|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vốn đầu tư chảy mạnh hơn về Đông Nam Á, Việt Nam và Indonesia là hai tâm điểm

07:06 | 03/09/2019
Chia sẻ
Các startup ở Đông Nam Á đã nhận tổng vốn đầu tư 8,58 tỉ USD trong 7 tháng đầu tiên của năm 2019.

Vốn đầu tư cho các startup đổ mạnh vào Đông Nam Á

Đông Nam Á đang trở thành tâm điểm của các nhà đầu tư trong bối cảnh kinh doanh chậm lại ở nhiều quốc gia trên thế giới. 

7 tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư mạo hiểm đã huy động 2,62 tỉ USD cam kết đầu tư cho các startup trong khu vực này.

Cùng thời điểm, các công ty tại Đông Nam Á cũng "bỏ túi" các khoản đầu tư và thực hiện các thương vụ thâu tóm và sáp nhập với tổng giá trị tới 15,18 tỉ USD, theo dữ liệu từ DealStreetAsia, bao gồm cả vốn bơm vào các công ty tư nhân bởi các quỹ đầu tư tư nhân, quỹ đầu tư mạo hiểm và các doanh nghiệp lớn.

Singapore đang là quốc gia đứng đầu bảng, chiếm 30,7% trong tổng giá trị các thương vụ trong thời gian từ tháng 1 đến hết tháng 7 năm nay. Thái Lan đứng hai với tỉ trọng 25%, chủ yếu nhờ thương vụ nhà băng Siam Commercial Bank bán mảng bảo hiểm nhân thọ giá trị 3 tỉ USD cho FDW (Hong Kong).

Quốc gia còn lại nằm trong top 3 là Indonesia với tỉ trọng 19,6%. Đầu tư vào startup Đông Nam Á trong bảy tháng 7 đầu năm đạt tổng 8,58 tỉ USD, giảm nhẹ so với con số 9,88 tỉ USD cùng kì năm ngoái. Trong cả năm 2018, các startup khu vực nhận tổng đầu tư 14,7 tỉ USD.

mh1

(Nguồn: DealStreetAsia, Việt hoá: Thái Sơn)

Với các startup "kì lân" trong khu vực tiếp tục kêu gọi nhiều vòng đầu tư, tổng đầu tư vào startup Đông Nam Á trong năm 2019 ước đạt tương đương năm ngoái.

Grab, startup gọi xe có trụ sở tại Singapore, lên kế hoạch gọi thêm 2 tỉ USD để kết thúc vòng gọi vốn Series H với giá trị 6,5 tỉ USD, vốn khởi động từ năm ngoái. 

Năm nay, Grab cho biết đã đón 1,76 tỉ USD đầu tư, bao gồm 1,46 tỉ USD từ SoftBank và 300 triệu USD từ công ty quản lí đầu tư Invesco, bên cạnh 200 triệu USD riêng biệt từ nhà bán lẻ Thái Lan Central Group.

Anthony Tan, người đồng sáng lập và CEO Grab, xác nhận công ty đang cân nhắc tách mảng thanh toán và dịch vụ tài chính thành một công ty riêng, qua đó cho phép các nhà đầu tư chiến lược đầu tư trực tiếp vào nó. Ant Financial (Alibaba) và PayPal trước đó đã bày tỏ sự quan tâm.

Trong khi đó, Go-Jek cũng đã gọi được hơn 3 tỉ USD trong Series F. DealStreetAsia cho biết startup gọi xe Indonesia vẫn mở cửa nhận đầu tư trong ngắn hạn và có thể sẽ đón tối đa 4 tỉ USD đầu tư.

Chủ tịch và CEO SoftBank Masayoshi Son đồng thời bày tỏ sự quan tâm vào việc đầu tư cho startup kì lân của Indonesia ở lĩnh vực thương mại điện tử Tokopedia. Về phần mình, startup du lịch Traveloka cũng mong muốn có 500 triệu USD đầu tư mới.

Sự quan tâm dành cả cho các startup nhỏ nhưng tiềm năng

Tính đến thời điểm hiện tạ, câu chuyện thành công của startup Đông Nam Á trong năm 2019 không chỉ đến từ những startup "kì lân".

Trong nửa đầu năm nay, công ty đầu tư mạo hiểm Cento Ventures nói rằng chỉ khoảng 50% trong tổng đầu tư lĩnh vực công nghệ ở Đông Nam Á dành cho các startup lớn, giảm xuống từ tỉ trọng 70% của năm trước.

mh2

Singapore chiếm 30,7% tổng vốn đầu tư và giá trị M&A tại Đông Nam Á trong 7 tháng đầu năm 2019. (Ảnh: Nikkei)

Đông Nam Á cũng đang có rất nhiều startup nằm trong nhóm tiệm cận "kì lân" – cột mốc định giá 1 tỉ USD – bao gồm startup thanh toán Việt Nam VNPAY, cái tên vừa nhận khoản đầu tư không được tiết lộ từ SoftBank và quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC Pte.

Danh sách nói trên cũng không thể không kể đến công ty streaming video iflix (đang nhăm nhe IPO trên sàn chứng khoán Úc với định giá mục tiêu 1 tỉ USD), chợ thời trang Zilingo (định giá hiện tại khoảng 970 triệu USD và đang nhận sự quan tâm của SoftBamk) và startup trong lĩnh vực nội dung võ thuật ONE Championship.

