|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vốn đầu tư mạo hiểm cho startup trên toàn cầu giảm hơn 50% trong quý I

16:46 | 04/05/2023
Chia sẻ
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn, các startup đã không còn khả năng gọi vốn dễ dàng như trước, trong khi các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng không vội vàng trong việc đưa ra quyết định mà có xu hướng chờ đợi cũng như tính toán kỹ trước khi rót vốn.

Dữ liệu của Crunchbase cho thấy các nhà đầu tư mạo hiểm đã tiếp tục giảm tốc độ đầu tư trong quý đầu năm 2023. Cụ thể, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu trong quý I đạt mức 76 tỷ USD, giảm 53% so với cùng kỳ năm trước.

Tính riêng trong quý I, chỉ riêng OpenAI và Stripe đã nhận nguồn vốn đầu tư lên tới 16,5 tỷ USD. Nếu không có hai thỏa thuận lớn này, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu thậm chí chỉ còn gần 60 tỷ USD.

Số lượng giao dịch vốn đầu tư mạo hiểm trên toàn cầu trong quý I giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. (Nguồn: Crunchbase - Doanh Chính tổng hợp).

Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank, một trong những ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, hỗ trợ cho các startup là một trong những yếu tố khiến môi trường đầu tư cho startup sụt giảm. Tính đến cuối năm 2022, các quỹ đầu tư mạo hiểm vẫn còn khoảng 580 tỷ USD để rót vốn cho các startup. Bất chấp số tiền huy động được từ các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư mạo hiểm vẫn triển khai vốn với tốc độ chậm hơn trong ba tháng đầu năm ở tất cả các vòng gọi vốn của startup.

Vòng cấp vốn hạt giống (Seed)

Trong quý đầu tiên của năm 2023, tổng vốn tài trợ cho vòng gọi vốn hạt giống là 6,9 tỷ USD, giảm 44% so với năm trước, một tín hiệu cho thấy ngay cả ở giai đoạn cấp vốn sớm nhất, các nhà đầu tư cũng đang cẩn trọng.

Vốn đầu tư mạo hiểm cho các startup trên toàn cầu qua từng vòng giai đoạn 2022 - 2023. (Nguồn: Crunchbase - Doanh Chính tổng hợp).

Điều đó rất quan trọng vì cho đến nay, vòng cấp vốn hạt giống là giai đoạn cấp vốn ít bị ảnh hưởng nhất. Trong nửa đầu năm 2022, nguồn tài trợ hạt giống tăng lên đều đặn, nhưng số tiền tài trợ cho vòng đầu tư hạt giống toàn cầu có xu hướng giảm hơn 25% so với cùng kỳ năm trước trong quý IV/2022.

Khoảng thời gian này, những hứa hẹn về trí tuệ nhân tạo (AI) lại thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. Công nghệ này sẽ tác động đến nhiều lĩnh vực khác nhau, mang đến cơ hội cho các công ty mới và đã thành lập. Các công ty AI được thành lập từ vòng cấp vốn hạt giống bao gồm công ty mô hình ngôn ngữ lớn Fixie.ai, nền tảng mã CodiumAI và công nghệ sinh học MoleculeMind.

Vòng cấp vốn Early Stage (Series A hoặc Series B)

Nguồn vốn tài trợ cho các vòng cấp vốn Early Stage trong quý I đạt 25,6 tỷ USD, giảm 54% so với cùng kỳ năm trước. Trong số hai giai đoạn cấp vốn ở vòng này, vòng gọi vốn Series B của các startup cho thấy mức giảm lớn hơn so với Series A về cả số lượng và tổng giá trị nguồn vốn đầu tư.

Vòng cấp vốn Late và Large Stage (Series C, Series D,…)

Tổng nguồn vốn tài trợ cho vòng gọi vốn này trong ba tháng đầu năm trên toàn cầu là 43 tỷ USD, giảm đáng kể so với mức 93 tỷ USD trong quý I/2022, nhưng lại tăng so với mức 34 tỷ USD trong quý IV/2022.

Hàng tỷ USD huy động được bởi OpenAI, đơn vị đứng sau chatbot ChatGPT và Stripe chiếm 22% tổng vốn đầu tư mạo hiểm huy động được trong quý vừa qua ở vòng cấp vốn này.

Lĩnh vực AI kéo giúp thị trường startup

Quá trình đầu tư mạo hiểm của các quỹ vào các công ty khởi nghiệp trên toàn cầu phần lớn đã chậm lại trong quý I ở hầu hết lĩnh vực. Trong số đó, các lĩnh vực đã chứng kiến sự sụt giảm rõ ràng nhất bao gồm thương mại điện tử, blockchain và tiền điện tử.

Mặc dù vậy, vẫn có một số ngành nghề chứng kiến sự tăng trưởng nguồn vốn đầu tư cho startup, nổi bật là AI, với những khoản đầu tư giá trị lớn trong ba tháng đầu năm nay. Các công ty hoạt động trong lĩnh vực AI chiếm 19% tổng nguồn nguồn vốn đầu tư vào các startup trên toàn cầu trong quý vừa qua, với các khoản đầu tư khủng của Microsoft vào OpenAI và hàng trăm triệu USD được rót vào các công ty như Anthropic, SandboxAQ và Adept AI, theo dữ liệu của Crunchbase.

Anh Nguyễn