|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vn-Index 'ngóng' tin Fed và hoạt động tái cơ cấu của hai quỹ ETF

09:24 | 18/03/2017
Chia sẻ
Với rủi ro Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất đang tăng dần và hoạt động tái cơ cấu danh mục của hai quỹ ETF, chỉ số Vn-Index dự kiến sẽ có diễn biến sôi động và ít nhiều gặp thử thách trong các phiên sắp tới.
vn index ngong tin fed va hoat dong tai co cau cua hai quy etf
Một sự thận trọng nhất định đối với rủi ro Fed tăng lãi suất vẫn là điều cần thiết cho nhà đầu tư trong thời điểm hiện tại. Ảnh: MAI LƯƠNG

Fed đang tiến rất gần đến quyết định tăng lãi suất

Tin tức quốc tế thu hút sự chú ý nhiều nhất của giới đầu tư trong những phiên giao dịch gần đây là khả năng Fed sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách diễn ra vào ngày 15-3-2017. Sự đảo chiều nhanh chóng trong kỳ vọng của nhà đầu tư liên quan đến vấn đề này xuất phát từ hai nguyên nhân chính.

Thứ nhất là những phát biểu gần đây của các quan chức Fed đều cho thấy quan điểm tăng lãi suất ngày càng được nhiều thành viên của FOMC (Ủy ban thị trường mở liên bang) ủng hộ. Trong cuộc gặp của câu lạc bộ các nhà điều hành tại Chicago ngày 3-3-2017 vừa qua, Chủ tịch Fed Janet Yellen thậm chí còn nhấn mạnh: việc chờ đợi quá lâu để tăng lãi suất có thể sẽ gây ra những rủi ro nhất định cho nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh thị trường việc làm hồi phục tốt và lạm phát đã tiến rất gần mức mục tiêu 2% của Fed.

Thứ hai là những số liệu thực tế đầy khả quan của kinh tế Mỹ. Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ công bố vào thứ Sáu tuần trước (10-3-2017) cho biết bảng lương phi nông nghiệp trong tháng 2 của nước này đã tăng thêm 235.000 việc làm, cao hơn 25.000 việc làm so với khảo sát trước đó của Bloomberg. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm từ mức 4,8% xuống còn 4,7%. Thị trường lao động tích cực dường như đã trở thành một điều kiện đủ để kỳ vọng tăng lãi suất ngày càng có cơ sở.

Theo tính toán của CME Group, sau những thông tin trên, xác suất Fed tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng 3 đang gia tăng một cách nhanh chóng: hiện đã lên mức 89% so với mức 75% trong phiên ngày 6-3-2017 và mức 35,4% trong phiên ngày 1-3-2017. Từ những dữ liệu trên có thể thấy, thị trường dường như đang rất tin tưởng Fed sẽ có sự thay đổi về chính sách lãi suất trong cuộc họp vào giữa tuần sau.

Đối với các thị trường cận biên và mới nổi, trong đó có Việt Nam, thì tác động từ quyết định của Fed có thể sẽ tiêu cực và đến trễ hơn, đặc biệt ở khía cạnh khối ngoại rút vốn và những biến động của lãi suất và tỷ giá.

Đối với thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ, quyết định này có thể sẽ không ảnh hưởng nhiều do tâm lý nhà đầu tư tại Mỹ đang được hậu thuẫn bởi những tin tức kinh tế tích cực và diễn biến chỉ số Dow Jones có thể cũng đã phản ánh phần lớn kỳ vọng trên. Tuy nhiên đối với các thị trường cận biên và mới nổi, trong đó có Việt Nam, thì tác động từ quyết định của Fed có thể sẽ tiêu cực và đến trễ hơn, đặc biệt ở khía cạnh khối ngoại rút vốn và những biến động của lãi suất và tỷ giá. Do vậy, một sự thận trọng nhất định đối với rủi ro Fed tăng lãi suất vẫn là điều cần thiết cho nhà đầu tư trong thời điểm hiện tại.

