Vụ kiện chống độc quyền 'drama' nhất thế kỷ 20: Phơi bày bộ mặt tham lam của Bill Gates và trò chơi bẩn của Microsoft?
Luật chống độc quyền áp dụng cho hầu hết lĩnh vực và doanh nghiệp, theo Investopedia. Chính phủ đưa ra luật này để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng trên thị trường và ngăn chặn các hành vi như phá giá sản phẩm, thâu tóm công ty đối thủ để duy trì thế độc quyền. Nói một cách đơn giản, luật chống độc quyền ra đời để cấm các công ty kiếm tiền bằng cách chơi bẩn.
Cuối thể kỷ 20, một trong những vụ kiện chống độc quyền "drama" nhất lịch sử đã xảy ra, với tâm điểm là gã khổng lồ Microsoft của Bill Gates. Đến ngày nay, nhiều người còn cho rằng vụ bê bối này đã cho công chúng thấy một bộ mặt khác của Bill Gates và Microsoft: một doanh nhân tham lam, một doanh nghiệp thích chơi bẩn.
Nguồn cơn của vụ việc
Trong những năm cuối thế kỷ 20, dưới sự chỉ huy của nhà sáng lập kiêm CEO Bill Gates, Microsoft được cho là đã mở rộng ra gần như toàn bộ lĩnh vực của ngành công nghiệp máy tính như ứng dụng, hệ điều hành, thiết bị ngoại vi,…
Dần dần, sự hiện diện ngày càng lớn của Microsoft trên thị trường máy tính cá nhân đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo với các quan chức liên bang. Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) đã tiến hành một cuộc điều tra vào đầu thập niên 1990 để xác định liệu gã khổng lồ này có đang cố gắng tạo thế độc quyền hay không.
Dù vậy, khi đó có một lĩnh vực mà Bill Gates chưa thể thống trị: World Wide Web, tức mạng internet. Netscape, một công ty đối thủ còn khá non trẻ của Microsoft, đã đi trước một bước khi giới thiệu thành công trình duyệt Netscape Navigator. Kể từ khi ra mắt vào năm 1994, Netscape đã chiếm hơn 70% thị trường trình duyệt toàn cầu trong vòng chưa đầy một năm.
Không bằng lòng, Microsoft dốc sức ra mắt Internet Explorer (IE) vào năm 1995. Bất ngờ hơn, Bill Gates đã tung ra một "đòn chí mạng" khi thông báo IE sẽ được cung cấp miễn phí cho người dùng hệ điều hành Windows. Như vậy, khách hàng không còn cần phải cài đặt thêm trình duyệt bên ngoài là Netscape Nagivator.
Có thể thấy, Microsoft đã sử dụng thế độc quyền của hãng trong thị trường hệ điều hành để hạ bệ đối thủ. Đến ngày 18/5/1998, Bộ Tư pháp Mỹ cùng chánh án của 20 bang khác nhau đã đệ đơn cáo buộc Microsoft có hành vi độc quyền, triệt tiêu doanh nghiệp cùng ngành.
Hồ sơ tòa án gây rúng động
Bình luận về vụ kiện, chánh án Thomas Penfield Jackson, người cầm trịch vụ xét xử trên, cho hay: "Tại Mỹ, không một ai hay tập đoàn nào được phép đứng trên pháp luật".
"Các động thái của Microsoft chứng tỏ chiến lược kinh doanh của tập đoàn này là tận dụng thế độc quyền để buộc các công ty khác từ bỏ những dự án có thể đe dọa Microsoft và trừng phạt những công ty làm trái ý", ông Jackson nhấn mạnh.
Hơn hai tháng kể từ ngày 19/10/1998, chánh án Jackson đã lật giờ từng tài liệu của vụ án. Nỗi sợ hãi sâu sắc của Microsoft đối với Netscape thể hiện rõ trong một email với tiêu đề "Làn sóng thủy triều trên mạng internet" do Bill Gates gửi cho cấp dưới vào tháng 5/1995, khoảng 6 tháng sau khi đối thủ tung ra trình duyệt Navigator.
