hiện nay. Từ năm 1997, khu vực hồ và rừng thông bao quanh được xây dựng thành khu du lịch, thu hút nhiều du khách khi đến Đà Lạt.

Ngọc Diễm

Hà Nội lập kỷ lục thu ngân sách Nhà nước vượt 500.000 tỷ đồng
Mặc dù GRDP tăng thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, song trong năm 2024, một số chỉ tiêu kinh tế của Hà Nội vẫn giữ đà tăng trưởng tốt, đặc biệt tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn lần đầu tiên vượt ngưỡng 500.000 tỷ đồng và tăng 24,7% so với dự toán.