Cuộc chơi theo ETF

Ngoài rủi ro khách quan đến từ cuộc họp chính sách của Fed thì TTCK trong nước trong tuần này sẽ chịu tác động mạnh từ hoạt động tái cơ cấu danh mục của hai quỹ ETF. Ngày 3-3-2017, FTSE Russell đã công bố những thay đổi về cơ cấu cổ phiếu trong rổ FTSE Vietnam Index với không nhiều bất ngờ. Theo đó, ba mã cổ phiếu là ROS, HBC, DXG sẽ được ETF FTSE Vietnam mua vào trong kỳ cơ cấu đầu tiên của năm 2017. Trong khi đó, năm mã cổ phiếu khác bị loại ra là KDC, PDR, HVG, HQC và PVT.

Diễn biến của TTCK những phiên vừa qua đã phản ánh khá rõ kỳ vọng của nhà đầu tư nội đối với danh mục mới của FTSE. Hiện tượng đầu cơ đã xuất hiện tại ROS với mức tăng giá 11% và DXG với mức tăng 7,5% trong năm phiên của tuần trước. Ước tính quỹ ETF FTSE sẽ mua vào khoảng 4 triệu cổ phiếu ROS, tức chỉ tương đương với khối lượng giao dịch trung bình của ROS trong hơn một phiên. Do vậy rủi ro đối với những nhà đầu tư đã chạy đua mua vào ROS trong các phiên vừa qua với mục đích bán lại cho quỹ ETF FTSE sẽ là không nhỏ.

Ngược lại, quỹ ETF V.N.M lại hoàn toàn gây bất ngờ khi mua thêm cổ phiếu của Novaland (NVL) vào danh mục của quỹ với tỷ trọng 7%. Hầu hết mọi dự báo trước đó đều không cho rằng NVL sẽ lọt rổ V.N.M ETF vì theo quy định truyền thống, cổ phiếu phải đạt thời gian giao dịch tối thiểu sáu tháng mới đủ điều kiện đưa vào danh mục quỹ này. Trường hợp NVL là một ngoại lệ (mới lên sàn từ 28-12-2016). Với kết quả được công bố, nhiều khả năng NVL sẽ được V.N.M ETF mua vào 20 triệu đô la Mỹ, tương ứng khối lượng 6,68 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, V.N.M ETF chỉ loại duy nhất ITA ra khỏi danh mục trong đợt cơ cấu này, tương ứng bán ra toàn bộ khoảng 25,4 triệu cổ phiếu.

Sau kỳ tái cơ cấu này, số lượng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục V.N.M ETF vẫn giữ nguyên ở con số 19, nhưng tỷ trọng danh mục tiếp tục giảm mạnh, từ mức 76,78% ở kỳ trước xuống còn 73,33%. Điều này đồng nghĩa với việc bên cạnh ITA bị bán toàn bộ thì đa phần các cổ phiếu trong danh mục của V.N.M hiện nay đều sẽ bị bán giảm tỷ trọng với mức độ nhiều ít khác nhau (khối lượng bán dao động từ một đến ba triệu mỗi cổ phiếu).

Tuy nhiên, qua quan sát diễn biến TTCK trong các kỳ tái cơ cấu danh mục của hai quỹ ETF gần đây có thể thấy chỉ số Vn-Index ngày càng ít chịu ảnh hưởng bởi hoạt động mua bán của hai quỹ trên. Một phần là do trong nhiều kỳ “review”, nhà đầu tư nội cũng đã dự báo được phần lớn các cổ phiếu được thêm vào hay bớt ra, tất nhiên là thỉnh thoảng vẫn có những trường hợp gây bất ngờ (như cổ phiếu Novaland trong đợt tái cơ cấu của quỹ V.N.M lần này). Thứ hai là khối lượng mua/bán của quỹ ETF tại từng cổ phiếu cũng không thật sự quá lớn, lực cầu từ nhà đầu tư nội hoàn toàn đủ sức “cân” lại nên khó có khả năng cổ phiếu sẽ tăng trần hoặc giảm sàn hàng loạt. Hoạt động đầu cơ hoặc giao dịch đột biến do vậy sẽ chỉ diễn ra ở từng cổ phiếu mang tính chất riêng lẻ, khó có khả năng ảnh hưởng quá lớn đến chỉ số chung.

Dẫu sao thì với hai thông tin như đã phân tích ở trên, TTCK Việt Nam dự kiến sẽ có diễn biến sôi động và ít nhiều gặp thử thách trong các phiên sắp tới.

Linh Trang