World Bank dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay đạt 6%, cao nhất ASEAN
Trong báo cáo vừa công bố, Ngân hàng Thế giới World Bank (WB) hạ nhẹ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay xuống 6%. Dù vậy, mức dự báo này vẫn dẫn đầu khu vực ASEAN.
Cụ thể, Philippines và Việt Nam đều dự kiến tăng trưởng GDP 6% năm 2023. Đứng thứ 3 là Campuchia với tăng trưởng GDP ở mức 5,5%. Tiếp theo là Indonesia, Malaysia lần lượt với dự báo 4,9% và 4,3%. Theo sau là Lào và Thái Lan, cùng được dự báo tăng 3,9%.
Báo cáo cũng cho biết tăng trưởng toàn cầu dự báo sẽ giảm tốc từ 3,1% vào năm 2022 xuống còn 2,1% vào năm 2023.
"Nền kinh tế toàn cầu vẫn trong tình trạng bấp bênh giữa những tác động kéo dài của xung đột Nga- Ukraine, và làn sóng thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát.
Một số nền kinh tế lớn tăng trưởng mạnh hơn dự kiến vào đầu năm nhờ Trung Quốc mở cửa nhanh hơn dự kiến và chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ ổn định. Tuy nhiên, cả năm 2023, hoạt động toàn cầu được dự báo sẽ chậm lại, với sự giảm tốc rõ rệt ở các nền kinh tế tiên tiến, áp lực lạm phát vẫn tồn tại, và thắt chặt tiền tệ vẫn là lực cản đối với tăng trưởng", WB cho hay.
Ở các nền kinh tế phát triển, tốc độ tăng trưởng năm nay dự kiến là 0,7%, giảm so với mức tăng 2,6% của năm 2022 và sẽ duy trì mức thấp vào năm 2024.
Với Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới được dự báo tăng trưởng 1,1% năm nay và giảm tốc xuống 0,8% vào năm 2024, chủ yếu do tác động kéo dài của việc lãi suất tăng mạnh trong hơn một năm rưỡi qua.
Tại khu vực đồng euro, tăng trưởng được dự báo sẽ giảm xuống 0,4% vào năm 2023 từ mức 3,5% vào năm 2022, do tác động trễ của việc thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng giá năng lượng.
Với khu vực Đông Á – Thái Bình Dương (EAP), WB nâng dự báo lên mức 5,5%, do kinh tế Trung Quốc phục hồi đã phần nào bù đắp cho hoạt động chậm lại ở hầu hết các nền kinh tế khác trong khu vực.
Ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương không bao gồm Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế của khu vực này dự kiến giảm xuống 4,8% vào năm 2023 từ mức 5,8% năm 2022.
Báo cáo cũng đề cập đến Việt Nam và Malaysia có tốc độ tăng trưởng chậm lại khi hiệu ứng mở cửa trỏ lại sau COVID phai nhạt dần.
Ngoài ra, thương mại hàng hóa toàn cầu tăng trưởng ảm đạm sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của một số nền kinh tế có thương mại là động lực tăng trưởng chính, đặc biệt là ở Việt Nam và Malaysia.
Tuy nhiên du lịch toàn cầu phục hồi liên tục, được thúc đẩy bởi sự gia tăng lượng khách du lịch từ Trung Quốc, sẽ hỗ trợ tăng trưởng những nền kinh tế phụ thuộc nhiều nhất vào du lịch, như Thái Lan.