|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Vụ địa ốc Alibaba: ‘Nhiều khả năng khách hàng không đòi lại được tiền'

07:10 | 25/09/2019
Chia sẻ
Theo Phó Chủ tịch VARs, các khách hàng trong vụ việc liên quan đến địa ốc Alibaba nhiều khả năng sẽ không đòi được số tiền đã nộp cho công ty này bởi vì việc mua đất là trái qui định.
nguyen_thai_luyen_1-1212104

Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện. (Ảnh: Địa ốc Alibaba)

Địa ốc Alibaba lớn nhanh nhưng tuổi thọ ngắn?

Vụ việc lừa đảo liên quan đến Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba đang gây xôn xao dư luận trong những ngày gần đây.

Theo đó, địa ốcAlibaba và các công ty thành viên đã thu mua số lượng lớn đất nông nghiệp với tổng diện tích hơn 600 ha, giao cho các cá nhân đứng tên, tự vẽ ra 40 dự án "ma". Trong đó, tại Đồng Nai là 29 dự án, Bà Rịa - Vũng Tàu 9 dự án và Bình Thuận 2 dự án.

Tất cả các dự án này được xác định chưa làm thủ tục pháp lí, chưa được cơ quan thẩm quyền phê duyệt và cấp phép.

Sau đó, Công ty Alibaba tổ chức quảng cáo sai sự thật để bán đất cho khách hàng. Tính đến ngày 30/6/2019, công ty đã kí hợp đồng bán đất nền cho hơn 6.700 khách hàng, thu được hơn 2.500 tỉ đồng.

Đến chiều ngày 18/9, Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc Alibaba và Nguyễn Thái Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty CP Địa ốc Alibaba đã bị bắt tạm giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nói về doanh nghiệp này, sau gần 2 năm kể từ thời điểm Địa ốc Alibaba bị điều tra, doanh nghiệp này không những không suy yếu mà còn phình to với tốc độ "chóng mặt".

Theo thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng kí doanh nghiệp, CTCP Địa ốc Alibaba thành lập vào tháng 5/2016, có địa chỉ tại số 321 Điện Biên phủ, Phường 15, Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh.

Ngành nghề kinh doanh chính là tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản và đấu giá quyền sử dụng đất. Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Thái Lĩnh.

Ngày 3/12/2016, công ty này đăng kí thay đổi lần thứ nhất với vốn điều lệ 20 tỉ đồng. Tiếp đến 26/9/2017, khi đăng kí thay đổi lần thứ 3, vốn điều lệ lên đến 1.600 tỉ đồng, góp vốn bằng tiền mặt.

Đến nay, doanh nghiệp đã đạt đến qui mô 20 công ty con và hơn 2.500 nhân sự, vốn điều lệ tăng tới con số không tưởng là 5.600 tỉ đồng, đã và đang triển khai 48 dự án với tổng số sản phẩm gần 29.000 nền đất.

Cùng với quá trình "lớn nhanh như thổi" của mình, chiêu thức kinh doanh của Alibaba cũng dần được bóc trần. Báo chí đang ví rằng, phương thức hoạt động của Alibaba gần giống với mô hình của Ponzi (siêu lừa 15 triệu USD từ năm 1920) huy động vốn của người trước trả lãi cho người sau.

Khả năng khách hàng bị thiệt hại rất cao

Vụ việc người đứng đầu Công ty địa ốc Alibaba bị bắt đang thu hút sự quan tâm của dư luận về câu hỏi liệu các khách hàng mua dự án của Alibaba có đòi lại được số tiền đã nộp hay không?

Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội môi giới BĐS Việt Nam (VARs) cho rằng, các khách hàng trong vụ việc lần này nhiều khả năng sẽ không đòi được số tiền đã nộp cho công ty này.

Bởi vì việc mua đất này là trái qui định mà nếu đã trái qui định thì đất đai hiện tại sẽ trở thành tang vật của vụ án và Nhà nước sẽ tịch thu để đưa vào sử dụng theo đúng chức năng.

"Rõ ràng, không thể nói thu hồi số đất đó để trả cho người bị hại, chắc chắn sẽ không có điều này. Do đó, tôi cho rằng, khả năng khách hàng bị thiệt hại là rất lớn, đây cũng được coi là một bài học cho họ", ông Đính nhận định.

Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch VARs, chính quyền địa phương cũng là những người gián tiếp tiếp tay cho những hành vi của Alibaba. Do đó phải liên đới chịu trách nhiệm chung với công ty này. Bởi vì nếu đúng nguyên tắc thì khách hàng phải kiểm tra pháp lí dự án nhưng tại sao họ lại chủ quan không kiểm tra? Vì họ nghĩ đây là những dự án đàng hoàng?

Ông Đính phân tích, bằng chứng là nhiều dự án đã được san, lấp và đầu tư đường sá thì tại sao chính quyền lại không biết? Do vậy, có thể lập luận rằng người dân chủ quan vì nghĩ rằng dự án đã được chính quyền đồng ý nên doanh nghiệp mới triển khai.

"Do vậy, để xảy ra những mất mát cho người dân thì không thể không kể đến trách nhiệm của chính quyền địa phương", ông Đính nhấn mạnh.

Liên quan đến con số hơn 6.700 khách hàng mà địa ốc Alibaba đã kí hợp đồng bán đất nền, theo ông Đính, công ty này đã đánh trúng vào tâm lí "ham lợi" của khách hàng.

Thứ nhất, doanh nghiệp này tạo niềm tin cho khách hàng bằng việc chứng minh dự án tồn tại, có đầu tư về hạ tầng,… trong khi mức giá lại quá hợp lí. Thứ hai, mức lãi suất trả cho những người không lấy đất là khá cao và quay vòng nhanh. Rõ ràng, đây đều là những chính sách quá hấp dẫn.

"Chiêu thức kinh doanh của Alibaba chính là một hành vi đa cấp. Hành vi đa cấp nếu xét theo qui định của pháp luật thì phải đăng kí đối với hàng hóa bán giá thấp, còn đối với bất động sản thì chưa ai cho phép bán hàng đa cấp. 

Bởi vì bất động sản là để đầu tư xây dựng, để bán cho những người có nhu cầu về ở và kinh doanh, chứ không thể trở thành một hàng hóa luân chuyển bán theo kiểu đa cấp", Phó Chủ tịch VARs nhấn mạnh.

Trong vụ việc Alibala lần này, theo ông Đính, đối tượng mua đất trong đó bao gồm những người có nhu cầu thực nhưng chiếm số lượng lớn hơn là những nhà đầu cơ muốn lướt sóng để kiếm lợi.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, hành vi găm đất nền để chờ giá lên rồi bán không thể được coi là một nhu cầu chính đáng. Các dự án cho phép bán đất nền để khách hàng mua về xây nhà ở chứ không cho phép bán đất nền để găm, giữ. Hoạt động này không tạo ra sự phát triển kinh tế và cũng không ai khuyến khích hoạt động này.

Thu Hà