Vỡ mộng cây sắn tỷ đô?
Mất vị thế cây tỷ đô
Theo thông tin từ Bộ NNPTNT, từ trước Tết Nguyên đán đến nay, tình hình xuất khẩu tinh bột sắn tại các cửa khẩu biên giới rất chậm, do phía TQ giảm cường độ lấy hàng trong bối cảnh tinh bột sắn từ Thái Lan về cảng TQ nhiều hơn. Dự báo trong thời gian tới, giao dịch tinh bột sắn Việt Nam đi TQ sẽ tiếp tục giảm do các nhà máy chế biến và sản xuất thực phẩm tại nước này phải cắt giảm công suất, hoặc ngừng sản xuất.
Nông dân huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn thu hoạch sắn. Ảnh: Hồng Lê
Được biết, những quy định nghiêm ngặt về môi trường đã khiến hàng nghìn nhà máy chế biến và sản xuất thực phẩm tại TQ phải ngừng hoạt động hoặc cắt giảm sản xuất, từ đó ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ tinh bột sắn trong ngắn hạn. Do TQ giảm thu mua tinh bột sắn từ Việt Nam nên trong tháng 1.2017, khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn chỉ đạt khoảng 253.000 tấn với giá trị đạt 66 triệu USD, giảm 42,5% về khối lượng và giảm 36,4% về giá trị so với cùng kỳ 2016.
Ông Huỳnh Nam Giang – Phó Giám đốc Công ty TNHH Tinh bột sắn Tây Nguyên cho biết thêm, sở dĩ năm nay TQ giảm nhập khẩu tinh bột sắn Việt Nam là do sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Thái Lan. Hiện Thái Lan đang trúng mùa sắn được trồng với công nghệ cao, giá thành sản xuất thấp nên sắn Việt Nam không cạnh tranh được. Chưa kể tại thị trường TQ, giá bột ngô đang ở mức thấp nên các nhà máy đã lấy bột ngô thay thế bột sắn.... |
Trong năm 2016, TQ là thị trường nhập khẩu sắn và tinh bột sắn lớn nhất của nước ta, chiếm tới 87% thị phần, song vẫn giảm 12% về khối lượng và giảm 25,7% về giá trị so với năm 2015 (đạt 3,66 triệu tấn và 994 triệu USD).
Theo ông Phạm Vũ Hà – Tổng Thư ký Hiệp hội Sắn Việt Nam, nguyên nhân khiến sắn tuột khỏi vị trí cây tỷ đô là bởi sắn Việt Nam bị phụ thuộc quá nhiều vào thị trường TQ. Khi TQ giảm hoặc ngừng thu mua là lập tức giá sắn tại Việt Nam bị ảnh hưởng, cả nông dân lẫn doanh nghiệp xuất khẩu, cơ sở chế biến đều “chao đảo”. Những thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga... nước ta cũng có xuất khẩu sắn, nhưng khối lượng thấp và các thị trường này thường đòi hỏi chất lượng cao, chỉ số an toàn vệ sinh thực phẩm rất nghiêm ngặt, trong khi hầu hết sản phẩm sắn của Việt Nam chưa thể đáp ứng được.
Hệ lụy khi phụ thuộc một thị trường
Từ đầu tháng 1 đến nay, do giá sắn liên tục xuống thấp nên ở nhiều nơi, người dân không buồn thu hoạch vì rất tốn công, nếu có bán được thì cũng không lời lãi gì. Như tại Kon Tum - nơi có diện tích sắn lớn nhất khu vực Tây Nguyên (hơn 40.000ha), bà con đang chán cây sắn vì bị thiệt đơn, thiệt kép.
Ông Lê Anh Cường ở làng Đăk Brông, xã Chư Hreng, TP.Kon Tum cho biết, gia đình đầu tư trồng 5 sào sắn, thu được trên 14 tấn củ song chỉ bán được cho tư thương với giá 900 đồng/kg. Trừ tiền đầu tư, phân bón, chăm sóc và công nhổ là vừa vặn hòa vốn. Tuy nhiên, theo ông Cườn,g có rất nhiều hộ tại địa phương không bán được sắn vì canh tác trên đồi cao. Chỉ riêng công nhổ, vận chuyển xuống dưới đã chiếm hơn 50% giá thành. Nhiều hộ không có phương tiện vận chuyển đành “bó tay” chịu cảnh thương lái ép giá.
Tại những địa bàn xa nhà máy như các huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Glei, người dân chỉ bán được sắn với giá từ 800 - 1.000 đồng/kg, thậm chí có những khu vực giao thông khó khăn chỉ bán được từ 500 - 700 đồng/kg. Sắn rớt giá, nông dân không có lợi nhuận nên bà con cũng không mặn mà thu hoạch.
Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết, dù đang là thời điểm chính vụ thu hoạch sắn, song rất nhiều nhà máy chế biến tinh bột sắn phải sản xuất cầm chừng. Giá thu mua sắn củ tươi cũng chỉ còn 1.200 – 1.300 đồng/kg, mức thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Tại Đăk Lăk, giá sắn về tới nhà máy Eakar đang ở mức 1.400 đồng/kg cho sắn 30 độ, mỗi độ bột thấp hơn sẽ bị trừ 20 – 30 đồng/kg.
Theo GS Lê Viết Ly – nguyên Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi, trong bối cảnh sắn giảm giá, tiêu thụ khó khăn như hiện nay, rất cần xem lại việc sản xuất mặt hàng này. Thực tế cho thấy, trong một hội thảo về sắn trước đây, đại diện các tỉnh đều chia sẻ không mặn mà với cây sắn nên ít quan tâm tới việc lập quy hoạch phát triển sắn, đầu tư nghiên cứu và hướng dẫn nông dân thâm canh. Nguyên nhân ở chỗ, sắn là cây nghèo xét trên nhiều phương diện. Thứ nhất, sắn làm đất cằn thêm, sau thu hoạch chẳng để lại gì cho đất. Thứ hai, củ sắn nghèo chất đạm và vitamin. Thứ ba, cây sắn thường là cây trồng của nông dân nghèo, hay những đối tượng không đủ sức lao động, không đủ năng lực để chăm bón, thâm canh. Một số nơi nông dân chuyển sang trồng sắn thâm canh, nhưng không nhiều, bởi thông thường nếu có năng lực về vốn để thâm canh thì người ta đã chọn đối tượng cây trồng khác hiệu quả cao hơn.