|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vụ BOT T2: 'Chúng tôi muốn đi bao nhiêu mét đường thì trả bấy nhiêu tiền'

20:16 | 23/05/2019
Chia sẻ
Không đồng tình với phương án giảm giá cũ, đại diện 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ đề xuất Tổng cục Đường bộ nhanh chóng đề nghị Bộ GTVT đồng ý với đề xuất trên của An Giang về việc thu phí ở trạm thu phí T2, quốc lộ 91.
Vụ BOT T2: Chúng tôi muốn đi bao nhiêu mét đường thì trả bấy nhiêu tiền - Ảnh 1.

Các tài xế phản ứng trạm thu phí T2 BOT quốc lộ 91 ngày 21-5 - Ảnh: CHÍ HẠNH

Sáng 23-5, tại trụ sở UBND quận Thốt Nốt, Cần Thơ, đại diện các cơ quan, ban ngành 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ có cuộc họp với đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, lãnh đạo Công ty CP đầu tư quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang.

Cuộc họp do Sở GTVT Cần Thơ chủ trì họp để ghi nhận ý kiến của ngành chức năng 3 tỉnh hướng tới thống nhất phương án xử lý những bất cập đang tồn tại ở trạm thu phí T2, dự án BOT quốc lộ 91.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sau cuộc họp, ông Nguyễn Việt Trí - giám đốc Sở GTVT An Giang -cho biết kinh tế An Giang hiện còn rất khó khăn và tỉnh rất mong nhà đầu tư tìm đến đây. Việc đặt trạm T2 như hiện nay liên tục gặp phản ứng của Hiệp hội vận tải, giới lái xe và cả xe tư nhân. Vì vậy, phải có giải pháp xử lý, tạo đồng thuận và cần phải xem xét lại.

Ông Trí đề xuất 2 phương án giải quyết trạm T2.

Thứ nhất, những xe từ hướng Kiên Giang, từ cầu Vàm Cống rẽ xuống để vào An Giang sẽ được phát thẻ. Đến trạm T2 các xe này trả thẻ và mua vé giá 2.000 đồng để qua trạm, tương đương 300m đường dự án quốc lộ 91.

Tất cả các xe từ An Giang qua trạm T2 sẽ mua vé 2.000 đồng, nếu đi lên cầu Vàm Cống và về Kiên Giang thì không cần phải mua. Còn nếu xuống trạm T1 thì tiếp tục mua vé 33.000 đồng là đủ 35.000 đồng cho chủ đầu tư.

Vụ BOT T2: Chúng tôi muốn đi bao nhiêu mét đường thì trả bấy nhiêu tiền - Ảnh 2.

Ông Lê Việt Trí, giám đốc Sở GTVT An Giang, trả lời báo chí sau cuộc họp - Ảnh: CHÍ HẠNH

Thứ hai, nếu chủ đầu tư sợ thất thu thì tất cả xe của tỉnh An Giang khi qua trạm đều mua vé 35.000 đồng, nhưng nếu xe nào rẽ về Kiên Giang hoặc lên cầu Vàm Cống thì chủ đầu tư phải tổ chức trả lại 33.000 đồng.

Giải pháp này được sự ủng hộ cao của các thành phần tham dự và không đồng ý với giải pháp miễn giảm như trước.

"Tổng cục Đường bộ cũng nên có thông cáo báo chí cho rõ ràng đến dư luận, không để tình hình nóng lên một cách vô lý như trước. Chúng tôi muốn đi bao nhiêu mét đường thì trả bấy nhiêu tiền. Chuyện thu phí ở trạm T2 là chuyện nhỏ, chuyện lớn ở đây là sự bất ổn, xáo trộn xã hội địa phương", ông Trí nói.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Khang - tổng giám đốc Công ty CP đầu tư quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang, từ trước đến nay đã miễn giảm cho hơn 10.000 xe ở 3 tỉnh An Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ.

Khi cầu Vàm Cống thông xe, các địa phương tiếp tục rà soát đối tượng nào miễn giảm và lập danh sách. Trên cơ sở đó chủ đầu tư sẽ giảm giá theo đúng danh sách đó. Còn những đề xuất hôm nay, thẩm quyền nào của bộ thì bộ sẽ giải quyết, thẩm quyền nào của Chính phủ thì Chính phủ giải quyết.

Vụ BOT T2: Chúng tôi muốn đi bao nhiêu mét đường thì trả bấy nhiêu tiền - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Khang, tổng giám đốc Công ty CP đầu tư quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang, thông tin những vấn đề liên quan đến trạm T2 - Ảnh: CHÍ HẠNH

Đề cập việc đầu năm 2018 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có kết luận giao Bộ GTVT chủ trì phối hợp các bộ ngành kiểm tra, đánh giá để có phương án đặt trạm T2 phù hợp nhất trước khi khánh thành cầu Vàm Cống, ông Khang nói: "Dự án đầu tư do Chính phủ phê duyệt nên tất cả việc đụng chạm đến dự án đầu tư cần phải có cơ quan phê duyệt, quyết định.

Tôi nghĩ Bộ GTVT là thành viên của Chính phủ nên khi có chỉ đạo, bộ sẽ tích cực thực hiện theo đúng chỉ đạo đó".

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, đại diện Công an TP Cần Thơ và đa số đại biểu đều đề xuất Tổng cục Đường bộ nhanh chóng đề nghị Bộ GTVT đồng ý với các đề xuất trên của An Giang và không đồng tình với phương án giảm giá cũ.

Thời gian giải quyết trạm T2 cũng được đề nghị trong vòng 15 ngày.

Chí Hạnh