Vừa mới kí kết, thỏa thuận 95 tỉ USD giữa Mỹ - Trung Quốc đã không nhận được sự tín nhiệm của thị trường
Giá của hầu hết nguyên liệu thô nằm trong thỏa thuận đã giảm trong phiên giao dịch ngày 15/1, với chỉ số hàng hóa Bloomberg giảm 0,4%. Chỉ số đã tăng 0,1% trong ngày 16/1 nhờ giá dầu và khí đốt tăng, trong khi giá đậu nành, bông và ngô duy trì đà giảm.
Cụ thể, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI đã tăng 0,33% lên 58 USD/thùng vào lúc 17h20 (giờ Việt Nam) ngày 16/1 sau khi giảm 0,7% trong ngày trước đó vì dự trữ xăng dầu của Mỹ tăng. Giá khí đốt tự nhiên Mỹ đã tăng 0,4% sau khi giảm 3,1% hôm thứ Tư (15/1).
Giá đậu nành giao tương lai trên sàn Chicago đã giảm 0,3% trong ngày 16/1 sau khi giảm 1,4% trong phiên trước đó, giá ngô và bông cũng lần lượt giảm 0,4% và 0,3%.
Giới giao dịch cho biết sẽ cần bằng chứng về sự gia tăng của xuất khẩu để thị trường khởi sắc. Sự bi quan của thị trường trái ngược hoàn toàn với những phát biểu tại Nhà Trắng của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng các nhà sản xuất năng lượng và nông dân sẽ được hưởng lợi.
Đối mặt với cuộc tái cử vào cuối năm nay, ông Trump đang chịu áp lực thu hút phiếu bấu tại vành đai nông nghiệp của nước Mỹ, nơi nền kinh tế đã bị đảo loạn bởi cuộc chiến thương mại kéo dài. Tuy nhiên, trong khi Trung Quốc hứa sẽ mua mọi hàng hóa từ hạt chứa dầu tới ngũ cốc, dầu thô và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), Bắc Kinh vẫn chưa làm rõ sẽ khối lượng nhập khẩu cho mỗi loại sản phẩm.
"Kí kết thỏa thuận là một phần đơn giản. Tôi chưa thấy cam kết chắc chắn về việc Trung Quốc sẽ thực hiện thỏa thuận như thế nào", theo ông Ken Morrison, nhà giao dịch hàng hóa độc lập có trụ sở tại St. Louis (Mỹ).
Trung Quốc cam kết thu mua tổng cộng 32 tỉ USD giá trị nông sản bổ sung trong vòng hai năm, trong khi cho biết thêm sẽ nỗ lực mua thêm 10 tỉ giá trị hàng hóa nữa. Những sản phẩm dành trong danh sách nhập khẩu gồm hạt chứa dầu, thịt, ngũ cốc, ethanol và cotton.
Bắc Kinh cũng hứa mua 52,4 tỉ USD giá trị sản phẩm năng lượng như LNG, dầu thô và than đá trong năm 2020 và 2021.
Tuy nhiên, thỏa thuận giai đoạn một được kí kết tại Washington (Mỹ) hôm 15/1 không làm rõ liệu quốc gia châu Á có gỡ thuế quan trả đũa đã áp lên hàng hóa Mỹ như dầu, đậu nành và LNG, hay không.
"Rõ ràng 52,4 tỉ USD giá trị sản phẩm năng lượng trong hai năm là rất lớn. Đối với Trung Quốc, để nhập khẩu một lượng khổng lồ dầu và LNG từ Mỹ trong khi thuế quan vẫn còn hiệu lực sẽ là một thách thức", ông Gavin Thompson, người đứng đầu phòng phân tích năng lượng châu Á - Thái Bình Dương tại Wood Mackenzie nhận định.
Nếu Trung Quốc thực sự tăng lượng thu mua, đó sẽ là một động lực đối với ngành LNG của Mỹ, vốn đang đối mặt với nguồn cung dư thừa trên thị trường thế giới.
Quốc gia châu Á, người mua nhiên liệu sưởi ấm và động cơ với tốc độ nhanh nhất thế giới, đã không nhập bất kì lô hàng nào từ Mỹ trong nhiều tháng.
Xuất khẩu dầu Mỹ sang Trung Quốc đã giảm vì chiến tranh thương mại. Người mua dầu thô lớn nhất thế giới đã bở qua Mỹ trong 6 tháng tính đến tháng 11/2019, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Mỹ.
Theo Bloomberg, than đá có thể là một thành phần nhỏ của thỏa thuận.
Năm 2017, trước khi cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nổ ra, Trung Quốc đã nhập khẩu 24 tỉ USD giá trị nông sản và sản phẩm liên quan từ Mỹ.