Vốn 88 tỉ, lỗ lũy kế đến 628 tỉ đồng, công ty liên kết của Satra còn 'ôm' nợ xấu 320 tỉ đồng vay Sacombank lên UPCoM
CTCP Kinh doanh Thuỷ hải sản Sài Gòn kỳ vọng đưa cổ phiếu lên UPCoM hoá giải nguy cơ dừng hoạt động, giá tham chiếu 2.500 đồng/cp
Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), CTCP Kinh doanh Thuỷ hải sản Sài Gòn chính thức đưa 8,8 triệu cổ phiếu APT giao dịch trên UPCoM từ ngày 7/6 tới đây với giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên 2.500 đồng/cp.
Được biết, công ty hoạt động kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản và các lĩnh vực liên quan như mua bán vật tư nuôi trồng thuỷ sản, chế biến thuỷ sản, chế biến nước mắm, nước chấm, kinh doanh ăn uống các mặt hàng thuỷ hải sản tươi sống, bảo quản đông lạnh,...
Năm 2006, công ty thực hiện cổ phần hoá từ doanh nghiệp Nhà nước Công ty Kinh doanh Thuỷ hải sản. Công ty chính thức đi vào hoạt động dưới mô hình CTCP từ ngày 1/1/2007 với mức vốn điều lệ ban đầu là 88 tỉ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, công ty chưa tiến hành tăng vốn điều lệ.
Tính đến ngày 2/4, Kinh doanh Thuỷ hải sản Sài Gòn có duy nhất cổ đông lớn sở hữu 30% vốn điều lệ công ty là Tổng công ty Thương mại Sài Gòn – TNHH MTV.
Nguồn: Bùi Lâm tổng hợp
Trong 4 năm gần đây, Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn liên tục kinh doanh thua lỗ mặc dù doanh thu có sự cải thiện. Gần đây nhất, năm 2018, công ty lỗ 36 tỉ đồng, cao hơn so với mức lỗ 31 tỉ đồng năm 2017.
Đáng chú ý, đến thời điểm 31/12/2018, Kinh doanh Thuỷ hải sản Sài Gòn lỗ luỹ kế hơn 628 tỉ đồng, làm âm nguồn vốn chủ sở hữu 539 tỉ đồng.
Tại báo cáo kiểm toán năm 2018, kiểm toán viên đánh giá :"Đến thời điểm 31/12/2018, công ty đang lỗ lũy kế 628 tỉ đồng, làm âm nguồn vốn chủ sở hữu 538 tỉ đồng và các khoản nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn là 604 tỉ đồng. Các dấu hiệu này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đang kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty".
Tính đến 31/12/2018, nợ ngắn hạn của công ty 709 tỉ đồng trong khi tài sản ngắn hạn công ty chỉ đạt 101 tỉ đồng. Cụ thể hơn về nợ vay tài chính ngắn hạn, Kinh doanh Thuỷ hải sản Sài Gòn 'ôm' khoản nợ trị giá hơn 318 tỉ đồng (gồm tiền và vàng) vay Sacombank từ tháng 1/2009 và không có khả năng chi trả.
Theo đó, công ty đã đề nghị phương án chuyển nợ vay thành vốn góp điều lệ nhưng không được ngân hàng Sacombank đồng ý. Công ty cho biết sẽ tiếp tục tìm kiếm giải pháp để xử lý khoản vay nợ với ngân hàng Sacombank.
Nguồn: BCTC năm 2018
Như vậy, công ty phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, theo thông tin từ doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh còn phụ thuộc vào việc công ty có thể tái cơ cấu vốn vay và kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu trong thời gian tới.
Cà phê Thắng Lợi dự kiến cổ phần hoá trong năm 2019, đưa 6,3 triệu cổ phần giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu 21.300 đồng/cp
Ngày 3/6, gần 6,3 triệu cổ phần của Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Thắng Lợi chính thức giao dịch trên thị trường UPCoM với mã chứng khoán CFV. Giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 21.300 đồng/cp.
Tiền thân công ty là Nông trường Cà phê Thắng Lợi thành lập tháng 3/1977 tại huyện Krông Păk, tỉnh Đắk Lắk. Ngày 20/4 cùng năm, công ty Cà phê Thắng Lợi do nhà nước sở hữu 100% vốn chính thức ra mắt. Tháng 4/2007, công ty được chuyển đổi thành Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Thắng Lợi với vốn điều lệ ban đầu 45 tỉ đồng. Sau nhiều lần tăng vốn từ nguồn lợi nhuận sau thuế, vốn điều lệ công ty hiện đạt 131 tỉ đồng.
Cà phê Thắng Lợi hoạt động trong lĩnh vực chính là trồng và chăm sóc, kinh doanh cà phê xuất khẩu và các mặt hàng nông sản với 2.152 ha diện tích đất được giao, trong đó 1.822 ha sử dụng để trồng cà phê.
Nguồn: Bùi Lâm tổng hợp
Năm 2018, doanh thu thuần của Cà phê Thắng Lợi có sự tăng trưởng 52% so với năm 2017, đạt 188,4 tỉ đồng. Tuy nhiên, chi phí lãi vay tăng 330% và chi phí bán hàng phát sinh gấp đôi cùng kì khiến LNST công ty ty chỉ tương đương năm trước đó, đạt 13 tỉ đồng.
Chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu thuần của công ty là hoạt động thu mua – xuất khẩu cà phê với tỉ trọng bình quân 81% trong giai đoạn 2015 – 2018. Tiếp đến là doanh thu từ hoạt động trồng – sản xuất cà phê xuất khẩu chiếm tỉ trọng trung bình 14% mỗi năm. Phần còn lại là hoạt động cho thuê kho được duy trì tương đối ổn định qua các năm.
Cơ cấu doanh thu thuần của Cà phê Thắng Lợi giai đoạn 2015 - 2018. Nguồn: Bản TTTT
Được biết, công ty có kế hoạch cổ phần hoá trong năm 2019 thành CTCP Cà phê Thắng Lợi với vốn điều lệ 126,5 tỉ đồng. Theo đó, tỉ lệ sở hữu của nhà nước dự kiến giảm còn 36% vốn cổ phần, 14,54% dự kiến bán cho cán bộ công nhân viên, 49,46% còn lại sẽ bán đấu giá công khai ra công chúng. Năm đầu tiên sau cổ phần hoá, công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần năm 2019 đạt 227,2 tỉ đồng, LNST dự kiến 10,84 tỉ đồng và tỉ lệ cổ tức 4%.