VNDirect: Cổ phiếu thép định giá rẻ nhưng chưa hấp dẫn, NĐT không nên quá hưng phấn
Định giá doanh nghiệp thép rẻ nhưng chưa hấp dẫn
Một tuần sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trung bình giá cổ phiếu thép đã bứt phá 19,6%, vượt trội so với đà tăng của VN-Index (1,5%), phản ánh việc giá thép thế giới tăng 5% trong đầu tháng 2/2022. Hiện tại, các doanh nghiệp thép đang định giá ở mức thấp nhất 4 năm trở lại đây.
Trong những phiên giao dịch sắp tới, Chứng khoán VNDirect nhận định giá cổ phiếu thép sẽ có biến động tăng giảm theo diễn biến giá thép và yếu tố định giá trở nên mờ nhạt hơn. Do vậy, nhà đầu tư không nên quá hưng phấn với những đợt tăng ngắn hạn của nhóm cổ phiếu thép bởi định giá dù rẻ nhưng chưa đủ hấp dẫn.
Trong ngành thép, VNDirect đánh giá cao tiềm năng cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hoà Phát. Nhóm phân tích tin rằng Hoà Phát sẽ là doanh nghiệp thép duy nhất có khả năng duy trì lợi nhuận ở mức cao trong năm 2022 nhờ khả năng tiết giảm chi phí và quản trị hàng tồn kho đã được chứng minh sẽ hỗ trợ đáng kể việc biên lợi nhuận gộp thu hẹp.
Ngoài ra, công ty sẽ ghi nhận những đóng góp đầu tiên vào kết quả kinh doanh đến từ nhà máy sản xuất container (từ quý III/2022) và mỏ quặng sắt Ropper Valley. Về dài hạn, Khu liên hợp Dung Quất 2 sẽ giúp công ty quay trở lại mức tăng trưởng 2 chữ số và đưa công ty lọt Top 30 nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới từ năm 2024.
Ngành thép liệu có nóng trở lại năm 2022?
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), xuất khẩu thép xây dựng và tôn mạ của Việt Nam đạt lần lượt 1,4 - 3,4 triệu tấn trong năm 2021, tăng tương ứng 36 và 110% so với cùng kỳ.
VNDirect dự báo nhu cầu thép thế giới đã tăng đáng kể từ quý I/2021 khi hàng loạt quốc gia đã phê duyệt và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng. Xu hướng này sẽ tiếp tục tiếp diễn tối thiểu đến hết nửa đầu năm 2022, qua đó kích thích các nhà sản xuất thép Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.
Bên cạnh đó, nhu cầu thép nội địa sẽ hồi phục mạnh mẽ trong năm 2022 khi dịch bệnh được kiểm soát và chính phủ đẩy mạnh chi tiêu công vào phát triển cơ sở hạ tầng.
Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng và tôn mạ nội địa trong quý III/2021 đã giảm lần lượt 33 - 36% khi chính phủ thực hiện giãn cách xã hội. VNDirect kỳ vọng hoạt động xây dựng trong năm 2022 sẽ không bị gián đoạn khi tỷ lệ tiêm chủng tại Việt Nam đã gần đạt mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, chi tiêu công vào phát triển cơ sở hạ tầng sẽ được đẩy mạnh thời gian tới và sự nóng lên của thị trường bất động sản nhà ở sẽ giúp sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Việt Nam tăng 10 - 15% vào năm 2022.
Tại mặt hàng tôn mạ, nhóm phân tích kỳ vọng sản lượng tiêu thụ tôn mạ của Việt Nam sẽ tăng nhẹ 5% vào năm 2022 từ mức cao là 38% trong năm 2021.
Tuy nhiên, VNDirect cho rằng biên lợi nhuận gộp ngành thép năm 2022 sẽ suy giảm từ mức cao của năm 2021 do giá bán thép thấp hơn trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Với lợi thế sở hữu chuỗi giá trị toàn diện, kinh nghiệm quản lý chi phí & hàng tồn kho đã được chứng minh và thị phần vượt trội, VNDirect cho rằng Hoà Phát sẽ là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng thấp nhất. Trong năm 2022, công ty dự phóng biên lợi nhuận gộp của Hoà Phát sẽ giảm xuống mức 25,9%, tương ứng giảm 1,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ.
Trong khi đó, với việc phụ thuộc lớn vào giá HRC đầu vào và giá bán thép tại các thị trường xuất khẩu chủ lực là Mỹ và EU suy giảm, VNDirect cho rằng hiệu suất sinh lời của doanh nghiệp ngành tôn mạ sẽ giảm đáng kể. Cụ thể, biên lợi nhuận gộp của Thép Nam Kim (Mã: NKG) năm 2022 sẽ chỉ đạt 11%, giảm 4,2 điểm phần trăm.
Nhờ sở hữu chuỗi bán lẻ tại thị trường nội địa, Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) sẽ có khả năng chuyển một phần rủi ro giá nguyên vật liệu biến động sang khách hàng, theo đó nhóm phân tích ước tính biên lợi nhuận gộp của công ty năm 2022 sẽ giảm 2,5 điểm phần trăm xuống 14,3%.
VNDirect nhận định ngành thép Việt Nam vẫn mang đặc trưng của chu kỳ, tuy nhiên chu kỳ hiện tại đang có những điều kiện lý tưởng.
Ngành thép thường xuyên có các giai đoạn mở rộng và suy thoái xen kẽ. Trong giai đoạn mở rộng, nhu cầu thép cao kéo giá bán và sản lượng tiêu thụ thép tăng mạnh. Kết quả là biên lợi nhuận gộp của các nhà máy thép cũng tăng lên, thu hút nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất hoặc mở rộng nhà máy. Việc mở rộng sản xuất ồ ạt sau đó khiến cung thép tăng nhanh hơn nhu cầu thực tế (dư cung).
Tuy nhiên, thép là sản phẩm công nghiệp khó lưu trữ do đặc điểm cồng kềnh và chất lượng suy giảm theo thời gian. Từ đó cạnh tranh trong ngành sẽ dần gia tăng, các nhà máy thép lại quay đầu giảm giá bán để tiêu thụ lượng hàng tồn kho lớn. Cuối cùng giá bán và biên lợi nhuận gộp của ngành giảm dần và là giai đoạn suy thoái trong chu kỳ kinh doanh.