Warren Buffett thắng lớn với chứng khoán phái sinh
5 thất bại đầu tư đau đớn của Warren Buffett |
Trong giai đoạn từ 2004 đến 2008, Tập đoàn Berkshire Hathway của tỷ phú Warren Buffett bán một số lượng lớn quyền chọn bán cổ phiếu với mục đích đặt cược giá cổ phiếu sẽ tăng trong dài hạn. Các quyền chọn này được gắn với tài sản cơ sở là 4 chỉ số cổ phiếu lớn và mang lại cho Berkshire 2,4 tỷ USD lợi nhuận trong giai đoạn 2008 – 2017.
Ông Jim Shanahan, chuyên gia phân tích tại Edward Jones nhận định: “Đây đúng là một thương vụ làm ăn độc đáo. Ngoài Berkshire ra thì không có nhiều công ty có thể thực hiện thương vụ này”.
Warren Buffett trước đây từng đầu tư vào một số công cụ phái sinh tín dụng tuy nhiên đã đóng các vị thế cuối cùng vào năm 2016. Việc Warren Buffett tham gia thị trường phái sinh gây rất nhiều tranh cãi vì chính ông từng gọi các công cụ này là “vũ khí hủy diệt hàng loạt” nhưng sau đó lại lý luận rằng việc đánh cược của ông rất “khác” và không có rủi ro về đối tác.
Các quyền chọn bán mà Berkshire Hathaway bán được thiết kế theo kiểu Châu Âu, tức chỉ có thể được thực hiện vào ngày đáo hạn. Tính từ cuối 2008, chỉ số S&P 500 đã tăng gấp gần 3 lần, còn chỉ số FTSE 100 tăng hơn 70%, giúp cho bên bán quyền chọn bán hưởng lợi lớn.
Ông David Sims, Giám đốc công ty quản lý tài sản 50 triệu USDSims Capital Management nói: “Khi nhiều ngân hàng thi nhau phá sản, các nhà đầu tư mất hết lòng tin vào thị trường tài chính, tình hình có vẻ khá điên loạn thì Warren Buffett tin rằng sự ổn định sẽ quay trở lại”.
Warren Buffett coi thương vụ đầu tư vào chứng khoán phái sinh này cũng có lợi không kém gì hoạt động kinh doanh bảo hiểm truyền thống của ông. Tập đoàn Berkshire Hathaway nhận được 4,2 tỷ USD tiền phí ngay từ đầu giao dịch và có thể dùng số tiền đó để đầu tư trong suốt hơn 10 năm qua, giống như các công ty bảo hiểm đem đầu tư tiền phí bảo hiểm và kiếm lợi trước khi phải chi trả cho khách hàng.
Khoản đầu tư vào công cụ phái sinh khiến cho lợi nhuận hàng quý của Berkshire biến động lên xuống thất thường, tuy nhiên cả Buffett khẳng định điều này không làm cho ông hay người đồng sự Charles Munger “vui mừng hay bận tâm”.
Tại đại hội cổ đông năm 2009, Phó Chủ tịch của Berkshire – Charles Munger – bảo vệ quyết định đầu tư vào công cụ phái sinh: “Chúng tôi hiểu là đầu tư vào những công cụ này cần có giới hạn, và chúng tôi đang ở dưới rất xa giới hạn đó”.
Biến động lợi nhuận hàng quý từ các hợp đồng quyền chọn của Berkshire Hathaway. Nguồn: Báo cáo tài chính công ty, Bloomberg. |
Tại báo cáo tài chính năm 2010, Berkshire cho biết công ty này nhận được 4,8 tỷ USD tiền phí từ 47 hợp đồng quyền chọn. Đến cuối 2010, tập đoàn này tất toán 8 hợp đồng theo yêu cầu của đối tác, còn lại 39 hợp đồng với 4,2 tỷ USD tiền phí. Warren Buffett từng cho biết một trong số các đối tác trong thương vụ này là ngân hàng Goldman Sachs, còn các đối tác khác là ai thì vẫn là điều bí ẩn.
Ông James Armstrong, Giám đốc quản lý khối tài sản hơn 700 triệu USD của Henry H. Armstrong Associates nhận định: “Những hợp đồng phái sinh này là ví dụ điển hình của sự sáng tạo của Warren Buffett. Ông ấy phát hiện ra một cơ hội làm ăn bị định giá sai và kiếm lợi từ đó”.
Các quyền chọn bán này chỉ là một phần nhỏ trong danh mục đầu tư phái sinh mà Warren Buffett đang cắt giảm. Năm 2012, Buffett tất toán một số hợp đồng liên quan tới trái phiếu chính quyền địa phương và tháng 7/2016, ông chi ra 195 triệu USD để đóng các thỏa thuận rủi ro tín dụng cuối cùng.
Các công ty năng lượng thuộc Tập đoàn Berkshire vẫn dùng công cụ phái sinh để quản lý biến động trong giá nhiên liệu.
Buffett được biết đến với khả năng thực hiện các thương vụ hấp dẫn với những công ty đang cần mượn danh tiếng của ông để trấn an nhà đầu tư, bao gồm việc mua cổ phiếu ưu đãi tại Goldman Sachs và General Electrics.
Những năm gần đây, khi các cổ phiếu ưu đãi này bị chuyển đổi và danh mục đầu tư phái sinh đáo hạn, Berkshire Hathaway đang phải tìm cách đầu tư hơn 100 tỷ USD hiện đang ở dưới dạng tiền mặt và trái phiếu Chính phủ Mỹ.