VNE giảm sàn 5 phiên, công ty kinh doanh ra sao khi sở hữu nhiều dự án điện gió, bất động sản?
Cổ phiếu VNE giảm sàn 5 phiên trong thời gian liên tục xuất hiện giao dịch nội bộ
Phiên 23/10, cổ phiếu VNE của Tổng CTCP Xây dựng Điện Việt Nam (VNECO) tiếp tục giảm hết biên độ xuống còn 7.470 đồng/cp, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 8/2021. Đây là phiên giảm sàn thứ 5 liên tiếp của VNE, khiến mã này mất hơn 30% giá trị. Cùng với đà giảm giá, mã VNE mất thanh khoản, khối lượng đặt bán giá sàn trong phiên đầu tuần hôm nay là hơn 2,7 triệu đơn vị, trong khi khớp lệnh hơn 110.000 cp.
Cổ phiếu VNE rớt giá sâu trong bối cảnh lãnh đạo và cổ đông lớn của công ty liên tục bán ra hàng triệu cổ phiếu, trong đó lệnh bán chủ động và công ty chứng khoán giải chấp.
Cụ thể, ông Trần Quang Cần, Phó Chủ tịch HĐQT, bị bán giải chấp gần 400.000 cổ phiếu VNE ngày 17/10, sở hữu giảm xuống 8,19% (6,7 triệu cổ phiếu); Ông Trần Văn Huy, Phó Tổng Giám đốc, bán 100.000 cổ phiếu VNE để giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân trong thời gian 19/9 – 13/10, sở hữu giảm xuống sát 0%.
Tương tự, CTCP Malblue đăng ký bán 3,6 triệu cổ phiếu VNE để cấu trúc khoản đầu tư. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 12/10 đến ngày 9/11. Nếu giao dịch thành công, Malblue sẽ không còn là cổ đông lớn tại VNECO khi sở hữu giảm từ 7,2% xuống còn 3,2%. Trước đó, từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 10, tổ chức này đã bán ra tổng cộng 4,6 triệu cp. Về mối liên hệ, ông Nguyễn Anh Tuấn là Chủ tịch HĐQT của VNECO và Malblue.
Ai đang sở hữu VNECO?
Thông tin về VNECO, tiền thân đây là Công ty Xây lắp Điện 3 được thành lập năm 1988 trên cơ sở hợp nhất hai công ty là Công ty Xây lắp đường dây và Trạm 3 và Công ty Xây lắp đường dây và Trạm 5. VNECO hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật, xây lắp, cung cấp thiết bị trọn gói, chuyển giao công nghệ và đầu tư các dự án về năng lượng tái tạo, truyền tải điện, trạm điện cho ngành điện, công nghiệp cũng như hạ tầng.
Về cơ cấu cổ đông, tại ngày 17/10, cổ đông lớn nhất là ông Trần Quang Cần, Phó Chủ tịch HĐQT, sở hữu 8,19%; đứng thứ hai là CTCP Malblue sở hữu 7,2%; theo sau là bà La Mỹ Phượng sở hữu 6,97%. Một số lãnh đạo khác của VNECO nắm giữ lượng cổ phiếu đáng chú ý là Chủ tịch Nguyễn Anh Tuấn sở hữu 4,69%; và ông Phạm Đỗ Minh Triết, Kế toán trưởng, nắm giữ 4,57% vốn.
Ngoài những cá nhân tổ chức nêu trên, đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay của VNECO xuất hiện một nhóm cổ đông lớn. Ông Nguyễn Văn Quảng, đại diện nhóm 4 cổ đông sở hữu hơn 15,1 triệu cp (16,7% vốn) đề cử ông Nguyễn Đức Thường (sinh năm 1974) tham gia Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ông Nguyễn Đức Thường hiện là Giám đốc điều hành của Công ty Xây dựng Quốc tế - Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội.
VNECO doanh thu nghìn tỷ, biên lãi ròng mỏng
Về tình hình kinh doanh, năm 2015 được xem như đỉnh cao của công ty khi VNECO báo lãi trên 100 tỷ đồng. Những năm sau đó, mặc dù doanh thu cải thiện nhưng lợi nhuận của công ty thu hẹp. Trong năm 2021 và 2022, VNECO ghi nhận doanh thu thuần tăng mạnh so với những năm trước đó, đạt khoảng 2.000 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, lãi sau thuế của công ty đi lùi xuống còn khoảng 10 tỷ đồng mỗi năm.
Sang đến nửa đầu năm 2023, tình hình kinh doanh VNECO cũng không mấy sáng cửa khi ghi nhận doanh thu thuần giảm 64,5% so với 6 tháng đầu năm 2022, xuống còn gần 475 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hơn 509 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái gần 5,5 tỷ đồng.
Giải trình về kết quả này, VNECO cho biết trong 6 tháng đầu năm nay, doanh thu về hoạt động xây lắp điện giảm 740,3 tỷ đồng, giảm 79,3% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 123,6 tỷ đồng, giảm 30,5%.
Bên cạnh đó, do một số công trình còn tiếp tục vướng các thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng thi công, tiền thanh toán từ các chủ đầu tư về chậm ảnh hưởng đến việc giải ngân thanh toán vốn cho nhà thầu, nhà cung cấp vật tư, thiết bị.
Do đó không đẩy nhanh được tiến độ thi công các công trình để nghiệm thu kịp thời với các chủ đầu tư, doanh thu sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh các giao dịch nội bộ, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ 6 tháng đầu năm sau soát xét tăng 6,8 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về kế hoạch hoạt động đầu tư các dự án năng lượng tái tạo trong năm nay, VNECO sẽ đàm phán giá điện và vận hành thương mại đối với 3 turbine còn lại chưa COD của Nhà máy điện gió Thuận Nhiên Phong (công suất 30 MW).
Ngoài ra, công ty tiếp tục tìm kiếm nguồn vốn, hoàn thiện các thủ tục pháp lý và tham gia đấu thầu các dự án điện gió Ba Tầng ở Quảng Trị (công suất 100 MW), dự án Lệ Thủy 3 ở Quảng Bình (công suất 100 MW), dự án Ninh Hải ở Ninh Thuận (công suất 90 MW) và một số dự án điện gió ở các địa phương khác.
Ngoài tài sản là dự án điện gió, VNECO còn đang đầu tư các dự án bất động sản như Dự án VNECO DC (Đà Nẵng), VNECO Tower (Đà Nẵng) và Khu đô thị mới Mỹ Thượng (Thừa Thiên Huế).