WHO cảnh báo vắc xin COVID-19 đang không theo kịp biến chủng Delta
Theo The Guardian, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo, các quốc gia giàu đang chia sẻ vắc xin cho các nước thu nhập thấp quá chậm để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta, đe dọa đến hàng triệu mạng sống.
Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng việc chia sẻ vắc xin chỉ là "nhỏ giọt và đang bị các biến thể vượt mặt", sau khi có thông tin biến thể Delta hiện đã xuất hiện ở ít nhất 98 quốc gia.
Trong khi đó, giáo sư Dame Sarah Gilbert tại Đại học Oxford (Anh), người đứng đầu nhóm nghiên cứu vắc xin AstraZeneca khuyến cáo nên thận trọng đối với các đề xuất tiêm vắc xin cho trẻ em ở Anh. "Chúng ta phải cân bằng giữa việc tiêm chủng cho trẻ em ở các nước có thu nhập cao với việc tiêm chủng cho phần còn lại của thế giới vì chúng ta cần phải ngăn chặn sự lan truyền của loại virus này trên toàn cầu", bà Gilbert phát biểu.
Bà cũng cảnh báo thế giới vẫn chưa thể thoát ra khỏi tình hình dịch bệnh căng thẳng. Chúng ta cần ngăn chặn vi rút lây truyền và tiếp tục phát triển, để tránh khả năng mang đến một biến thể mới thực sự khó đối phó hơn.
Ông Ghebreyesus cho biết các nhà lãnh đạo thế giới phải đảm bảo ít nhất 10% người dân ở tất cả các quốc gia được tiêm chủng vào cuối tháng 9 năm nay, trước hết là bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương và nhân viên y tế.
"Biến chủng Delta rất nguy hiểm, nó đang tiếp tục phát triển và đột biến, đòi hỏi sự đánh giá liên tục và điều chỉnh nghiêm túc các biện pháp đối phó để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Biến chủng này đã được phát hiện ở ít nhất 98 quốc gia và đang lây lan nhanh chóng ở các nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp và cao", Tổng giám đốc WHO cảnh báo thêm.
Ông cũng kêu gọi thế giới phải chia sẻ công bằng các dụng cụ bảo hộ, oxy, các xét nghiệm, phương pháp điều trị và vắc xin. Đồng thời, vào tháng 7 này, 70% người dân ở mọi quốc gia nên được tiêm chủng. "Đây là cách tốt nhất để làm chậm lại đại dịch, cứu sống nhiều mạng người và thúc đẩy sự phục hồi kinh tế toàn cầu, ngăn chặn các biến thể nguy hiểm hơn nữa chiếm thế thượng phong", ông Ghebreyesus nói thêm.
Hiện tại, theo Bloomberg, hơn 3,17 tỉ liều vắc xin COVID-19 đã được phân bổ đến 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Thương mại Thế giới đã cùng với WHO kêu gọi "hành động khẩn cấp" để tăng nguồn cung cấp vắc xin. Các tổ chức cũng yêu cầu nhóm các quốc gia G20 đẩy nhanh nỗ lực để đạt được những mục tiêu tiêm chủng.