|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vụ tấn công hai mỏ dầu đe dọa kinh tế Arab Saudi ra sao?

16:02 | 26/09/2019
Chia sẻ
Người dân Arab Saudi, đối tượng được hưởng lợi từ ngành công khai thác dầu thô, cũng đang gặp khó khăn trong việc chính phủ giảm trợ cấp tiền điện, nước, năng lượng. Trong khi đó, nhiều chuyên gia đánh giá nền kinh tế của Arab Saudi có thể bị hạ bậc sau vụ tấn công.

Một cú sốc đối với nền kinh tế

Vụ tấn công vào các cơ sở khai thác dầu thô của Arab Saudi là một cú sốc đối với quốc gia này, đặt trong bối cảnh chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế khác ngoài dầu thô trong khi dòng vốn đầu tư từ nước ngoài giảm.

Trước khi vụ tấn công xảy ra (14/9), kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng không tính dầu thô gần như tháng nào cũng giảm, theo Wall Street Journal.

Người tiêu dùng của Arab Saudi, đối tượng được hưởng lợi từ ngành công khai thác dầu thô, cũng đang gặp khó khăn trong việc chính phủ giảm trợ cấp tiền điện, nước, năng lượng, một chuyên gia kinh tế cho biết.

"Cửa hàng chúng tôi đang gắp khó khăn", Umm Maram, nhân viên bán hàng của một cửa hàng bán quần áo nữ tại Jeddah's Souq al-Shatee trả lời phỏng vấn tờ Wall Street Journal sau khi vụ tấn công xảy ra vào tuần trước.

Các chuyên gia kinh tế đã hạ bậc đánh giá tăng trưởng nền kinh tế của Arab Saudi khi giá dầu thô giảm trong năm nay. Họ nhận định giá dầu thô cần ở ngưỡng trên 80 USD/thùng mới có thể giúp cân bằng ngân sách của Arab Saudi.

Cuối phiên giao dịch hôm 24/9, giá dầu Brent giảm 1,6% xuống hơn 61 USD/thùng.

Nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào dầu thô

Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman đã đưa ra rất nhiều kế hoạch nhằm thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế ngoài dầu thô, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, hiện đại hóa hệ thống tài chính và xã hội.

Theo đó, ông dự định chi hàng tỉ USD để phát triển du lịch tại Biển Đỏ với công viên giải trí, khu nghỉ dưỡng...Tuy nhiên, nền kinh tế Arab Saudi vẫn gắn liền với nguồn thu từ dầu thô.

B3-FB203_SAUDIE_16U_20190924120233

Cơ cấu thu - chi của chính phủ Arab Saudi. Ảnh: Wall Street Journal

Chuyên gia kinh tế Jean-Paul Pigat trong tuần này nhận định nền kinh tế của Arab Saudi có thể tiếp tục bị hạ bậc sau vụ tấn công. Hãng xếp hạng tín dụng Moody's Investors Service mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của nước này từ 1,5% xuống 0,3% trong năm nay.

Công ty dầu khí quốc gia Aramco đang đẩy nhanh tiến độ khắc phục thiết hại ở các mỏ dầu bị tấn công. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá việc phục hồi hoàn toàn sản lượng sẽ phải mất nhiều tháng chứ không phải chỉ 10 tuần như công ty đã cam kết trước đó.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn khá trầm lắng so với những năm trước. Năm 2011, khi giá dầu chạm đỉnh 10 năm, dòng vốn đầu tư vòa Arab Saudi đạt 16,3 tỉ USD trong khi năm ngoái con số này chỉ ở mức 4,2 tỉ USD.

"Trong ngắn hạn, có nhiều rủi ro về xung đột leo thang ở khu vực Trung Đông. Điều này có thể khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn về mức độ dễ bị tổn thương của nền kinh tế Arab Saudi trước những căng thẳng địa chính trị", Jason Tuvey, chuyên gia về các nền kinh tế mới nổi nhận định.

Giới chức Arab Saudi cho rằng vụ tấn công được thực hiện bởi vụ khí của Iran tuy nhiên họ vẫn chờ đợi kết quả điều tra của quốc tế trước khi chính thức khẳng định rằng chính Iran là thủ phạm.

Ngay cả khi công suất khai thác được phục hồi sớm, quá trình sửa chữa và thiệt hại về doanh thu cũng sẽ tác động xấu đến khả năng nộp thuế và cổ tức kéo theo chi tiêu Chính phủ cũng chậm lại.

Trong 6 tháng đầu năm nay, Bộ Tài chính Arab Saudi thu 135 tỉ USD tiền thuế, trong đó 2/3 đến từ dầu thô. Nên kinh tế không dầu vẫn phụ thuộc vào chi tiêu chính phủ.

Tuần trước, trả lời báo chí, Bộ trưởng Tài chính Mohammed al-Jadaan kì vọng vụ tấn công không ảnh hưởng đến việc thu thuế của chính phủ do Aramco dự kiến sử dụng kho dầu dự trữ để duy trì sản xuất và xuất khẩu.

Tuy nhiên, lượng dầu dự trữ này lại được bán với giá mà Aramco đã thỏa thuận bán cho khách hàng từ nhiều tháng trước đó, đồng nghĩa công ty không hưởng lợi từ việc giá dầu thô tăng phi mã sau vụ tấn công.

Ngoài vụ tấn công, nền kinh tế của Arab Saudi còn bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và nền kinh tế Trung Quốc chậm lạ, hai yếu tố đều khiến nhu cầu dầu thô giảm.

H.Mĩ