VSA: Khó khăn của ngành thép có thể kéo dài đến quý II/2023
Khó khăn của ngành thép có thể kéo dài đến quý II/2023
Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), trong tháng 10, sản xuất thép thành phẩm đạt 2 triệu tấn, giảm 16% so với tháng 9 và giảm 29% so với cùng kỳ 2021. Tiêu thụ thép các loại đạt 1,8 triệu tấn, giảm 5,5% so với tháng trước và giảm 29% so với cùng kỳ.
Tính chung 10 tháng năm, sản xuất thép thành phẩm đạt 25,3 triệu tấn, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2021; tiêu thụ thép thành phẩm đạt 23,1 triệu tấn, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2021.
VSA nhận định 10 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam khá ổn định, các cân đối vĩ mô có triển vọng, lạm phát trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, tình hình thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh các ngành, đặc biệt ngành thép trong nước đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức có khả năng kéo dài đến quý II/2023.
Còn theo quan điểm của CTCP Chứng khoán Everest (EVS Research), ngành thép đang ở giai đoạn khó khăn nhất 10 năm. Sản xuất và tiêu thụ thép trong quý III thậm chí còn thấp hơn quý III/2021, thời điểm nước ta đóng cửa vì dịch bệnh, các hoạt động xây dựng gần như đóng băng tại các thành phố lớn.
“Trong quý III và trong 9 tháng đầu năm, ngành thép gặp khó do ngành bất động sản bị ảnh hưởng sau vụ việc của Tân Hoàng Minh hồi đầu năm, trái phiếu bị siết chặt. Đây là nguồn vốn quan trọng đối với các doanh nghiệp bất động sản trong một vài năm trở lại đây”, báo cáo viết.
Tính đến thời điểm công bố báo cáo này, hầu hết các doanh nghiệp ngành thép đã công bố báo cáo tài chính quý III. Doanh thu của 8 doanh nghiệp thép lớn nhất lần lượt đạt 59.274 tỷ đồng, giảm 19%; lợi nhuận sau thuế âm 3.317 tỷ đồng.
Trong đó, 5 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất là Hòa Phát (HPG), Hoa Sen (HSG), Nam Kim (NKG), Gang thép Thái Nguyên (TIS) và Thép SMC (SMC) đều ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm. Đặc biệt là Hòa Phát đã có quý thứ hai ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm sau gần 12 năm tăng trưởng dương.
EVS Research dự báo rằng ngành thép sẽ phục hồi nhẹ vào quý IV, khi bắt đầu vào mùa xây dựng. Tuy nhiên, xét về dài hạn, ngành thép trong nước vẫn gặp khó khăn.
Giá nguyên liệu thép tiếp tục đi xuống
Về tình hình nguyên liệu sản xuất thép, VSA thông tin giá quặng sắt ngày 7/11 giao dịch ở mức 87,8 - 88,3 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân (Trung Quốc), giảm khoảng 7,75 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 10. Mức giá này giảm khoảng 122,2-123,7 USD/tấn so với mức giá cao nhất được ghi nhận hồi đầu tháng 5/2021, tương đương 210 – 212 USD/tấn.
Giá than mỡ luyện cốc xuất khẩu tại cảng Australia ngày 7/11 giao dịch ở mức khoảng 302 USD/tấn FOB, tăng mạnh 46,5 USD/tấn so với đầu tháng 10/2022.
Trong tháng 10, giá thép phế nội địa tăng 800-1.000 đồng/kg lên 8.200-9.200 đồng/kg. Ngược lại, giá thép phế liệu nhập khẩu cảng Đông Á ở mức 394 USD/tấn CFR Đông Á ngày 7/11 giảm 11 USD/tấn so với hồi đầu tháng 10.
Giá điện cực than chì (GE) tại Trung Quốc giảm tháng thứ năm liên tiếp trong bối cảnh tình hình kinh tế nước này xấu đi và nhu cầu thiếu trầm trọng. Các nhà sản xuất điện cực graphite của Trung Quốc đã bị lỗ tại thị trường nội địa trong quý III (khoảng 20-60 USD/tấn) do giá lao dốc và tốc độ giảm chi phí sản xuất quá chậm.
Giá cuộn cán nóng (HRC) ngày 7/11 ở mức 488 USD/tấn, CFR cảng Đông Á, giảm mạnh 81 USD/Tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 10.
VSA cho rằng từ đầu quý II đến nay, giá nguyên vật liệu sản xuất thép liên tục đi xuống, mức giảm lên tới 50% so với quý I, khiến các doanh nghiệp thép chịu ảnh hưởng, hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn, hiệu quả thấp.
Cùng với giá nguyên liệu giảm, nhu cầu sử dụng thép trong nước vẫn yếu, xuất khẩu cũng giảm nhiều do cạnh tranh về giá khiến sản lượng bán hàng và giá thép lao dốc.