|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Vừa trúng đất đấu giá Phúc Thọ, nhà đầu tư lập tức sang tay ăn chênh hàng trăm triệu

14:54 | 30/08/2024
Chia sẻ
Phiên đấu giá 39 thửa đất mới đây ở huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội ghi nhận giá trúng cao nhất đạt 60 triệu/m2, có trường hợp nhà đầu tư vừa trúng lập tức sang tay lãi hàng trăm triệu ngay trong ngày.

Lại nóng đất đấu giá ven đô  

Quang cảnh bên ngoài hội trường nơi diễn ra phiên đấu giá đất Phúc Thọ, ngày 29/8. (Ảnh: Di Anh).

Chỉ trong tháng 8, liên tiếp hai phiên đấu giá đất tại các huyện Thanh Oai, Hoài Đức đã nhận được sự quan tâm lớn trong dư luận khi thu hút hàng nghìn người tham gia, ghi nhận giá trúng cao nhất vượt ngưỡng 100 triệu/m2 và 133 triệu/m2 -  những con số "rất bất thường" theo chia sẻ của chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc.

Sức nóng của phân khúc này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi đến sáng ngày 29/8, một địa phương ở vùng ven Hà Nội khác là huyện Phúc Thọ tiếp tục tổ chức thành công phiên đấu giá quyền sử dụng 39 thửa đất trên địa bàn.

Trong số này, có 30 thửa đất thuộc các dãy TT01, TT02, TT03, TT06 khu Dộc Tranh, xã Trạch Mỹ Lộc và 9 thửa thuộc dãy TT8 khu Đồng Phươm, xã Thọ Lộc. Các thửa đất có diện tích từ 96 - 148 m2, giá khởi điểm dao động 19,8 - 23,4 triệu đồng/m2, tiền đặt trước khoảng 449 - 697 triệu đồng/thửa.

Kết quả, toàn bộ 39 thửa đất đều tìm được chủ nhân. Trong đó, giá trúng cao nhất được ghi nhận ở mức 60 triệu đồng/m2, thuộc về thửa đất kí hiệu ĐG06 ở khu Dộc Tranh, xã Trạch Mỹ Lộc.

Được biết thửa này có diện tích gần 149 m2, giá khởi điểm là 23,4 triệu đồng/m2, nằm ở vị trí góc, giáp đường quy hoạch TT06. Như vậy, người trả giá trúng sẽ phải bỏ ra hơn 8,9 tỷ đồng cho cả thửa đất, gấp gần 2,6 lần giá khởi điểm.

Giá trúng thấp nhất được ghi nhận ở mức 24,6 triệu đồng/m2, cùng thuộc về các thửa đất TT8-4 và TT8-5, khu Đồng Phươm, xã Thọ Lộc. Hai thửa này có diện tích lần lượt là 134,9 m2 và 134,7 m2, tức đều hơn 3,3 tỷ đồng, gấp khoảng 1,2 lần so với giá khởi điểm ban đầu là 19,8 triệu đồng/m2.

Nhà đầu tư đi xem đất khu Dộc Tranh sau phiên đấu giá. (Ảnh: Di Anh).

Nhìn chung, mặt bằng giá trúng của các thửa đất ở khu Dộc Tranh cao hơn khá nhiều so với khu Đồng Phươm.

Cụ thể, 30 thửa đất ở khu Dộc Tranh có giá trúng dao động 33,6 - 60 triệu đồng/m2. Theo quan sát, toàn bộ khu đất này chưa có người dân đến sinh sống, vị trí giáp đường tỉnh lộ 418, cách đường Quốc lộ 32 khoảng 700 m, gần chợ Gạch Mới, Tổ hợp vui chơi giải trí và thương mại xã Trạch Mỹ Lộc.

Trong khi đó, 9 thửa ở dãy TT8 khu Đồng Phươm có giá trúng dao động 24,6 - 26,4 triệu đồng/m2. Vị trí khu đất ngay gần trường THCS Thọ Lộc, hiện đã có cư dân đến xây nhà, sinh sống.

Một góc khu Đồng Phươm. (Ảnh: Di Anh).

Chị T.H, nhà đầu tư từ huyện Hoài Đức tới theo dõi phiên đấu đánh giá: "Tôi thấy phổ giá trúng các thửa đất ở khu Đồng Phươm khá sát với giá thực được rao bán trên thị trường hơn, còn khu Dộc Tranh thì hơi cao.

