|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Xã hội chung tay xử lý nợ xấu: Phải rạch ròi, chuyện nào ra chuyện đó

07:34 | 31/10/2016
Chia sẻ
Sự chung tay của xã hội, nếu có, chỉ là sự cùng nhau thúc đẩy, giải quyết những điểm nghẽn trong xử lý nợ xấu, mà phần nhiều bằng cơ chế, chứ không phải dùng ngân sách.

Mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, cho rằng cần có cái nhìn khách quan về nợ xấu. Nợ xấu không phải là do một mình hệ thống ngân hàng gây ra mà ngân hàng chỉ là một trong những nguyên nhân. Nợ xấu ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế vì vậy cần cả xã hội chung tay xử lý nợ xấu trên tinh thần công khai, minh bạch.

Ông Hùng đã nói đúng rằng ngân hàng chỉ là một trong những nguyên nhân gây ra nợ xấu. Có những nguyên nhân khách quan khác như ngân hàng thương mại cho vay một doanh nghiệp nào đó, phần nhiều là doanh nghiệp nhà nước, để rồi doanh nghiệp đó mất khả năng trả nợ nhưng không ai đứng ra nhận chi trả khoản nợ này của doanh nghiệp với ngân hàng. Có cả nguyên nhân như một số doanh nghiệp vay vốn ngân hàng để thực hiện các hợp đồng nhưng vì lý do nào đó các hợp đồng không được hoặc bị chậm thanh toán nên doanh nghiệp lâm vào khó khăn, mất khả năng trả nợ...

xa hoi chung tay xu ly no xau phai rach roi chuyen nao ra chuyen do

Trong những trường hợp vì một lý do khách quan như trên thì đúng là ngân hàng là một nạn nhân nhiều hơn là một tội đồ gây ra nợ xấu. Cách thức giải quyết nợ xấu trong những trường hợp này đương nhiên không phải là trông chờ, phó mặc cho ngân hàng tự loay hoay với đống nợ xấu do người khác để lại, mà phải là có sự chung tay, có sự chịu trách nhiệm của bên liên đới. Nếu ngân sách, và tức là tiền của dân, phải bỏ ra để đền bù trong những trường hợp này thì cũng là điều tất yếu và công bằng. Nhưng nếu đã đến mức độ này rồi thì phải quy trách nhiệm cho những ai đã tạo ra nợ xấu.

Trong những trường hợp còn lại, mà phần nhiều là lý do chủ quan, từ phía ngân hàng, thì đương nhiên trách nhiệm giải quyết nợ xấu phải là của ngân hàng. Kể cả trong trường hợp mà nhiều người hay viện dẫn “kinh tế khó khăn” làm nhiều doanh nghiệp đóng cửa, phá sản, mất khả năng thanh toán thì đó cũng không phải là lỗi/lý do khách quan mà vẫn là lỗi của ngân hàng khi đã không tỉnh táo xem xét trước khi cho vay. Đặt một câu hỏi đơn giản, tại sao các ngân hàng khác không bị “vướng” vào những doanh nghiệp đóng cửa, phá sản này mà chỉ có một (số) ngân hàng cụ thể? Kinh tế thị trường đòi hỏi mọi chủ thể phải tự chịu trách nhiệm với các quyết định kinh doanh của mình mà khó có thể đổ lỗi cho ai khác, trừ những trường hợp thật sự khách quan như nói ở trên.

Chuyển sang vấn đề xã hội chung tay để giải quyết nợ xấu, sự chung tay của xã hội, nếu có, chỉ là sự cùng nhau thúc đẩy, giải quyết những điểm nghẽn trong xử lý nợ xấu, mà phần nhiều bằng cơ chế, đúng như một chuyên gia nào đó đã nói, chứ không phải là bằng việc kêu gọi dùng ngân sách nhà nước (hoặc “nguồn lực nhà nước”).

Bởi, trong cơ chế hiện tại, dù có muốn dùng ngân sách để xử lý nợ xấu, ví dụ bằng cách mua nợ xấu bằng tiền thật, theo giá thị trường v.v… thì nợ xấu mua về chắc chắn vẫn sẽ chỉ nằm ùn tắc thêm ở VAMC mà không thể thoát đi đâu được vì bản thân VAMC bây giờ cũng đang lúng túng với đống nợ xấu mà họ đang nắm với nhiều lý do.

Trong khi đó, sự khai thông về cơ chế, chẳng hạn cho phép mua bán nợ với bên thứ ba, tạo thuận lợi cho việc thu giữ, phát mãi tài sản thế chấp v.v… chắc chắn không những sẽ thúc đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu mà còn mang lại tính hiệu quả cao vì là xử lý theo cơ chế thị trường. Việc này là cần thiết, hữu hiệu mà xã hội có thể chung tay cùng thực hiện ngay được mà không tiêu tốn nhiều kinh phí.

Đến đây, có một điều rất quan trọng cần phải lưu ý. Đó là đề xuất tạo những cơ chế thuận lợi riêng cho VAMC. Điều này chỉ đúng một nửa. Vì VAMC về bản chất cũng chỉ là một AMC (tổ chức xử lý nợ của ngân hàng thương mại), cùng có mục đích là xử lý nợ (xấu) trong hệ thống ngân hàng, nên tại sao chỉ tạo cơ chế riêng cho VAMC mà không mở rộng cơ chế này cho cả các AMC của các ngân hàng thương mại khác? Nếu chỉ tạo cơ chế riêng cho VAMC thì tức là vẫn còn nút thắt trong việc xử lý nợ xấu trong toàn hệ thống ngân hàng.

Hơn nữa, cũng không loại trừ trường hợp trong tương lai, VAMC sẽ lại tiếp tục kêu khó về nguồn lực, con người và mạng lưới hoạt động, vì đúng là chỉ có một mình VAMC được xử lý nợ xấu với nhiều đặc quyền nên hầu như tất cả các món nợ xấu sẽ dồn hết về VAMC như hiện tại, trong khi các AMC khác chỉ tồn tại trên danh nghĩa mà không thể phát huy tác dụng xử lý nợ xấu vì bị “trói” bởi cơ chế ưu ái riêng cho VAMC.

Tóm lại, xã hội chung tay xử lý nợ xấu là việc cần làm nhưng sự chung tay này phải có giới hạn, có lựa chọn việc cần và có thể cùng nhau làm. Xã hội chung tay xử lý nợ xấu không nên được đánh đồng với việc ngân sách, và tức là người dân phải bỏ tiền ra để cứu trợ ngân hàng.

TS. Phan Minh Ngọc