|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Xây nhà máy gần 4.000 m2 để 'đãi' vàng từ đồ điện tử cũ

10:36 | 12/08/2024
Chia sẻ
Royal Mint (Anh) mở nhà máy rộng 3.716 m2 với mục tiêu thu hồi vàng từ linh kiện điện tử cũ, dự kiến tạo ra nửa tấn vàng mỗi năm.

Có tên Precious Metals Recovery và đặt tại South Wales, cơ sở mới đã bắt đầu vận hành từ đầu tháng này. Royal Mint là nhà sản xuất tiền xu chính thức của Anh có tuổi đời nghìn năm.

Theo thông báo, nhà máy Precious Metals Recovery sẽ sử dụng công nghệ hóa học được phát triển bởi công ty Excir của Canada. Công nghệ cho phép thu hồi vàng chất lượng cao 999.9 từ các bo mạch chủ trong điện thoại, TV, laptop và các đồ điện tử có linh kiện chứa vàng khác.

Một số miếng vàng được đặt trên một bo mạch điện tử. Ảnh: Cohen Recycling

Các công ty công nghệ lớn hiện có hệ thống thu hồi kim loại quý từ bo mạch chủ, nhưng đây là lần đầu tiên một công ty chuyên về sản xuất tiền tham gia lĩnh vực này. Dell có chương trình tái chế rác thải điện tử riêng, hiện đã đạt mục tiêu tái chế 907 triệu kg rác thải điện tử từ năm 2018. Apple cũng triển khai quy trình thu hồi thiếc, nhôm và vật liệu khác để sử dụng trong sản xuất các sản phẩm mới của mình.

Royal Mint cho biết quá trình lấy vàng trên bo mạch điện tử bằng công nghệ của Excir chỉ mất vài phút, đồng thời đạt hiệu quả hơn về năng lượng và chi phí so với các phương pháp khai thác vàng truyền thống. Nhà máy rộng 4.000 m2 này có khả năng xử lý 3.991 tấn bo mạch chủ mỗi năm và tạo ra nửa tấn vàng. Với giá hiện tại, số vàng trên trị giá khoảng 34 triệu USD.

Theo Tom's Harware, hiện nay, nguồn "nguyên liệu" để phục vụ quá trình tìm vàng kể trên không quá khó. Theo số liệu công bố năm 2022 của Liên Hợp Quốc, thế giới đã thải ra một lượng rác thải điện tử khổng lồ, tới 68 triệu tấn chỉ riêng năm này.

Royal Mint sẽ sử dụng vàng thu hồi để sản xuất các mặt hàng trang sức sang trọng và đã bắt đầu làm điều này trên dòng sản phẩm mới 886, như dây chuyền, vòng tay, mặt dây chuyền, bông tai, nhẫn... với giá từ 350 đến 140.000 USD. Các vật liệu khác như nhôm, đồng, thiếc và thép thu được trong quá trình tái chế sẽ được ứng dụng vào các lĩnh vực khác.

Theo Anne Jessopp, CEO của Royal Mint, công ty không chỉ tái chế vàng mà còn tạo ra hàng trăm việc làm mới. "Doanh nghiệp lâu đời nhất ở Anh đang không chỉ bảo tồn các kim loại quý vốn có hạn cho các thế hệ tương lai, mà còn bảo tồn nghề thủ công tinh xảo, tạo ra việc làm mới", Jessopp viết trên blog công ty. "Chúng tôi có những kế hoạch tham vọng và nó sẽ giúp Royal Mint tiếp tục phát triển ít nhất thêm nghìn năm nữa".

Bảo Lâm