Động thái đầu tiên của Microsoft không phải là cho ra một sản phẩm ưu việt hơn Navigator, mà là cảnh báo Netscape không được phát hành phiên bản trình duyệt tương thích với Windows 95. Lời răn đe này được cho là thực hiện theo lời của Bill Gates, nhưng sau cùng Netscape khước từ yêu cầu của Microsoft.
Thế là, gã khổng lồ công nghệ từ chối tiết lộ thông tin kỹ thuật quan trọng cho Netscape, dù công ty còn non trẻ này đã mở lời xin trợ giúp. Điều đó buộc Netscape phải dời lịch công bố trình duyệt tương thích với Windows 95 và đụng độ kế hoạch ra mắt của IE, theo Guardian.
Sau đó, Microsoft đã khai thác triệt để nhiều cách thức để tăng thị phần lên trên mốc 50% thần thánh. Cuối cùng, để "cướp" luôn miếng bánh của Netscape, Microsoft quyết định cho không IE cho những khách hàng dùng hệ điều hành Windows. Vào thời kỳ đỉnh cao năm 2002, IE chiếm lĩnh đến 95% thị trường trình duyệt.
Cũng trong quá trình điều tra, chánh án Jackson còn biết được thêm nhiều nạn nhân khác của Microsoft, đơn cử như International Business Machines (IBM), American Online, Intel, Apple Computers… Hầu hết đều được cho là thực hiện theo chỉ thị của Bill Gates.
Chia sẻ với vị chánh án, các nhân viên cấp cao của những tập đoàn trên cho biết Microsoft cũng sử dụng chiến lược tương tự như đối với Netscape: đe dọa, đồng thời rút lại các thông tin kỹ thuật trọng yếu nếu họ không khuất phục trước đề nghị của Microsoft.
Tưởng chừng là chiến thắng của những kẻ yếu thế
Cho rằng Microsoft đã cản trở tính cạnh tranh trên thị trường, chánh án Thomas Penfield Jackson đã đưa ra phán quyết bất lợi cho gã khổng lồ công nghệ, làm hoen ố danh tiếng của một tập đoàn từng được cho là động cơ thúc đẩy của nền kinh tế internet.
Cụ thể, vị chánh án kết luận, Microsoft đã vi phạm Đạo luật chống độc quyền Sherman khi cố tình tích hợp trình duyệt IE vào hệ điều hành Windows để "dập tắt sự cạnh tranh chỉ mới nhen nhóm trên thị trường".
Đồng thời, ông Jackson còn cho biết Microsoft đã đe dọa các nhà sản xuất máy tính phải cài IE, nếu không Microsoft sẽ ngừng chiết khấu giá và ra điều kiện ngặt nghèo để buộc các đối thủ phải chọn một trong hai: Netscape Navigator hoặc IE.
Ngày 7/6/2000, tòa án ra lệnh Microsoft phải chia nhỏ tập đoàn như một biện pháp khắc phục. Theo đó, Microsoft phải tách thành hai đơn vị riêng biệt: một để sản xuất hệ điều hành, và một để phát triển phần mềm khác.
Tưởng chừng sau nhiều nỗ lực, các công ty yếu thế từng chịu áp lực từ "đứa con cưng" của Bill Gates đã nhận được quả ngọt thì Microsoft quyết định kháng cáo và lật ngược tình thế.
Tháng 9/2001, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo Microsoft không còn cần phải chia vụn, bác bỏ phán quyết của chánh án Jackson. Sau đó, vào ngày 2/11 cùng năm, hai bên cùng nhượng bộ và đi đến một thỏa thuận chung. Sau cùng, Microsoft chỉ phải đồng ý chia sẻ giao diện lập trình ứng dụng với các công ty khác.
Suy cho cùng, bản án lại trở thành trò cười cho nước Mỹ khi Microsoft vẫn là một ông lớn, chiếm ưu thế với những sản phẩm như hệ điều hành Windows, và Bill Gates - dù đã rút lui khỏi vị trí điều hành Microsoft trong những năm gần đây, vẫn nằm trong nhóm những người giàu nhất thế giới.
Trong khi đó, Netscape cuối cùng không thể cạnh tranh được với IE và buộc phải sáp nhập vào tập đoàn American Online với giá 4,2 tỷ USD vào tháng 11/1998.