|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Với chứng khoán Mỹ, số ca bệnh tăng cao chưa chắc là nỗi lo lớn nhất

11:41 | 04/07/2020
Chia sẻ
Dù số ca mắc COVID-19 ở Mỹ trong vài ngày gần đây đã vượt ngưỡng 50.000 ca/ngày, thị trường chứng khoán vẫn diễn biến tích cực. Một số chuyên gia cho rằng nguyên nhân là vì tỉ lệ tử vong của đợt bùng phát hiện tại thấp hơn so với làn sóng lây nhiễm đầu tiên.
Với chứng khoán Mỹ, mức độ nghiêm trọng của đại dịch quan trọng hơn số ca nhiễm - Ảnh 1.

Tấm biển chỉ Phố Wall trước Sàn giao dịch chứng khoán New York. Ảnh: Getty Images

Thị trường chứng khoán Mỹ tuần tới sẽ tập trung vào mức độ nghiêm trọng của làn sóng tái bùng phát COVID-19 thứ hai. Nếu không có sự kiện bất ngờ, chứng khoán Mỹ nhiều khả năng sẽ nằm trong giai đoạn bình ổn giữa báo việc làm tháng 6 tích cực và mùa báo cáo kết quả kinh doanh tiếp theo.

Chứng khoán Mỹ vừa trải qua một tuần tốt đẹp với mọi chỉ số chính đều tăng điểm so với đầu tuần. Thông tin về số lượng việc làm kỉ lục được tạo ra trong tháng 6 kéo giá cổ phiếu đi lên hôm 2/7, thúc đẩy tâm lí hưng phấn của nhà đầu tư cho đến tận cuối tuần.

Tính chung trong cả tuần, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones, chỉ số S&P 500 tăng lần lượt 3,2% và 4%. Chỉ số Nasdaq tăng 4,6% lên đỉnh mới 10.207 điểm.

Ông Tom Lee, nhà sáng lập quĩ Fundstrat cho rằng thị trường vẫn có thể lên cao hơn, bất chấp số ca nhiễm COVID-19 mới tăng cao kỉ lục. Ông Lee nói: "Tôi nghĩ thị trường đang nằm trong tay của những người mua, người bán đang bị yếu thế. Tôi cũng cho rằng thị trường sẽ tiếp tục khởi sắc trong tháng 7".

"Một lượng tiền lớn vẫn đang nằm ngoài thị trường, nhà đầu tư còn cảm thấy bất an về COVID-19. Nền kinh tế cũng là một yếu tố đáng lo khác. Có quá nhiều điều khiến nhà đầu tư phải lo nghĩ".

Trong tuần trước, thị trường chứng khoán đã đi lên bất chấp số ca nhiễm COVID-19 tái bùng phát khiến ít nhất 12 bang của Mỹ phải ngừng kế hoạch mở cửa nền kinh tế. Tại một số nơi như California và Arizona, quán bar và rạp chiếu phim buộc phải ngừng hoạt động dù mới được phép mở trở lại.

Các lệnh cấm hoạt động kinh doanh như trên làm dấy lên lo ngại sự phục hồi của nền kinh tế sẽ chậm chạp và đuối sức hơn so với dự kiến.

Với chứng khoán Mỹ, mức độ nghiêm trọng của đại dịch quan trọng hơn số ca nhiễm - Ảnh 2.

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh tại Mỹ sẽ bắt đầu từ giữa tháng 7. Theo Refinitiv, lợi nhuận doanh nghiệp trong quí II dự kiến sẽ giảm 43%. Quốc hội Mỹ cũng sẽ là tâm điểm chú ý đối với nhà đầu tư trong bối cảnh các nhà lập pháp thảo luận về gói cứu trợ mới.

Ông Art Hogan, Giám đốc đầu tư tại National Alliance nói với CNBC: "Chúng tôi biết tháng 7 sẽ là quãng thời gian khó khăn trừ khi chúng ta có thêm chính sách tài khóa mới. Thị trường lao động sẽ kiệt sức hoặc ít nhất là hồi phục chậm lại vì nó cần sự hỗ trợ của chính phủ".  

Quốc hội Mỹ sẽ phải làm việc khẩn trương sau ngày 20/7 để bàn luận về gói kích thích kinh tế thứ 4. Dự kiến nội dung của gói kích thích sẽ bao gồm việc gia hạn cho khoản trợ cấp thất nghiệp sắp hết hạn vào cuối tháng 7. Tuy nhiên, qui mô của gói cứu trợ, cũng như nội dung chi tiếp của khoản trợ cấp là các chủ đề gây nhiều tranh cãi.

Trong bối cảnh hoạt động kinh tế tại các bang tiếp tục bị đình trệ, một số chuyên gia lo ngại rằng một số dữ liệu kinh tế sẽ không tiếp tục được cải thiện đáng kể.

Ông Hogan đặt câu hỏi: "Liệu thị trường có sẵn sàng để đón nhận những dữ liệu nối tiếp không được cải thiện so với trước? Trong tương lai thị trường có thể sẽ chú ý nhiều hơn đến vấn đề này".

Ông Hogan nói thêm mức độ nghiêm trọng của làn sóng tái bùng phát là yếu tố khó đoán có khả năng làm rúng động thị trường. Sẽ chỉ có thêm một vài dữ liệu kinh tế quan trọng được công bố trong tuần tiếp theo, bao gồm số đơn xin trợ cấp thất nghiệp và chỉ số phi sản xuất của Viện Quản lí nguồn cung (ISM).

Ông Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư tại Bleakley Advisory Group nhận xét: "Mấu chốt trong tuần tới sẽ là số liệu về lĩnh vực dịch vụ của ISM, vì nền kinh tế Mỹ phụ thuộc lớn vào ngành dịch vụ".

Nhưng tin tức về COVID-19 mới là yếu tố chủ chốt có thể quyết định hướng đi của thị trường và nền kinh tế.

Ông Lee, nhà sáng lập quĩ Fundstrat chia sẻ: "Tôi nghĩ có khoảng 12 vắc xin ngừa COVID-19 đang được theo dõi, nhưng không ai thực sự biết tình hình phát triển của chúng ra sao. Tin tức tiêu cực về vắc xin sẽ là yếu tố tiêu cực cho thị trường".

Ông Lee đoán thị trường chứng khoán bỏ qua sự nhảy vọt của số ca nhiễm mới trong vài ngày qua vì tỉ lệ tử vong của đợt bùng phát thứ hai thấp hơn trước.

Ông nhận định: "Tôi nghĩ thị trường đang phát đi tín hiệu rằng số ca nhiễm không quan trọng bằng mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh" nhưng đợt bùng phát vẫn là rủi ro lớn cho cổ phiếu.

Giang