VNDirect: Hóa chất Đức Giang sẽ trở lại quỹ đạo tăng trưởng từ quý III nhờ nhu cầu chất bán dẫn phục hồi
Chứng khoán VNDirect vừa có báo cáo cập nhật triển vọng kết quả kinh doanh nửa cuối năm 2023 và 2024 của CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (Mã: DGC).
Quý III/2023, DGC đặt kế hoạch doanh thu 2.384 tỷ đồng (giảm 1,2% so với quý trước và giảm 35% so với cùng kỳ). Lợi nhuận sau thuế (LNST) kỳ vọng 800 tỷ đồng, lần lượt giảm 8,2% và giảm 47%.
Tuy nhiên VNDirect lại kỳ vọng lợi nhuận ròng của DGC sẽ tăng 2,3% trong quý III và tăng 4,2% trong quý IV (so với quý liền trước) nhờ đóng góp từ việc mua lại CTCP Phốt pho 6 và đẩy mạnh bán mặt hàng Axit photphoric (85% H3PO4) khi nhu cầu cao hơn từ thị trường Ấn Độ và Mỹ.
Trong quý này, DGC cũng dự kiến hoàn thành việc sửa chữa nhà máy Phốt pho 6 (chi phí sửa chữa 30 tỷ đồng), xây dựng nhà máy Na2SiF6 (5 tỷ đồng) và dây chuyền NPK tại Đắk Nông (20 tỷ đồng).
Theo các chuyên gia, động lực tăng trưởng của DGC từ đây đến năm 2024 là việc giá phốt pho vàng sẽ phục hồi vào năm sau nhờ nhu cầu chất bán dẫn tăng trở lại.
Theo World Semiconductor Trade Statistics (WSTS), thị trường chất bán dẫn toàn cầu dự kiến sẽ chứng kiến sự sụt giảm hai con số vào năm 2023 nhưng diễn biến sẽ tươi sáng hơn trong năm 2024 khi cơ quan trong ngành dự báo mức tăng trưởng ước tính là 11,8%.
Cụ thể, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 11,8% lên 576 tỷ USD vào năm 2024 với sự phục hồi lớn được kỳ vọng ở phân khúc bộ nhớ (tăng 40%). Bên cạnh đó, Hiệp hội Quốc tế về Thiết bị và Vật liệu Bán dẫn (SEMI) dự kiến doanh thu toàn cầu của ngành sản xuất chất bán dẫn sẽ phục hồi vào năm 2024, đạt 100 tỷ USD (tăng 14,4%).
Theo ban lãnh đạo DGC, đến cuối năm 2024, nhu cầu phốt pho của Việt Nam sẽ tăng đột biến nhờ các nhà máy sản xuất pin và chip mới ở Đông Á và Mỹ sẽ đa dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc. Vì vậy, chuyên gia kỳ vọng phốt pho sẽ duy trì mức giá hiện tại (4.000 USD - 4.300 USD/tấn) trong nửa cuối năm 2023 trước khi tăng trở lại trong năm 2024 (4.600 USD - 5.000 USD/tấn).
Theo dự báo, lợi nhuận ròng của DGC sẽ phục hồi trong năm 2024, tăng 19,5% lên 4.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên rủi ro đối với DGC là việc dự án Xút-Clo tiếp tục bị trì hoãn sang năm 2024 do thủ tục pháp lý. DGC đã trì hoãn việc xây dựng Giai đoạn 1 của dự án Xút-Clo đến quý I/2024 từ giữa năm 2023 do thủ tục pháp lý và không còn theo đuổi dự án giai đoạn 2 có quy mô lớn hơn. DGC đã giảm quy mô giai đoạn đầu của dự án Xút-Clo — từ vận hành 150.000 tấn/năm xuống còn 50.000 tấn.
Vì vậy, chuyên gia dự đoán việc chưa đóng góp doanh thu của mảng xút-clo sẽ khiến biên lợi nhuận gộp của DGC giảm 0,4 điểm % vào năm 2024 khi DGC tập trung vào thúc đẩy axit photphoric (H3PO4 85%) với tỷ suất lợi nhuận gộp thấp hơn.
Dự án Xút-Clo sẽ đi vào hoạt động trong quý I/2025 và do đó bắt đầu đóng góp 12% doanh thu cho DGC, tương đương 1.500 tỷ đồng.
Trong khi đó, VNDirect nhận định dự án bauxite-nhôm có thể là điểm nhấn đầu tư trong dài hạn của DGC.
Ngày 18/7, Phó Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, quy hoạch khai thác khai thác bauxite tối đa là 118 triệu tấn nguyên liệu/năm.
Chính phủ đã xác định từ năm 2021 - 2030, việc thăm dò, khai thác bauxite phải gắn với chế biến sâu (ít nhất là với sản phẩm nhôm). Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thăm dò, khai thác phải có năng lực thực hiện dự án từ thăm dò đến chế biến sâu, sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại và bảo vệ môi trường.
Do đó, điều này có lợi cho những người doanh nghiệp có trình độ kỹ thuật và tài chính cao như DGC và Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG), tăng cơ hội nhận được giấy phép khai thác với chi phí thấp.
Theo ban lãnh đạo, DGC kỳ vọng dự án có thể hoàn thành vào năm 2027 (2 năm phê duyệt hoàn toàn và 2 năm xây dựng). Ước tính của các nhà phân tích, dự án bauxite–nhôm có thể mang lại doanh thu và lợi nhuận ròng sớm nhất cho DGC là vào năm 2028.