World Bank: Việt Nam ước thiệt hại 1,4 tỷ USD vì thiếu điện trong tháng 5 và 6
Tháng 5 và 6/2023 vừa qua, miền Bắc phải chịu cảnh mất điện luân phiên thường xuyên, gây ảnh hưởng đến các hộ gia đình và doanh nghiệp ở quy mô lớn. Trong tháng 5, thiếu hụt nguồn cung để đáp ứng nhu cầu phụ tải đỉnh lên đến 5,4 GW. Tình hình được cải thiện trong tháng 6, và đã được giải quyết trong tháng 7 do nguồn nước tăng lên.
Thực tế, việc thiếu hụt điện trong mùa khô vốn đã diễn ra vào mùa hè năm 2022, vào thời điểm đó thiếu hụt nguồn cung để đáp ứng nhu cầu phụ tải đỉnh rơi vào mức 1,8 GW.
Trong báo cáo mới công bố, các chuyên gia từ World Bank ước tính sơ bộ cho thấy phí tổn kinh tế của các đợt mất điện vào tháng 5 và 6/2023 rơi vào khoảng 1,4 tỷ USD, tương đương 0,3% GDP của Việt Nam.
Qua một khảo sát nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp, các doanh nghiệp ở miền Bắc cho biết tổn thất về doanh thu lên đến 10%. Con căn cứ vào ước tính thiếu hụt nguồn cung đến tháng 6, nhu cầu năng lượng không được đáp ứng cũng sẽ dẫn đến tổn thất về doanh thu cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ở mức khoảng 75 triệu USD.
Theo đánh giá, bất cân đối về nguồn cung hiện đang là vấn đề của miền Bắc, nơi nhu cầu đang gia tăng nhanh chóng (10% so với 8,5% trên toàn quốc) và có tính chất mùa vụ, nhất là trong các tháng từ 5 đến 7.
- TIN LIÊN QUAN
-
Thuỷ điện thoái trào, doanh nghiệp nhiệt điện than có thực sự gặp 'thiên thời'? 24/07/2023 - 12:00
-
Doanh nghiệp thủy điện 'đau đầu' vì thiếu nước, lợi nhuận quý II bốc hơi hai con số 27/07/2023 - 10:26
Nguyên nhân do sản xuất điện đang lệ thuộc vào nguồn thủy điện và nhiệt điện than, chậm trễ trong đầu tư cho sản xuất và truyền tải điện, trong đó hạn chế về truyền tải gây hạn chế trong việc tiếp cận công suất dư lớn ở miền Nam (khoảng 20 GW).
Thực tế trong 6 tháng đầu năm 2023, và nhất là các tháng trong quý II, công suất huy động điện từ các nhà mày điện than liên tục tăng, nhà máy phải luôn chạy tối đa công suất. Trong khi đó, các nhà máy thủy điện "đau đầu" vì hồ về mực nước chết.
Trong khi miền Bắc thiếu điện, thì miền Nam lại dư dả hơn. Theo các chuyên gia, sự mất cân bằng về sản lượng điện ở Bắc - Nam chủ yếu nằm ở yếu tố kỹ thuật truyền tải điện và các cơ chế đầu tư năng lượng tái tạo ở phía Bắc chưa đủ hấp dẫn.
Nói về đường truyền, khả năng truyền tải điện từ phái Nam ra miền Bắc qua đường dây 500 kV Bắc – Nam đã luôn ở ngưỡng giới hạn cao (từ 2.500 MW đến 2.700 MW). Tổng công suất khả dụng của hệ thống điện miền Bắc (bao gồm cả điện nhập khẩu) có thể huy động để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện chỉ đạt mức 17.500 - 17.900 MW (khoảng 59,2% công suất lắp đặt). Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện ở khu vực miền Bắc lên mức 23.500 - 24.000 MW trong những ngày nắng nóng.
"Tác động của El Nino đối với nguồn nước và nhu cầu sử dụng điện, cũng như sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào thủy điện do giá cả nhiên liệu tăng cao, cho thấy nguy cơ dễ tổn thương ngày càng lớn của khu vực này đối với tác động của biến đổi khí hậu cũng như rủi ro về giá thương phẩm", báo cáo World Bank viết.
Vấn đề đặt ra là phải hành động nhanh chóng để giảm nhẹ rủi ro an ninh năng lượng và tổn thất kinh tế trong tương lai. Những can thiệp trong quản lý bên cầu có thể được triển khai ngay để xử lý thiếu hụt điện, chẳng hạn, dịch chuyển phụ tải của các ngành công nghiệp.
Các biện pháp cấp thiết trước mắt do tổ chức này đề xuất bao gồm tránh chậm trễ trong lịch biểu vận hành thương mại các nhà máy điện trong năm 2024 và 2025; xử lý nhanh quy trình phê duyệt và triển khai đầu tư về truyền tải; và đa dạng hóa các nguồn cung, chuyển từ cơ cấu năng lượng năm 2025 sang dựa nhiều hơn vào nguồn nhập khẩu trong khu vực.
Các biện pháp tiết kiệm năng lượng cũng có thể đem lại tác động nếu thiết lập ngay hệ thống theo dõi và chỉ tiêu bắt buộc theo Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các quy định dưới luật.