Xây dựng chiến lược công ty: Thuê tư vấn có đảm bảo thành công?
Chuyên gia Thái Quốc Minh, Thành viên HĐQT Ngân hàng SHB |
Chương trình CEO - Chìa khoá thành công số 41 với chủ đề "Doanh nghiệp gia đình – Chiến lược tự xây hay đi thuê" trên VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam đã đặt ra tình huống của một doanh nghiệp gia đình Việt đã từng kinh doanh rất thành công trong lĩnh vực bất động sản ở giai đoạn đầu của kinh tế thị trường.
Sau giai đoạn phát triển nóng, hiện nay, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng bết bát, thua lỗ nặng, mất nhiều hơn được.
Ông Phan Hữu Lộc, Giám đốc Công ty TNHH Đào tạo Nhân lực Việt trong vai trò CEO |
Trước tình hình đó, CEO của công ty này đã đề xuất nhất thiết phải thuê đối tác tư vấn chuyên nghiêp và uy tín, có kinh nghiệm để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng một chiến lược phát triển bài bản.
Tuy nhiên, HĐQT lại phản đối vì cho rằng, không nên thuê tư vấn bởi như vậy sẽ rất tốn kém cả về tài chính lẫn thời gian. Các chuyên gia bên ngoài sẽ không thể hiểu được hết nội tình và các khía cạnh nội bộ của doanh nghiệp.
Nhận định về vấn đề này, tại Chương trình Chìa khoá thành công số 42 tiếp tục chủ đề "Doanh nghiệp gia đình – Chiến lược tự xây hay đi thuê", chuyên gia Thái Quốc Minh, Thành viên HĐQT Ngân hàng SHB cho rằng, việc thuê chuyên gia tư vấn bên ngoài vào hỗ trợ cho doanh nghiệp bên cạnh những mặt tích cực cũng tiềm ẩn không ít những rủi ro.
Theo ông Quốc Minh, khi tư vấn từ bên ngoài vào hỗ trợ doanh nghiệp, họ sẽ phải mất một thời gian nhất định để nắm bắt được văn hoá công ty, năng lực cũng như mục đích, phương hướng hoạt động của doanh nghiệp. Hơn nữa, những lý thuyết, kinh nghiệm mà các chuyên gia tư vấn cho doanh nghiệp thì cũng có thể đúng với doanh nghiệp này nhưng chưa chắc đã đúng với doanh nghiệp khác,
Vì vậy, việc thuê tư vấn chưa hẳn đã là một giải pháp hợp lý và hiệu quả đối với sự phát triển lớn mạnh của doanh nghiệp trong tương lai.
Cũng theo chuyên gia Thái Quốc Minh, các đơn vị tư vấn chỉ có thể hỗ trợ doanh nghiệp hoạch định chiến lược cụ thể dựa trên mục tiêu hoạt động của chính doanh nghiệp. Nhưng vấn đề quan trọng nhất vẫn là sự đồng thuận của bản thân CEO và các cổ đông của công ty. Bởi một chiến lược có tốt đến đâu nhưng không có sự ủng hộ của tập thể doanh nghiệp thì cũng không thể thực hiện hiệu quả.
Đó là chưa nói đến yếu tố phù hợp giữa chiến lược phát triển được đơn vị tư vấn đưa ra với năng lực thực tế của doanh nghiệp. Nếu chiến lược được xây vượt quá năng lực tài chính, năng lực thực hiện, kinh nghiệm nghề nghiệp của công ty thì cũng không thể triển khai hiệu quả.
Mặt khác, nếu doanh nghiệp không hiểu hết ý của nhà tư vấn mà chỉ làm theo “như một con vẹt”, thì doanh nghiệp cũng không thể thành công.
Bên cạnh đó, trong nền kinh tế thị trường mà các điều kiện kinh doanh, cơ chế chính sách luôn luôn thay đổi như hiện nay, không thể có được một chiến lược cố định. Doanh nghiệp cần phải biết hoà nhâp với môi trường một cách linh hoạt để tự phát triển ổn định.
Bởi vậy, ông Minh cho rằng, thay vì lập chiến lược cho doanh nghiệp, các nhà tư vấn chỉ cung cấp phương pháp luận giúp CEO và các cổ đông tự xây dựng chiến lược cho doanh nghiệp mình. Việc triển khai chiến lược đó như thế nào cũng hoàn toàn là do doanh nghiệp. Chỉ doanh nghiệp mới có thể mang lại thành công cho chính mình. Và không ai có thể thay thế doanh nghiệp tự đi trên con đường của mình.
“Đơn vị tư vấn suy cho cùng cũng chỉ là người đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp chứ không phải là yếu tố chắc chắn, đảm bảo cho sự thành công của doanh nghiệp”, chuyên gia Thái Quốc Minh chia sẻ.
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc Công ty PwC Việt Nam |
Đồng quan điểm, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc Công ty PwC Việt Nam cũng cho rằng, người xây dựng chiến lược, mục tiêu phát triển cho doanh nghiệp phải là cổ đông và CEO.
Đơn vị tư vấn chỉ đóng vai trò hỗ trợ, giúp doanh nghiệp đánh giá lại vị trí của mình trên thương trường và xác định phương thức làm thế nào để phát triển hiệu quả nhất dựa trên những năng lực của chính mình.
Thực tế cho thấy, có đến 70% chiến lược của doanh nghiệp không thành công là do quá trình triển khai. Chính vì vậy, không thể đảm bảo rằng, với sự hỗ trợ của tư vấn trong xây dựng chiến lược, doanh nghiệp sẽ phát triển thành công.
Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào chính bản thân năng lực của doanh nghiệp cũng như khả năng điều hành, lãnh đạo của các cổ đông và CEO, bà Vân nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi: Thời điểm nào doanh nghiệp nên thuê tư vấn chiến lược? Ông Thái Quốc Minh cho rằng, việc thuê chuyên gia tư vấn thường sẽ mất rất nhiều tiền. Do đó, các doanh nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ với lượng vốn còn hạn chế chỉ nên thuê tư vấn khi đã có mục tiêu hoạt động rõ ràng. Chỉ những vấn đề thực sự cần thiết mới nên thuê tư vấn.
Đương nhiên, khi thuê tư vấn từ bên ngoài, nếu biết tận dụng, doanh nghiệp sẽ có nhiều điểm lợi do học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ các đơn vị tư vấn, cả thất bại và thành công, từ đó có chiến lược phát triển hiệu quả hơn cho doanh nghiệp.
Thiệt hại chỉ xảy ra khi doanh nghiệp đó thuê tư vấn nhưng không biết cánh tận dụng những kiến thức mà họ mang lại hoặc sử dụng không đúng cách dẫn đến thất bại, ông Minh nhận định.