"Mặc dù dòng vốn vẫn chủ yếu dành cho những cái tên quen thuộc, chúng tôi nhận thấy nhiều công ty khác cũng đang kêu gọi các vòng gọi vốn lớn hơn, đưa định giá lên trên mốc 100 triệu USD", Cento Ventures nói trong một báo cáo.

Nhóm công ty nói trên chủ yếu có trụ sở ở Indonesia và Singapore và lĩnh vực thương mại điện tử cũng như công nghệ tài chính đang chiếm ưu thế. Dù vậy, các lĩnh vực như lữ hành hay phần mềm doanh nghiệp cũng ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm hơn.

Trong cuộc tìm kiếm startup "kì lân" tiếp theo hứa hẹn mang lại những khoản lợi nhuận hậu hĩnh, các công ty đầu tư mạo hiểm cũng đang đẩy mạnh bổ sung sức mạnh tài chính.

7 tháng đầu năm nay, các quỹ đầu tư mạo hiểm quan tâm đến Đông Nam Á đã đưa ra cam kết đầu tư 2,62 tỉ USD. Năm ngoái, con số dừng lại ở 2,12 tỉ USD.

mh3

(Nguồn: DealStreetAsia, Đồ hoạ: Thái Sơn)

"Sân chơi" không của riêng các quỹ đầu tư mạo hiểm

Sự hấp dẫn của thị trường Đông Nam Á còn khiến cả các quỹ đầu tư tư nhân phải quan tâm. Nhóm nhà đầu tư này ngày càng sẵn lòng đầu tư sớm vào các công ty tiềm năng.

"Chiều sâu vốn dành cho Đông Nam Á vẫn khá mỏng", Jeffrey Perlman, giám đốc điều hành và người đứng đầu thị trường Đông Nam Á của Warburg Pincus, chia sẻ. "Dù thế, chúng tôi thấy nhiều cơ hội hấp dẫn tại khu vực và nhiều vốn đang chảy vào đây", ông nói thêm.

Warburg là một trong những nhà đầu tư sớm vào Go-Jek và Trax, một starup kì lân lĩnh vực giải pháp bán lẻ của Singapore. Tháng 6 vừa qua, Warburg tuyên bố lập quỹ đầu tư 4,25 tỉ USD cho Trung Quốc và Đông Nam Á. Đây là lần đầu tiên Đông Nam Á trở thành điểm tập trung của công ty.

Trong số các thị trường Đông Nam Á, Indonesia và Việt Nam nổi lên như những sự lựa chọn hấp dẫn hơn.

"Các nhà đầu tư ngày càng tập trung vào thị trường Đông Nam Á với tốc độ phát triển nhanh, dân số trẻ và số lượng tầng lớp trung lưu tăng lên", ông Pearlman chia sẻ thêm. "Việt Nam và Indonesia nổi bật hơn ở góc nhìn này và tôi nhận thấy vốn sẽ rất nhiều vào đây."

Là nền kinh tế nhất Đông Nam Á và dân số lớn thứ 4 thế giới, Indonesia là một thị trường nội địa lý tưởng cho các startup. Với đặc thù số lượng người dùng smartphone và Internet cao, cũng không khó hiểu khi các startup kì lân tại đây, bao gồm Go-Jek, Tokopedia, Traveloka và Bukalapak, đều là startup công nghệ.

"Tiềm năng là không giới hạn với quy mô dân số của Indonesia", Melissa Irene từ East Ventures, chia sẻ. Bà hướng đến các lĩnh vực dành cho người dùng trẻ, trung lưu (chuỗi cà phê, thương mại điện tử) hay người dùng mong muốn số hoá các lĩnh vực truyền thống (giáo dục, logistics, tài sản và chăm sóc sức khoẻ).

h4

Văn phòng Traveloka, một trong những startup kì lân của Indonesia (Ảnh: Nikkei)

Chính phủ Indonesia cùng lúc cũng thu hút các nhà đầu tư bằng những chính sách thân thiện hơn. Hồi tháng 7, một gói ưu đãi thuế doanh nghiệp được tung ra để thúc đẩy đầu tư và các hoạt động nghiên cứu – phát triển.

Việt Nam trong khi đó có điểm mạnh ở sự đa dạng trong các lĩnh vực mà startup hướng tới. Quy mô đầu tư ở Việt Nam còn nhỏ, Brian Chang, một nhân sự tại quỹ đầu tư EQT Partners, nhận định, nhưng "thị trường tăng trưởng rất nhanh".

"Một công ty còn nhỏ vào hôm nay có thể không còn nhỏ nữa chỉ trong hai năm và chúng tôi muốn có một chỗ đứng ở đây", ông khẳng định.

Chính phủ Việt Nam vừa mới kí một thoả thuận với các nhà đầu tư mạo hiểm khu vực và thế giới để đầu tư tổng 10 nghìn tỉ đồng cho các startup địa phương trong ba năm tới, theo Nikkei.

Thương chiến Mỹ - Trung có thể là cơ hội để các startup Đông Nam Á hưởng lợi khi các nhà đầu tư mong muốn đa dạng hoá rủi ro. Một số nhà đầu tư nhận thấy Đông Nam Á là khu vực có sự ổn định về chính trị tốt nhất trên thế giới.

mh5

(Nguồn: DealStreetAsia, Việt hoá: Thái Sơn)

Thái Sơn