Xung quanh khu Đồng Phươm có trường học, gần UBND xã Thọ Lộc, nhiều người sinh sống, mở hàng quán kinh doanh, mặt đường rộng hai ô tô tránh nhau thoải mái, gần đó có làng dân cư, chỉ có nhược điểm là nền đất trũng hơn so với khu Dộc Tranh".

Người này chia sẻ, biết tin địa phương tổ chức đấu giá 9 thửa thuộc dãy TT8 khu Đồng Phươm, nên cách đó ít ngày đã quyết định đầu tư một mảnh đất thuộc dãy TT1 trong cùng khu đất với mong muốn có thể đóng sóng giá mới. Thửa này đã từng được địa phương đưa ra đấu giá từ trước đó.

Anh Trần T., người đã di chuyển hơn 30 km từ huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc sang Hà Nội từ sáng sớm để kịp đến theo dõi phiên đấu giá cho rằng, mức giá cao nhất 60 triệu/m2 được ghi nhận trong phiên đấu tuy có nhỉnh hơn so với giá rao đất nền trong dân nhưng vẫn là con số "chấp nhận được". Tiền đặt cọc cũng ở mức cao hơn nên không dễ xảy ra hiện tượng bỏ cọc, thổi giá.

Người trúng sang tay ngay trong ngày  

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phúc Thọ cho biết, phiên đấu giá có hơn 600 hồ sơ tham gia.

Trong số này có rất nhiều người dân sinh sống ở huyện Phúc Thọ, ngoài ra cũng có cả những nhà đầu tư ở các vùng lân cận tới đấu giá. Mức giá trúng thực tế cao hơn so với dự kiến ban đầu của đơn vị.

Theo tìm hiểu, nhà đầu tư Trần Văn Đ. (thị trấn Quốc Oai, Hà Nội) đấu trúng thửa đất ĐG10 (diện tích 96 m2) khu Dộc Tranh với mức giá 40,4 triệu/m2, tức gần 3,9 tỷ.

Nhà đầu tư Vũ Công T. (huyện Thanh Oai, Hà Nội) đấu trúng thửa TT8-5 (rộng 134,7 m2) ở mức 24,6 triệu/m2, tức hơn 3,3 tỷ. Đây cũng là một trong 2 thửa đất có giá trúng thấp nhất của cả phiên đấu.

Ông Nguyễn Phi T. (huyện Hoài Đức, Hà Nội) là người trả giá cao nhất cho 5 thửa đất. Bao gồm ĐG32 với giá trúng 38,6 triệu/m2; TT8-7 với 25,6 triệu/m2; TT8-8 với 26,2 triệu/m2; TT8-9 với 26,2 triệu/m2; TT8-10 với 26,4 triệu/m2.

Bên cạnh việc đấu giá hết toàn bộ 39 thửa đất, phiên chợ đất của huyện Phúc Thọ còn ghi nhận trường hợp nhà đầu tư thỏa thuận sang tay cho người khác ngay sau ít phút trả giá trúng.

Cụ thể, thửa đất ĐG16 rộng 96 m2, giá khởi điểm 23,4 triệu/m2, được ông Bùi Viết Q. (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) đấu trúng với mức giá 39,8 triệu/m2, tức hơn 3,8 tỷ. Ít phút sau khi kết thúc buổi đấu giá, ngay ngoài cổng trụ sở UBND huyện Phúc Thọ, ông Q. đã ký hợp đồng đặt cọc thửa đất với bà T. (huyện Thạch Thất, Hà Nội) với mức chênh 200 triệu.

Nhà đầu tư thỏa thuận sang tay thửa đất ĐG16 với mức chênh 200 triệu đồng. (Ảnh: Di Anh).

Về chuyện ngay sau phiên đấu giá xuất hiện nhà đầu tư rao bán chênh hay ký thỏa thuận sang tay, ông Nguyễn Anh Tuấn nói, đây là nhu cầu cá nhân của người dân, là quyền của người tham gia đấu giá đất, pháp luật cũng không cấm sau khi đấu giá xong thì không được thực hiện chuyển nhượng. Số tiền đặt trước của phiên đấu cũng được đặt ở mức lớn, trong đó thửa cao nhất là gần 700 triệu.

Dự kiến ngày 16/9 tới đây, huyện Phúc Thọ sẽ tiếp tục tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở đối với 13 thửa đất thuộc TT04, TT06 khu Dộc Tranh, xã Trạch Mỹ Lộc. Các thửa đất có diện tích từ 108 - 129 m2, giá khởi điểm 23,4 triệu/m2. Tiền đặt trước dao động 505 - 604 triệu/thửa, khách hàng nộp từ ngày 11/9 đến ngày 13/9. 

Di Anh

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.