Xe điện Trung Quốc - 'nỗi ám ảnh' cho các nhà sản xuất truyền thống
Theo một báo cáo mới được công bố bởi công ty tư vấn AlixPartners, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc được dự đoán sẽ tiếp tục mở rộng nhanh chóng ra nước ngài, chiếm 33% thị phần ô tô toàn cầu vào năm 2030.
Phần lớn sự tăng trưởng được kỳ vọng sẽ đến từ thị trường bên ngoài Trung Quốc. Doanh số bán xe bên ngoài Trung Quốc dự kiến sẽ tăng từ ba triệu chiếc trong năm nay lên 9 triệu chiếc vào năm 2030, chiếm từ 3% lên 13% thị phần vào cuối thập kỷ này.
Sự mở rộng nhanh chóng của các doanh nghiệp Trung Quốc đang là mối lo ngại ngày càng tăng đối với các nhà sản xuất ô tô truyền thống. Nhiều lo ngại cho rằng những chiếc xe sản xuất tại Trung Quốc, vốn có giá thành thấp hơn, sẽ tràn ngập thị trường, cạnh tranh với các mẫu xe sản xuất nội địa của các quốc gia, đặc biệt là xe thuần điện.
AlixPartners dự đoán rằng các thương hiệu Trung Quốc sẽ phát triển trên tất cả các thị trường toàn cầu, tuy nhiên, công ty này cho rằng quy mô mở rộng sẽ thấp hơn tại Nhật Bản và Bắc Mỹ, bao gồm cả Mỹ - nơi có các tiêu chuẩn an toàn ô tô nghiêm ngặt và mức thuế 100% đối với xe điện nhập khẩu Trung Quốc vừa được áp dụng.
"Trung Quốc có khả năng tạo ra những chiếc xe đáng mua với tốc độ ra thị trường nhanh hơn, giá rẻ hơn, công nghệ và thiết kế tiên tiến hơn, và hiệu quả hơn trong việc sản xuất", ông Mark Wakefield, Đồng lãnh đạo toàn cầu của bộ phận ô tô và công nghiệp tại AlixPartners, nói.
Tốc độ tăng trưởng thị phần của xe hơi Trung Quốc theo dự báo của Alix Partners. (Đồ hoạ: Thành Vũ).
Tại Bắc Mỹ, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc được dự đoán chỉ đạt được 3% thị phần, chủ yếu tại Mexico. Ở hầu hết các khu vực lớn khác trên thế giới, thị phần của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Những thị trường này bao gồm Trung và Nam Mỹ, Đông Nam Á, Trung Đông và châu Phi.
Tại Trung Quốc, các thương hiệu nội địa cũng được dự đoán sẽ tăng thị phần từ 59% lên 72%. Các nhà sản xuất ô tô truyền thống như General Motors đã mất đi vị thế đáng kể trong những năm gần đây. Tại châu Âu, thị phần của các thương hiệu ô tô Trung Quốc được dự đoán sẽ tăng gấp đôi từ 6% lên 12% vào năm 2030.
Doanh nghiệp Trung Quốc đang mở rộng vì họ có lợi thế về chi phí, chiến lược sản xuất địa phương hóa giúp họ có thể thực hiện chiến lược "sản xuất tại nơi bán" ở các thị trường ngoài Trung Quốc.
"Bất kỳ nhà sản xuất ô tô nào tiếp tục kinh doanh theo lối cũ sẽ buộc phải thức tỉnh và họ đang đối mặt với nguy cơ bị lỗi thời," Andrew Bergbaum, Đồng lãnh đạo toàn cầu của bộ phận ô tô và công nghiệp tại AlixPartners, cho biết.
Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc tạo ra sản phẩm mới trong thời gian bằng một nửa so với các nhà sản xuất ô tô truyền thống, chỉ 20 tháng so với thời gian là 40 tháng. Họ tập trung thiết kế và thử nghiệm đủ để đáp ứng các tiêu chuẩn thay vì thiết kế quá chi tiết.
Thương hiệu Trung Quốc cũng có lợi thế chi phí "Made-in-China" lên tới 35%. Theo các nhà quan sát, để các nhà sản xuất truyền thống cạnh tranh với ô tô Trung Quốc, họ cần phải suy nghĩ lại về quy trình phát triển kinh doanh và tốc độ phát triển xe của mình.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/